"Cần Thơ gạo trắng nước trong, ai đi đến đó lòng không muốn về". Chỉ một câu ca dao đã bao hàm ý nghĩa trọn vẹn về một vùng sông nước trù phú, màu mỡ với biết bao món ngon vật lạ. Trong vô vàn những món đặc sản, lẩu bần chua khiến khách phương xa nhớ mãi về mùi vị đậm chất hương đồng gió nội.
Lẩu bần chua (Ảnh minh họa)
Đúng như tên gọi, món lẩu này có nguyên liệu chính là trái bần - một loại trái phổ biến của vùng sông nước miền Tây.
Bần mọc hoang hoặc được trồng ở rừng ngập mặn ven biển, nhưng khi được chế biến thì lại trở thành món ăn được đặt trên những bàn tiệc của những nhà hàng sang trọng.
Trái bần - nguyên liệu chính làm nên hương vị thơm ngon của nồi lẩu. (Ảnh minh họa)
Nồi lẩu ngon phải dùng bần chín, bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Ngoài bần, nước lẩu còn được ninh từ cá tươi để có vị ngọt thơm đặc trưng, có thêm xương heo được nêm nếm vừa ăn với một chút nước cốt me chua, sau đó cho thêm ít rau thơm cắt nhuyễn và ớt lát để thêm vị cay cho lẩu.
Nước lẩu được ninh từ cá tươi, xương heo, me và không thể thiếu trái bần. (Ảnh minh họa)
Tùy theo mùa mà các loại nguyên liệu ăn lẩu thay đổi rất đa dạng, gồm các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng... sang hơn khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh.
Sự hấp dẫn của lẩu bần nằm ở vị chua rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần. Ngoài ra, vị béo của cá, vị ngọt của các loại rau sống ăn kèm càng khiến thực khách lưu luyến, muốn thưởng thức mãi không thôi.
Lẩu bần có thể ăn kèm với nhiều loại cá và rau sống. (Ảnh minh họa)
Mùa nước nổi là thời gian hợp lý nhất để thưởng thức trọn vẹn hương vị dân dã của nồi lẩu bần. Khi ấy, các loại bông súng, bông điên điển, so đũa nhúng ngập trong nước lèo chua, mặn hài hòa mới thấy thêm yêu miền sông nước miệt vườn.