Theo đó, Cục Thống kê liên bang Đức cho biết, lạm phát ở Đức đã tăng lên mức 7,8% trong tháng 4, tăng từ mức 7,6% trong tháng 3. Đây là mức cao nhất ở nước này kể từ năm 1981.
Bên cạnh đó, giá các mặt hàng thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá. Từ tháng 3, riêng giá tiêu dùng ở Đức đã tăng khoảng 0,8%. Lạm phát cao đã ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng khi cùng một số tiền nhưng khách hàng chỉ mua được một lượng mặt hàng ít hơn trước.
Lạm phát của Đức đạt mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ vào thời điểm tháng 4 năm nay. (Ảnh: Reuters)
Việc đứt gãy nguồn cung, đại dịch COVID-19 và xung đột ở Ukraine được xem là những lý do khiến giá cả các mặt hàng ở Đức tăng mạnh từ nhiều tháng qua.
Trước tình hình lạm phát gia tăng, Chính phủ Đức hiện đã tung ra hai gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro nhằm giảm bớt gánh nặng cho người dân ở nước này.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho biết Đức đang kỳ vọng tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ chỉ ở mức 6,1% trong năm nay và 2,8% vào năm 2023.
Nếu dự báo này sát với thực tế, đây cũng sẽ là mức lạm phát cao nhất kể từ khi nước Đức thống nhất vào năm 1990. Trong năm 2021, giá tiêu dùng ở Đức tăng trung bình hàng năm là 3,1%.
Trước đó, Chính phủ Đức hôm 27/4 đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, xuống còn 2,2%. Điều này diễn ra do những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá năng lượng và tiêu dùng tăng chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Theo cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) - Eurostat, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 7,5% trong tháng 3. Đây là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát ở khu vực đồng euro lập kỷ lục, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997. Dự đoán mức lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới, đặc biệt là giá năng lượng.
Giá tiêu dùng tăng đột biến khiến người dân khu vực này ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc chi trả phí sinh hoạt. Chi phí năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở châu Âu, với mức giá đã tăng 44,7% trong tháng 3.
Các ngân hàng quốc gia phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng hiện nay. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất trong những tháng tới, đánh dấu lần tăng đầu tiên trong hơn một thập kỷ.
Giá năng lượng ở châu Âu đã đẩy chi phí lên cao, trong đó giá sản xuất trong tháng 3 đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước.