Trong buổi talkshow với chủ đề “Khát vọng chuyển đổi số”, ông Nguyễn Khắc Lịch - Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chia sẻ câu chuyện na Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) lên sàn thương mại điện tử.
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia Nguyễn Khắc Lịch. (Ảnh: Anh Văn).
Theo ông Lịch, đặc tính của na chín rất nhanh, khó có thể bảo quản. Mỗi buổi sáng khi người dân lên núi hái na, nếu mang về chợ muộn, không bán hết, để sang ngày mai sẽ hỏng.
“Giữa năm 2021, khi đang giữ vai trò Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng ban Chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn, nhận thấy sự khó khăn khi tìm kiếm đầu ra của người dân, tôi nghĩ rằng phải dùng công nghệ số, nền tảng số và chuyển đổi số trong việc tiêu thụ na Chi Lăng”, ông Lịch chia sẻ.
Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia cho biết, thời điểm đó, tỉnh Lạng Sơn đã bắt đầu xây dựng các cửa hàng số, gian hàng số cho các hộ gia đình trên hai sàn thương mại điện tử chuyên cho nông sản là Vỏ sò và Postmart.
“Nhờ đó na Chi Lăng không chỉ bán trong tỉnh Lạng Sơn và các vùng lân cận mà có thể chuyển đến mọi miền đất nước. Trong vòng 48 giờ đồng hồ là na Chi Lăng sẽ đến được đất mũi Cà Mau. Nhờ chuyển đổi số bà con ở Cà Mau có thể thưởng thức được na Chi Lăng-Lạng Sơn”, ông Lịch nhấn mạnh.
Ông Lịch thông tin nếu như với hoạt động buôn bán truyền thống tại chợ, người dân Chi Lăng sẽ chọn na sắp chín, thì hiện nay, khi có đơn hàng, họ sẽ căn cứ vào khoảng cách và thời gian vận chuyển để hái na.
Người dân Lạng Sơn thu hoạch na Chi Lăng. (Ảnh: Đắc Huy).
“Khi na được đưa lên sàn thương mại điện tử, bên cạnh việc đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và GlolGAP thì tiêu chuẩn cộng đồng cũng rất quan trọng. Đó chính là phản hồi, đánh giá của người mua, nếu na của anh không đảm bảo thì chắc chắn điểm uy tín sẽ giảm sút, khách hàng sẽ không mua tại của hàng của anh nữa”, ông Lịch nêu rõ.
Từ câu chuyện của quả na Chi Lăng, theo Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Lạng Sơn đã áp dụng với rất là nhiều mặt hàng khác, nhiều sản phẩm tại địa phương này đã được đưa lên sàn thương mại điện tử. Điều này cũng góp phần chuyển đổi nhận thức của người dân trong vấn đề kinh doanh.
“Sau khi thí điểm na Chi Lăng, Lạng Sơn đã phát triển các cửa hàng số để người dân bán những thứ mình có. Hiện toàn tỉnh đã đưa lên các sàn khoảng 20.000 loại sản phẩm, trong đó có các đặc sản như vịt quay, lợn quay, hồng ngâm, hồng không hạt… Số giao dịch thành công trên sàn thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh Lạng Sơn nằm trong danh sách 4 tỉnh dẫn đầu cả nước”, ông Lịch nói.
Năm 2022 được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ rõ, định hướng xuyên suốt năm nay là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số của Việt Nam, giúp người dân và doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyện của số.
Ông Lịch cho biết, từ mục tiêu đó, sáng kiến thành lập “tổ công nghệ số cộng đồng” đã ra đời.
“Sáng kiến tổ công nghệ số cộng đồng có thể nói là chìa khoá cho chuyển đổi số toàn dân. Chỉ có tổ công nghệ số cộng đồng mới mang được các dịch vụ số, nền tảng số đến cho từng nhà hay thậm chí từng cá nhân”, ông Lịch nói.
Thành viên tổ công nghệ số cộng đồng xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. (Ảnh: Kinh tế đô thị).
Ông Lịch lý giải, nền tảng số muốn triển khai rộng, nhanh thì phải có một lực lượng sẵn sàng đi từng ngõ gõ từng nhà, hướng dẫn từng người. Hiện trên toàn quốc đã thành lập được 61.000 tổ cộng nghệ số cộng đồng với 283.000 thành viên. Tổ trưởng của tổ cộng nghệ số cộng đồng là các trưởng thôn, trưởng bản, tổ phó là những bí thư chi đoàn thanh niên, thành viên tổ là những người am hiểu công nghệ.
Chia sẻ khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, ông Lịch cho rằng chuyển đổi số được coi là một cuộc cách mạng, cuộc cách mạng này là về nhận thức và thể chế, trong đó việc thay đổi nhận thức của người dân gặp rất nhiều trở ngại.
“Tổ công nghệ số cộng đồng phải là những người uy tín trong cộng đồng. Họ sẽ được chuyển đổi nhận thức đầu tiên, hướng dẫn chuyển đổi số đầu tiên. Khi họ thấy được những giá trị mà chuyển đổi số mang lại thì người dân sẽ nghe theo”, ông Lịch nói.