Phòng Công nghiệp thương mại Đức (AHK) và Công ty Cổ phần Khát vọng Việt Đức (VGEC) đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác Tuyển sinh du học nghề Đức và Chuyển đổi văn bằng cho Lao động tay nghề cao sang Đức làm việc.
Buổi ký kết có sự tham gia của ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp thương mại Đức tại Việt Nam, ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc VGEC. Cùng với đó là sự chứng kiến của các ông bà: Bà Christina Wegner: Cố vấn viên; Hội đồng VIIB5; BMWK; Bà Anine Linder, Bà Carolin Ruppert: Quản lý dự án “Hand in Hand for International Talents”, DIHK; Ông Marcel Fernandes: Cố vấn dự án “Hand in Hand for International Talents”, DIHK.
Ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc VGEC và ông Marko Walde - trưởng đại diện Phòng Công nghiệp thương mại Đức tại Việt Nam tham gia lễ ký.
Tại buổi ký kết, đại diện AHK cho biết: “AHK với vai trò cầu nối giữa CHLB Đức và các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình thử nghiệm với chính phủ Đức, trong đó có thể kể đến chương trình gần nhất là Hand in Hand for International Talents.
Từ đó, chúng tôi nhận ra các giá trị, các cách làm bền vững mới thực sự mang đến lợi ích cho cả người lao động Việt Nam và các doanh nghiệp Đức. Cùng với đó, các tổ chức tham gia thực hiện công việc này cần có đủ uy tín, năng lực cốt lõi, tầm nhìn lớn và luôn mong muốn tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng. Và tôi tin rằng VGEC là một tổ chức như vậy”.
Đại diện của VGEC khẳng định: “Với sứ mệnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, VGEC đang triển khai chương trình tuyển dụng và đào tạo tiếng Đức cho người lao động và học viên du học nghề Đức tại Việt Nam. VGEC luôn nỗ lực không ngừng để mang đến những giải pháp nhân sự chất lượng và kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng”.
Trong bối cảnh hai nước đang tiến hành hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, sự hợp tác giữa VGEC và AHK có ý nghĩa to lớn trong việc mang đến môi trường giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp, góp phần giải quyết bài toán nhân sự chất lượng cao cho cả hai nước Đức và Việt Nam.
CHLB Đức luôn là thị trường lao động chất lượng bậc nhất Châu Âu với các điều kiện lao động và phúc lợi xã hội tốt. Ở chiều ngược lại, với những phẩm chất như siêng năng, chịu khó, sáng tạo trong học tập và làm việc, người lao động Việt Nam đã và đang trở thành nguồn nhân lực tiềm năng mà các doanh nghiệp Đức hướng tới. Hiện tại, các doanh nghiệp Đức tuyển dụng người lao động Việt Nam qua 2 hình thức chính: Du học nghề và chuyển đổi văn bằng cho Lao động tay nghề cao.
Du học nghề Đức là chương trình giáo dục đào tạo nghề chất lượng cao tại Đức, trong đó học viên sẽ có cơ hội nâng cao và rèn luyện kỹ năng chuyên môn cũng như kiến thức nghề nghiệp. Còn đối với lao động tay nghề cao (đã có chứng chỉ nghề và kinh nghiệm làm việc) tại Việt Nam muốn làm việc tại Đức, việc chuyển đổi văn bằng là một yêu cầu quan trọng để đảm bảo tính hợp lệ và công nhận chuyên môn của họ tại quốc gia này.