Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lãi suất vay mua nhà ở xã hội vẫn cao, nhiều người thu nhập thấp không dám 'xuống tiền'

(VTC News) -

Dù được vay ưu đãi nhưng với nhiều gia đình có thu nhập thấp, lãi suất vay mua nhà ở xã hội 8,2%/năm vẫn rất cao, khiến họ không dám liều vay.

Anh Vũ Quang Minh (quê ở Hưng Yên) cho biết, sau nhiều năm đi làm, vợ chồng anh tiết kiệm được khoảng 400 triệu đồng, anh định mua một căn nhà ở xã hội giá 1,5 tỷ đồng, vay 70%, tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng. 

Anh Quang biết đến gói vay 1.200 tỷ đồng trong 20 năm với lãi suất 8,2%. Tính ra, mỗi tháng anh phải trả gốc và lãi 10 - 13 triệu đồng. 

Thu nhập của vợ chồng tôi chưa đến 20 triệu/tháng, giờ nếu mua nhà và trả lãi ngân hàng thì không đủ tiền chi trả cho cuộc sống và nuôi hai con ăn học. Có nhà thì mừng thật nhưng không có sức để gánh nợ, không biết đến khi nào mới trả xong”, anh Minh băn khoăn.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ, tuy đủ điều kiện mua nhà ở xã hội nhưng chị vẫn lo lắng về lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội của gói 120.000 tỷ đồng theo các chuyên gia vẫn chưa thực sự ưu đãi. (Ảnh minh họa)

"Với thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng, tôi đã phải xoay xở để đủ chi phí sinh hoạt gia đình và đóng học cho 2 đứa con. Lãi suất 8,2%/năm từ khoản vay 500 triệu đồng là quá lớn, khiến tôi không thể mua được nhà ở xã hội", chị Nhàn nói.

Hiện gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang áp dụng ưu đãi thấp hơn 2%/năm so với lãi suất thương mại, thời hạn giải ngân đến hết năm 2030, được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Theo đó, lãi suất 8,2%/năm áp dụng cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thuộc dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…và 8,7%/năm áp dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), mức lãi suất của gói tín dụng này tuy ưu đãi nhưng vẫn quá cao so với khả năng tài chính của người thu nhập thấp ở đô thị. 

Ví dụ, muốn mua căn hộ nhà ở xã hội có giá 1 tỷ đồng, người mua thanh toán trước 20% (200 triệu đồng) và được vay 80% (800 triệu đồng) với lãi suất 8,2%/năm. Với số tiền vay đó, năm đầu tiên người vay phải trả bình quân 5,46 triệu đồng/tháng (chưa kể còn phải trả một phần nợ gốc). 

Đồng thời, theo ông Châu, với quy định "áp dụng mức lãi suất cho vay trong thời gian ưu đãi là 5 năm" và lãi suất cho vay khi hết thời gian ưu đãi thì ngân hàng thương mại và khách hàng tự thỏa thuận, thống nhất cũng khiến nhiều người ngại vay vốn.

"Thời gian ưu đãi 5 năm là quá ngắn, không phù hợp với bản chất của chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội là cần được vay với lãi suất thấp và trong thời hạn dài mà Luật Nhà ở 2014 đã quy định thời hạn vay ưu đãi tối đa 25 năm", ông Châu nêu nhận xét.

Chủ tịch HoREA nhận thấy, nhiều khả năng sau khi hết thời gian ưu đãi thì người mua nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại bình thường và đây sẽ  là "gánh nặng" cho người vay là đối tượng thu nhập thấp, công nhân lao động. 

Do đó, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu đề xuất gói tín dụng ưu đãi 110.000 tỷ đồng (bằng khoảng 30% nhu cầu nguồn vốn để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030) theo cơ chế "tái cấp vốn, cấp bù lãi suất" để cho người mua, thuê mua nhà ở xã hội được vay với lãi suất ưu đãi khoảng 4,8-5%/năm trong thời hạn tối đa 25 năm.

Cũng nêu nhận định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính Quốc gia cho rằng, thực tế mức lãi suất 8,7% dành cho chủ đầu tư, 8,2% dành cho người mua nhà là chưa hấp dẫn. 

Theo ông Nghĩa, lãi suất cho vay đối với các chủ đầu tư nên áp dụng theo phương thức lãi suất thị trường trừ đi 2%, còn đối với người mua nhà thì bằng lãi suất thị trường trừ 5%; trong đó, phần 5% giảm trừ này do ngân sách tài trợ trực tiếp cho các ngân hàng thương mại.

Tương tự, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cần đổi tên "gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân" thành "chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi 120.000 tỷ đồng".

Phân tích cụ thể hơn, ông Hiếu cho rằng, gói tín dụng hỗ trợ phải có quy định về thời gian cho vay là bao lâu 5 năm, 10 năm hay 20 năm? Về lãi suất, lãi suất ưu đãi chỉ có hiệu lực trong 5 năm, nghĩa là 5 năm sau lãi suất thỏa thuận giữa người đi vay và cho vay. Như vậy, có ai bảo đảm lãi suất sau 5 năm thấp hơn so với mức lãi suất hiện tại? Việc thả nổi lãi suất sẽ tiềm ẩn rủi ro cho cả người đi vay và người cho vay, với người đi vay là rủi ro vỡ nợ và với người cho vay là rủi ro thu hồi nợ.

"Có thể thấy, 120.000 tỷ đồng này không "hoàn hảo" như gói hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội trước đây. Do đó, đây chỉ nên là chương trình cho vay ưu đãi. Đã là gói hỗ trợ thì phải có các quy định, điều kiện hoàn chỉnh hơn", TS. Hiếu nêu ý kiến.

Ngọc Vy

Tin mới