Mỹ đang tăng tốc các chương trình mua vũ khí để bù đắp cho số lượng lớn khí tài được chuyển đến Ukraine trong thời gian qua. Lầu Năm Góc được cho là đã chi hơn 2,6 tỷ USD để thay thế vũ khí mà Mỹ gửi cho Ukraine trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.
Douglas Bush, trợ lý bộ trưởng Lục quân Mỹ về mua sắm, hậu cần và công nghệ cho biết, Lầu Năm Góc tăng tốc, tiến hành đồng thời nhiều quy trình cùng lúc để ký kết thoả thuận sản xuất vũ khí.
Mỹ liên tục viện trợ quân sự cho Ukraine từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại nước này hồi tháng 2. (Ảnh: AP)
Theo Douglas Bush, tính từ cuối tháng 10 đến nay, Lầu Năm Góc ký các hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ USD để sản xuất tên lửa và đạn dược. Tốc độ ký kết các thoả thuận này vượt quá 15% tiêu chuẩn nội bộ của Lầu Năm Góc.
Mỹ đã viện trợ quân sự cho Ukraine hơn 18,9 tỷ USD kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Đến nay, chính quyền Biden đã dành hơn 65 tỷ USD viện trợ kinh tế và quân sự cho Ukraine kể từ khi hoạt động quân sự của Nga bắt đầu vào hồi tháng 2.
Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ thông qua dự luật viện trợ khổng lồ khác trước khi nhiệm kỳ mới bắt đầu vào tháng 1, với trị giá lên tới 50 tỷ USD.
Gần đây nhất, Mỹ cũng viện trợ 400 triệu USD vũ khí cho Ukraine hôm 4/11. Lầu Năm Góc mua vũ khí và thiết bị cho Ukraine trực tiếp từ các công ty và nhà cung cấp vũ khí.
Trong gói viện trợ này có 45 xe tăng T-72 cái tiến từ thời Liên Xô, được Mỹ và Hà Lan mua từ Cộng hòa Séc. Tên lửa phòng không HAWK của Mỹ cũng sẽ được gửi cho lực lượng của Kiev.
Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây không nên gửi vũ khí tới Kiev, cho rằng điều này chỉ khiến xung đột kéo dài, làm gia tăng thương vong và gây hậu quả lâu dài đối với Ukraine.