Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Làm tắt, lách luật, điện gió thành công mà đau đớn

(VTC News) -

Các tỉnh Tây Nguyên vừa đón một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực điện gió, hàng trăm trụ điện gió đã đầu tư nhưng hiện đang đứng yên, chờ rỉ sét.

Hàng chục nghìn tỷ đồng ồ ạt đầu tư vào điện gió Tây Nguyên nhưng chưa mang lại hiệu quả cũng cho thấy có nhiều bất thường.
Từ một tỉnh đầy hứa hẹn về điện gió, nay Đăk Nông là nơi các doanh nghiệp bị sa lầy nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. Cùng với thua lỗ của doanh nghiệp về kinh tế là những phức tạp gia tăng về an ninh trật tự tại địa phương, gồm xung đột chưa có hồi kết trong khâu giải phóng mặt bằng và nhiều trường hợp vi phạm ở khung hình sự đang chờ xét xử, khi họ đã phá nhà dân để thi công điện gió.

Ông Nguyễn Bá Út, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông thừa nhận, điện gió là lĩnh vực đầu tư công nghiệp rất mới tại địa phương, quá trình triển khai đã chưa tính toán hết các kịch bản, rủi ro. Việc triển khai 6 dự án với tổng công suất 430MW giai đoạn vừa qua trên địa bàn tỉnh có nhiều bất cập, đặc biệt là việc nhà đầu tư làm tắt, tự ý nâng mức giá đền bù khi giải phóng mặt bằng, dẫn đến phản tác dụng.

“Nhà đầu tư nôn nóng làm để đảm bảo được cấp vận hành thương mại. Chính những việc chạy theo dự án đó nó lại gây ra những khó khăn, bất cập cho chính nhà đầu tư. Quá trình thực hiện xảy ra những vướng mắc mà trước đây trong báo cáo khả thi dự án nhà đầu tư chưa có định hướng. Hiện nay nhà đầu tư đang có đề xuất điều chỉnh dự án, điều chỉnh các vị trí không triển khai được do việc chưa bồi thường giải phóng mặt bằng được”, ông Nguyễn Bá Út nói.

 

Từ hào hứng về những triển vọng mùa vàng thu nắng- gặt gió, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách, nay điện gió Tây Nguyên, biến thành vũng lầy.

Đẩy nhanh tiến độ bằng mọi giá cũng làm nảy sinh vi phạm các quy định pháp luật về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai tại hàng loạt dự án điện gió ở Tây Nguyên. Trong đó, phổ biến là việc triển khai dự án khi chưa có đánh giá tác động môi trường; xây dựng điện gió trên đất quy hoạch lâm nghiệp, thi công khi chưa hoàn thành các thủ tục về giao đất, cho thuê đất; thi công trên đất thuộc quyền sử dụng của người dân mà chưa đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk thừa nhận các sai phạm, tồn tại, hạn chế ở các dự án điện gió, nhưng coi đây là điều khó tránh khỏi: “Tồn tại nổi bất nhất là các thủ tục về đất đai do thời gian từ khi chủ đầu tư triển khai dự án đến khi phải đưa vào vận hành rất ngắn, cho nên thủ tục làm không kịp, rất khó để kịp. Có một số thì buộc làm trước rồi hoàn thiện thủ tục sau”. 

Trong xô bồ làm tắt, lách luật, cuống cuồng chạy theo “giá FIT”, không ít dự án điện gió ở Tây Nguyên đã được “bán lúa non” ngay từ khi có giấy phép đầu tư. Điển hình, Công ty CP Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty CP Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai, chỉ vài tháng sau khi được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt 2 dự án với tổng giá trị đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trên 50% cổ phần của 2 công ty đã được chuyển nhượng cho một công ty nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ chuyển nhượng đã hơn 99%. Điều này cho thấy, ngay từ đầu, cả 2 công ty không hề đăng ký đầu tư điện gió với mục tiêu sản xuất kinh doanh điện, mà là “đánh quả dự án”, sang tay kiếm lời.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, việc sang tay các dự án điện gió, thực chất là mua bán chính sách ưu đãi mà Chính phủ ban hành đối với lĩnh vực này: “Hàng chục dự án đã bán cho nên buộc phải ngăn chặn. Giá FIT là Nhà nước bằng mọi cách để ưu tiên cho doanh nghiệp Việt. Doanh nghiệp là phải có lợi nhuận, Chính phủ làm mọi cách để các doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng mà lợi nhuận ấy mong các anh hãy đầu tư”.

Trong số 29 dự án điện gió, với hơn 85 nghìn tỷ đồng đã được đầu tư các tỉnh Tây Nguyên, có tới 15 dự án bị lỡ tiến độ, không thể phát điện.

Trong số 29 dự án điện gió, với hơn 85.000 tỷ đồng đã được đầu tư các tỉnh Tây Nguyên, có tới 15 dự án bị lỡ tiến độ, không thể phát điện. 14 dự án kịp đấu nối và công nhận vận hành thương mại, cũng để lại không ít hoài nghi.

Theo thông tin từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, khả năng phát của điện gió rất thấp. Tính đến tháng 4 năm nay, không nhiều thời điểm hệ thống đạt được 50% tổng công suất, có lúc chỉ đạt 0,37%. Kết quả này mâu thuẫn rất lớn với số liệu khảo sát gió, đánh giá khả năng phát điện đã được thực hiện trước đó, nhất là ở Tây Nguyên, nơi các dự án đều báo cáo rằng có khả năng phát điện trên 5.000 h mỗi năm.

Đặc biệt, thời gian từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, là mùa vàng của điện gió Tây Nguyên, các dự án điện gió càng phát huy được công suất thiết kế. Mâu thuẫn này đặt ra câu hỏi: số liệu khảo sát gió, đánh giá khả năng phát điện trước đó là số liệu ảo, hay các doanh nghiệp đã được đấu nối khi chưa hoàn thiện hiệu chỉnh kỹ thuật, dẫn đến không thể phát điện như thiết kế?

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một doanh nghiệp góp cổ phần ở nhiều dự án điện gió xin không nêu tên, cho biết, ngay cả ở các dự án đạt mức phát điện tốt, điện gió vẫn là nỗi đau của nhà đầu tư: “Về hiệu quả thì những dự án không vào được thì chắc chắn là không có tí hiệu quả nào cả, thậm chí phá sản. Còn dự án vào được rồi mà tình trạng lưới điện thế này thì cũng đối mặt với 2 việc là quá tải công suất và cắt giảm công suất. Có khu vực cắt công suất đến 20%, có nơi thì 10% tuỳ từng dự án, nguồn thì nhiều mà lưới điện thì EVN đầu tư rất chậm chạp”.

Từ hào hứng về những triển vọng mùa vàng thu nắng- gặt gió, đem lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách, nay điện gió Tây Nguyên, biến thành vũng lầy. Hơn một nửa số dự án bị trượt giá FIT, nhà đầu tư đang chịu lỗ ròng, nguy cơ phá sản. Những dự án còn lại, hoặc phát điện phập phù, yếu kém như ghi nhận của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, hoặc phát điện tốt nhưng bị cắt bớt sản lượng, như thông tin từ một số doanh nghiệp điện gió. Điều đó cho thấy, có rất nhiều bất cập và bất thường trong quá trình triển khai cùng thói xấu vụ lợi, đánh quả trong đầu tư và thu hút đầu tư.

Các doanh nghiệp chạy theo làn sóng săn giá FIT, lách luật để đầu tư, mua bán, sang nhượng dự án; các địa phương chấp nhận làm tắt, để doanh nghiệp đảo ngược quy trình, bất chấp các rủi ro … Nếu thành công thì doanh nghiệp thu lợi nhuận, địa phương nhận thành tích, mà thất bại thì lại đổ lỗi và kêu cứu.

Công Bắc (VOV-Tây Nguyên)

Tin mới