Bày tỏ quan điểm về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 tại phiên thảo luận hội trường sáng 26/7, Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ra thực trạng một số cán bộ công chức, viên chức phải đi học nhiều chứng chỉ, bằng cấp đủ đủ điều kiện cho việc bổ nhiệm và quy hoạch. Theo ông Cường, đó là một sự lãng phí lớn.
Đại biểu nhắc lại thừa nhận của nguyên Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong một kỳ họp của Quốc hội khóa XIV rằng hiện nay có những quy định yêu cầu trước khi bổ nhiệm phải có một loạt chứng chỉ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).
"Việc này gây ra lãng phí trong đào tạo cán bộ. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nói sẽ thay đổi, sau khi bổ nhiệm vào vị trí đó mới cần học những chứng chỉ ấy để có đủ năng lực điều kiện làm việc chứ không phải cứ đi học trước để có đủ điều kiện", ông Cường cho hay.
Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng tình trạng văn bằng, chứng chỉ không hợp lý đang gây ra việc đua nhau đi học.
"Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học. Những ngoại ngữ không cần thiết cũng học. Tôi là cán bộ khoa học. Học ngoại ngữ là phục vụ công việc thì hết sức cần thiết. Nhưng cần có ngoại ngữ để làm việc chứ không phải là để làm cho bằng cấp đẹp lên”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ví dụ.
Ông Trí nhấn mạnh, tiết kiệm, chống lãng phí là phạm trù rất rộng, đó là tiền bạc, kinh phí, đất đai. Nhưng có những lãng phí như thời gian, cơ hội, đặc biệt là sức lực, trí tuệ, cách thức tổ chức làm việc và chủ trương, chính sách là không thể đong đếm.
“Một chủ trương chính sách sai sẽ gây ra lãng phí cực kỳ nhiều, không đo đếm được. Tham nhũng đáng phê phán, đáng lên án, đáng nghiêm trị còn lãng phí thì còn hơn thế nữa. Đáng lên án hơn, đáng phê phán và đáng nghiêm trị hơn vì lãng phí là mất mát”, đại biểu nhấn mạnh.