Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với bộ trưởng quốc phòng của một số nước ngày 16/11, ông Austin cho biết Mỹ sẽ làm việc với Ba Lan để thu thập thêm thông tin về vụ nổ và ông sẽ không đổ lỗi cho bên nào.
Không giống các hệ thống phòng không đắt đỏ khác, NASAM có thể sử dụng các tên lửa không đối không có chi phí tương đối thấp được triển khai trên các máy bay chiến đấu. New York Times đưa tin hồi tuần trước rằng NATO có rất nhiều tên lửa này.
Hệ thống phòng không tiên tiến NASAM. (Ảnh: Kongsberg Defence & Aerospace)
Hệ thống phòng không tiên tiến NASAM được vận chuyển cho Ukraine giữa thời điểm có nhiều mối lo ngại rằng quân đội nước này đang cạn kiệt tên lửa để đối phó với tên lửa và UAV từ Nga.
Nga đã tăng cường không kích vào các mục tiêu ở Ukraine những tuần qua. Gần đây, Tổng thống Zelensky kêu gọi các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ nước này khả năng phòng không sau khi bị Moskva tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng.
NASAMS là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất được phát triển ở phương Tây cho đến nay, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu trên không, từ máy bay đến tên lửa hành trình và UAV.
Hệ thống do tập đoàn Kongsberg Defence & Aerospace của Na Uy và Raytheon của Mỹ phát triển, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1998 và đang phục vụ trong quân đội 9 nước. Đây cũng là tổ hợp phòng không cố định duy nhất được Mỹ triển khai để bảo vệ không phận thủ đô Washington. NASAMS có tầm bắn khoảng 25-30 km, có độ chính xác cao.