Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lá lốt trị được bệnh gì?

(VTC News) -

Lá lốt không chỉ là gia vị thơm ngon trong ẩm thực Việt Nam, mà còn là vị thuốc nam có nhiều công dụng trong điều trị bệnh lý khác nhau.

Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, cho biết lá lốt thường được sử dụng ăn sống như các loại rau thơm, hoặc làm nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon như canh, nướng, xào, rán.

Ngoài là thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày, lá lốt còn là vị thuốc chữa nhiều bệnh, tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm đau khá tốt. Khi biết sử dụng lá lốt đúng cách, liều lượng phù hợp với cơ địa của mỗi người thì lá lốt trở thành vị thuốc rất tốt. Dùng quá liều lượng có thể gây độc cho cơ thể.

Trong 100g lá lốt sẽ chứa 39 calo, 86,5g nước, 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C. Phần rễ của lá lốt chứa benzyl axetat và phần lá, thân chứa alkaloid và beta-caryophylen.

 Lá lốt có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ.

Theo các nghiên cứu, lá lốt chứa nhiều hoạt chất hóa học có lợi cho sức khỏe, gồm:

- Tinh dầu: Là thành phần chính của lá lốt, chiếm khoảng 0,5-1% khối lượng khô. Tinh dầu lá lốt mùi thơm đặc trưng, chứa nhiều hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, benzylaxetat, piperolotin, piperolotidin, piperlolotinon. Tinh dầu lá lốt còn có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và giảm đau.

- Alcaloid: Là nhóm hợp chất có tính bazơ yếu, khả năng gây ức chế hoặc kích thích hệ thần kinh trung ương. Lá lốt chứa các loại alcaloid như piperin, piperidin, piplartin. Alcaloid trong lá lốt tác dụng giãn mạch máu, làm ấm cơ thể và trừ phong hàn.

- Flavonoid: Là nhóm hợp chất phenolic có khả năng chống oxy hóa và bắt gốc tự do. Lá lốt chứa các loại flavonoid như quercetin, kaempferol, apigenin. Flavonoid lá lốt tác dụng bảo vệ màng tế bào, ngăn ngừa viêm nhiễm và ung thư.

Theo y học cổ truyền, lá lốt vị cay, mùi thơm, tính ấm, tác dụng ôn trung tán hàn, hạ khí, chỉ thống. Chủ trị các chứng phong, hàn, thấp, tê bại chân tay, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, nôn mửa, tiêu chảy, bệnh thận, chữa đau nhức xương khớp, đau đầu, đau răng, chảy mồ hôi.

Cách dùng và liều lượng: Mỗi ngày dùng khoảng từ 8 đến 12g dạng đã phơi khô đem sắc thuốc. Có thể dùng từ 50 đến 100g lá tươi ngậm để chữa đau răng. Ngoài ra còn có thể dùng phối hợp trong thuốc xông để giải cảm.

 Một số bài thuốc từ lá lốt

Chữa bệnh trĩ

Xông hơi lá lốt, hái 1 nắm lá lốt, rửa sạch, ngâm nước muối loãng cho sạch khuẩn, để khô ráo nước. Nấu lá lốt với lượng nước tương ứng, khi nước sôi giảm nhiệt độ đợi thêm 10 phút thì tắt bếp. Để bớt hơi nóng rồi xông hậu môn khoảng 10 – 15 phút. Vệ sinh lại bằng cách lau khô nhẹ nhàng với khăn sạch.

Chữa bệnh ra nhiều mồ hôi tay, chân

Lá lốt tươi 30g cho vào 1 lít nước đun sôi khoảng 3 phút. Khi sôi cho thêm ít muối, để ấm dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối. Thực hiện liên tục trong 5-7 ngày.

Chữa đau nhức xương khớp khi lạnh

Nhờ vị cay, tính ấm nên lá lốt chữa trị đau nhức xương khớp rất tốt. Dùng 50 đến 70g lá lốt + 100gr thịt bò đem rửa và xắt mỏng, tẩm ướp gia vị theo khẩu vị rồi cùng cùng lá lốt, ăn 2-3 lần/tuần.

Chán ăn

15g rau lốt + 15 rễ cây bưởi, xắt nhỏ, sao vàng + 15g rễ ngòi voi + 15g rễ cây cỏ xước + 600ml nước sạch, đun thuốc sệt lại còn 200 ml, một ngày uống ba lượt, một tuần uống sẽ khỏi bệnh.

Hoặc 20g lá lốt + 12 gram thiên nhiên kiện + 16g gai tầm xoang + 400ml nước sạch, sắc đặc lại còn 100ml nước thuốc, một tuần uống nhiều lần trong ngày. Chúng ta cũng có thể thái nhỏ 5 tới 10 lá lốt mang phơi khô hay 15 - 30 lá rau lốt tươi sắc nước rồi uống một ngày 2 – 3 lượt, uống liên tiếp trong một tuần.

 Lá lốt ngon khi kết hợp với thịt.

Chữa đau bụng do nhiễm lạnh

Lá lốt tươi 20g, rửa sạch, đun với 300ml nước còn 100ml, uống trong ngày khi còn ấm, nên uống trước bữa ăn tối. Dùng liên tục trong 2 ngày.

Chữa viêm âm đạo, ngứa, ra nhiều khí hư

Lấy 50gr lá lốt, 40gr nghệ, 20gr phèn chua, đổ nước ngập thuốc khoảng hai đốt ngón tay, đun sôi thì bớt lửa sôi liu riu khoảng 10 - 15 phút rồi chắt lấy một bát nước, để lắng trong, dùng rửa âm đạo. Số thuốc còn lại đun sôi để xông hơi vào âm đạo, rất hiệu nghiệm.

Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay

30g lá lốt tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống trong ngày, còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi khoảng 5 phút rồi vớt bã để riêng. Nước dùng để rửa nơi có tổ đỉa, sau đó lau khô lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày.

Chữa đầu gối sưng đau

Lá lốt, ngải cứu mỗi vị 20g (tất cả dùng tươi), rửa sạch, giã nát, thêm giấm chưng nóng, đắp, chườm nơi đầu gối sưng đau. Mỗi liệu trình điều trị 10 ngày. Hoặc lá lốt và rễ các cây bưởi bung, vòi voi, cỏ xước, mỗi vị 30g, tất cả đều dùng tươi thái mỏng, sao vàng, sắc với 600ml nước, còn 200ml chia 3 lần uống trong ngày. Uống liên tục trong 7 ngày.

Một số người không nên dùng 

  • Phụ nữ đang cho con bú không nên dùng lá lốt quá nhiều để tránh làm mất sữa hay loãng sữa.
  • Người bị nóng gan, đau dạ dày, nhiệt miệng cũng không nên dùng lá lốt để tránh bệnh nghiêm trọng hơn
  • Người bị đau dạ dày dễ bị kích ứng niêm mạc khi ăn đồ ăn có tính nhiệt như lá lốt.
  • Với người bị táo bón, nhiệt miệng vốn là những người bị nóng trong, ăn lá lốt khiến tình trạng bệnh thêm nặng.

Dù lá lốt rất thơm ngon và chứa nhiều dưỡng chất, tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng không nên ăn nhiều lá lốt để tránh tình trạng khó tiêu, đầy bụng.

Lưu ý: Lá lốt có tác dụng trong điều trị khá nhiều bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn, nhưng việc sử dụng cũng cần thận trọng để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra. Những bài thuốc trên có tính chất tham khảo, khi bị bệnh nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán, điều trị cũng như hướng dẫn sử dụng lá lốt hiệu quả. 

Nguyễn Ngoan

Tin mới