Không chỉ là loại rau thơm dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, lá lốt còn chứa nhiều hoạt chất quý tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là những lợi ích của lá lốt trong việc hỗ trợ điều trị bệnh.
Bài viết của TS Nguyễn Đức Quang trên Báo Sức khoẻ & Đời sống cho biết, lá lốt hương vị thơm đặc trưng, là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như bò cuốn lá lốt, chả ốc lát lốt, lẩu ếch, ốc nấu chuối.
Trong y học cổ truyền, lá lốt còn là cây thuốc quý trị phong thấp, đau bụng do lạnh, phù thũng.
Theo Đông y, lá lốt vị cay thơm, tính ấm; vào tỳ vị, lá lốt tác dụng ôn trung tán hàn, kiện tỳ tiêu thực, hạ khí chỉ thống. Lá lốt dùng cho các trường hợp đau bụng lạnh gây nôn thổ, tiêu chảy, hội chứng lỵ trên cơ địa hư hàn; đau đầu, đau răng, chán ăn đầy bụng.
Báo VietNamNet dẫn lời bác sĩ chuyên khoa Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa Y học cổ truyền, trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, theo y học hiện đại, trong 100g lá lốt sẽ có chứa 39 calo, 86,5g nước, 4,3g protein, 2,5g chất xơ, 260mg canxi, 980mg photpho, 4,1mg sắt và 34mg vitamin C.
Phần rễ của lá lốt chứa benzyl axetat và phần lá, thân chứa alkaloid và beta-caryophylen.
Lá lốt chứa nhiều tinh dầu, Alcaloi, flavonoid. Tinh dầu lá lốt mùi thơm đặc trưng, chứa nhiều hợp chất hữu cơ như beta-caryophylen, benzylaxetat, piperolotin, piperolotidin, piperlolotinon... Tinh dầu lá lốt tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, kích thích tiêu hóa và giảm đau.
Bài viết của Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn trên Báo Sức khoẻ & Đời sống hướng dẫn một số bài thuốc chữa bệnh có lá lốt như sau:
Chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp: Theo kinh nghiệm dân gian, lá lốt và xấu hổ đều là hai vị thuốc có công dụng chữa đau xương, thấp khớp, tê thấp.
Lá lốt không chỉ là rau gia vị mà còn là vị thuốc quý trong y học cổ truyền
Để thu được hiệu quả cao nhất, kinh nghiệm dân gian thường dùng rễ cây lá lốt và rễ cây xấu hổ, mỗi thứ từ 15-20 g khô, sắc uống trong ngày.
Nếu không có rễ thì có thể dùng thân cây để thay thế, tuy nhiên, hiệu lực không mạnh bằng rễ cây.
Bạn cũng có thể dùng dưới dạng trà thuốc, nhưng dược liệu phải được thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.
Ngoài ra, người ta còn dùng cây lá lốt và cây xấu hổ sắc lấy nước, cho thêm một chút muối ăn để ngâm các khớp bị bệnh trong thời gian chừng 20-30 phút khi nước thuốc còn ấm.
Chữa đau khớp bằng lá lốt: Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, nhiều người còn sử dụng bài thuốc uống từ lá lốt để mang lại hiệu quả giảm đau xương khớp từ bên trong.
Bạn cần chuẩn bị khoảng 5 đến 10 g lá lốt và phơi khô. Nếu không có thời gian phơi thuốc, bạn có thể lấy khoảng 30g lá lốt tươi và sắc uống. Lần 1 với 2 bát nước, đun cho đến khi cô lại chỉ còn 1 bát nước. Lần 2 làm tương tự. Phần thuốc sắc được chia làm 2 đến 3 phần và uống trong ngày.
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên uống sau khi ăn tối và uống khi thuốc còn ấm. Cũng giống như những bài thuốc dân gian khác, chúng ta cần kiên trì thực hiện mới đạt hiệu quả. Thông thường, những triệu chứng đau nhức khớp có thể thuyên giảm khi bạn sử dụng thuốc trong khoảng 14 ngày.
Lá lốt ngâm rượu: Một bài thuốc chữa đau khớp bằng lá lốt cũng được nhiều người tin tưởng và áp dụng là ngâm lá lốt với rượu trắng. Có thể dùng cả phần lá lốt và phần thân, rễ của loại cây này để ngâm.
Trước hết mang lá, thân và rễ của cây rửa thật sạch, để ráo. Sau đó, bạn cắt nhỏ phần nguyên liệu này và đem ngâm với rượu trắng. Thời gian ngâm trong khoảng 1 tháng. Sau đó dùng phần rượu ngâm được để xoa bóp vùng khớp đang bị đau nhức. Nên thực hiện khoảng 2 đến 3 lần/ngày để giảm đau hiệu quả.
Trên đây là những thông tin giải đáp về câu hỏi "Cây lá lốt chữa bệnh gì?". Theo các chuyên gia, lá lốt có nhiều tác dụng trong điều trị khá nhiều bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng cũng cần thận trọng để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra. Để đảm bảo an toàn cần tham khảo ý kiến chuyên gia sức khỏe dinh dưỡng trước khi sử dụng.