Trả lời báo chí, ông Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Sở này đã gửi giấy triệu tập thủ trưởng các đơn vị tham dự cuộc họp chiều 24/10 để rà soát, bàn kế hoạch giải quyết những bất thường trong việc xét thăng hạng giáo viên khi có phản ánh của một nhóm giáo viên tại địa phương này.
Theo công bố, năm nay Thừa Thiên Huế có 447 giáo viên giảng dạy tại các trường THPT, Trung tâm được thăng hạng từ bậc III lên bậc II. Các giáo viên không phải thi mà chỉ xét hồ sơ.
Xem danh sách, nhiều thầy cô cho rằng có sự bất thường. Các trường nằm ở top trung bình - khá như Thừa Lưu, An Lương Đông, Cao Thắng, Phú Bài, Đặng Trần Côn lại có nhiều giáo viên được thăng hạng.
Cụ thể trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc) có đến 32 giáo viên được thăng hạng, chỉ xếp sau trường THPT Quốc học (35 giáo viên), vượt xa các trường luôn nằm trong top dẫn đầu chất lượng của tỉnh như THPT Nguyễn Huệ (27 giáo viên), Đặng Huy Trứ (8), Phan Đăng Lưu (15).
Một giáo viên cho rằng, tiêu chuẩn làm hồ sơ thăng hạng tại các trường không giống nhau, gây bất bình đẳng. Một số trường yêu cầu giáo viên kinh qua chức vụ tổ trưởng, tổ phó trở lên mới được nộp hồ sơ.
Trong khi nhiều giáo viên là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, đủ điểm, nhưng chưa đảm nhiệm các chức vụ trên nên không được trường xét nộp hồ sơ.
Trường THPT Thừa Lưu (huyện Phú Lộc) có đến 32 giáo viên được thăng hạng từ bậc III lên bậc II.
Giám đốc Sở Giáo dục Thừa Thiên - Huế cho biết, sau cuộc họp bàn triển khai ở các trường, Sở sẽ cử các đoàn kiểm tra đến với các trường để trực tiếp rà soát xác minh cụ thể từng trường hợp đảm bảo đúng quy định và công bằng. Kết quả sẽ được thông tin đến báo chí sớm nhất.
Theo người đứng đầu Sở Giáo dục Thừa Thiên - Huế, việc xét thăng hạng giáo viên THPT từ hạng III lên hạng II của tỉnh năm 2018 được Sở chỉ đạo các trường làm dân chủ, công khai, minh bạch.
Để thực hiện việc thăng hạng giáo viên, một hội đồng liên ngành được thành lập gồm Sở Giáo dục, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh…
Ngoài ra, Sở Giáo dục tỉnh có hệ thống văn bản đẩy đủ, tỉ mỉ, cụ thể. Hội đồng đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, ngành, trung ương, UBND tỉnh và không có bất cứ một sự vận dụng nào. Mỗi hồ sơ của giáo viên phải đầy đủ 4 lời khai, đánh giá của cá nhân giáo viên đó, của tổ trưởng chuyên môn, công đoàn và hiệu trưởng. Nếu không có đủ chữ ký thì không được công nhận.
"Tổng cộng chúng tôi có đến 26 đầu việc kéo dài thời gian trong 8 tháng. Hội đồng xét thăng hạng đã họp 5 lần. Về chấm điểm thì hội đồng đã thành lập thêm tổ giúp việc và chấm điểm qua 2 đợt, đợt 1 từ 18-26/7 và đợt 2 từ 17/9-1/10 nên có thể nói việc xét thăng hạng quá chi tiết”, ông Phạm Văn Hùng cho hay.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện cơ quan đã đưa ra kết quả chấm điểm danh sách giáo xét thăng hạng. Tuy nhiên, đây không phải là kết quả cuối cùng. Chiếu theo quy định, kết quả điểm chấm cho các hồ sơ xét thăng hạng phải được thông báo để giáo viên liên quan có ý kiến và xin phúc khảo (nếu thấy cần).
Theo quyết định của UBND tỉnh, giáo viên làm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải được cấp có thẩm quyền đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 năm liên tục gần nhất (từ 2015, 2016, 2017 đến nay); có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp; không trong thời gian thi hành kỷ luật hoặc trong thời gian đang bị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét xử lý kỷ luật; có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III hoặc tương đương từ đủ 6 năm trở lên, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III tối thiểu từ đủ 1 năm trở lên.