"Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh....". Câu ca dao quen thuộc luôn mời gọi du khách gần xa một lần đến với xứ Lạng để rồi "Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mảng vui quên hết lời em dặn dò". Chùa Tam Thanh, địa điểm du lịch nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Động Nhị Thanh – Động Tam Thanh – Núi Tô Thị – Thành Nhà Mạc.
Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, không hẹn mà gặp, du khách thập phương lại về đây để cầu tài lộc, may mắn, sức khỏe, tham gia trải nghiệm những hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc.
Ứng dụng tham quan chùa Tam Thanh bằng camera 360.
Hiện nay, tại điểm du lịch này, ngành du lịch xứ Lạng đã đưa vào ứng dụng tham quan trải nghiệm di tích chùa Tam Thanh bằng hệ thống camera 360. Với sự hỗ trợ của hệ thống thuyết minh tự động, những hình ảnh sắc nét, du khách có thể khám phá đầy đủ những ý nghĩa của từng điểm tham quan tại Chùa, hiểu rõ về giá trị lịch sử lâu đời của di tích này.
Chỉ với 1 chiếc smartphone có kết nối dữ liệu di động, du khách hoàn toàn có thể trải nghiệm di tích chùa Tam Thanh bằng công nghệ thực tế ảo. Kể từ khi đưa vào trải nghiệm mô hình này, lượng du khách đến với chùa Tam Thanh cũng tăng nhiều so với những năm trước. Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, đã có hơn 70.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.
Với sự hỗ trợ của hệ thống thuyết minh tự động, những hình ảnh sắc nét, du khách có thể khám phá đầy đủ những ý nghĩa của từng điểm tham quan tại chùa Tam Thanh, hiểu rõ về giá trị lịch sử lâu đời của di tích này.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh, ngành du lịch Lạng Sơn đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo các hình thức tuyên truyền quảng bá mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tuyên truyền quảng bá, khai thác hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài việc duy trì thông tin trên Cổng du lịch thông minh (langsontourism.com.vn), Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn còn thiết lập các kênh quảng bá mới trên nền tảng mạng xã hội và thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh và video clip quảng bá du lịch Lạng Sơn trên Zalo, Facebook, Youtube… thu hút được hàng nghìn lượt quan tâm và theo dõi, góp phần đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá về du lịch Lạng Sơn.
Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp, toàn bộ hệ thống ấn phẩm điện tử du lịch Lạng Sơn cũng như các chương trình tour du lịch nội tỉnh cũng đã được đăng tải trên trang web Du lịch Lạng Sơn. Chỉ với một thao tác nhấp chuột, du khách có thể vào đọc các ấn phẩm để nắm bắt các thông tin chi tiết về điểm đến du lịch, nét văn hóa ẩm thực, các dịch vụ du lịch cũng như các chương trình kích cầu du lịch của tỉnh Lạng Sơn tại các thời điểm. Thực tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong phát triển dịch vụ du lịch đã từng bước cho kết quả khả quan. Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng du khách đến với Lạng Sơn đạt trên 3 triệu lượt; tổng doanh thu đạt trên 1.499 tỷ đồng.
Ngành du lịch Lạng Sơn đã chủ động nghiên cứu, sáng tạo các hình thức tuyên truyền quảng bá mới, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tuyên truyền quảng bá, khai thác hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Trần Thị Bích Hạnh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Điểm du lịch chùa Tam Thanh là một trong những điểm du lịch có thuyết minh tự động đầu tiên ở Lạng Sơn và đem lại hiệu quả rất cao. Sau khi triển khai thí điểm thì trong Đề án phát triển du lịch Cổng du lịch thông minh của tỉnh Lạng Sơn, sẽ tiếp tục triển khai thêm 9 điểm nữa tại TP. Lạng Sơn và các huyện có điểm du lịch thu hút đông khách du lịch. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình thuyết minh tự động này để quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Lạng Sơn đến gần hơn nữa với du khách”.
Để tiếp tục quảng bá hình ảnh, văn hóa đến với du khách trên nền tảng số, ngành du lịch Lạng Sơn sẽ tập trung phát triển Trục liên thông hệ thống thông tin từ doanh nghiệp kinh doanh du lịch với cơ quan quản lý nhà nước; kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; đẩy mạnh hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Lạng Sơn trên nền tảng số; huy động sự tham gia xã hội hóa của các nhà đầu tư nhất là trong triển khai tiếp thị số, phát triển sản phẩm mới, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong ngành du lịch nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về công nghệ, chuyển đổi số; đồng hành với phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch.