Lá lốt là loại rau quen thuộc của người dân Việt Nam. Lá lốt hương vị thơm đặc trưng, là nguyên liệu không thể thiếu của nhiều món ăn dân dã mà hấp dẫn như bò cuốn lá lốt, chả ốc lát lốt, lẩu ếch, ốc nấu chuối... Vậy, lá lốt có tác dụng gì?
Lá lốt có tác dụng gì?
Theo y học cổ truyền, lá lốt rất nhiều tác dụng với sức khỏe, là bài thuốc chữa bệnh rất hiệu nghiệm, đặc biệt các bệnh về đau nhức xương khớp.
Cây lá lốt (tên khoa học là Piper lolot C. DC) thuộc họ Hồ tiêu (Piperaceae), là loại cây thảo sống dai, thường mọc nơi ẩm ướt. Lá đơn, có mùi thơm đặc sắc, nguyên, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, lá có năm gân chính phân ra từ cuống lá, cuống lá có bẹ. Quả mọng, chứa một hạt. Lá lốt thường được trồng bằng cách giâm cành nơi ẩm ướt.
Lá lốt có tác dụng gì?
Tính vị quy kinh: lá lốt có vị nồng, hơi cay, tính ấm.
Công dụng:
Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá lốt đơn lẻ hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác như rễ cỏ xước, lá xương sông, rễ bưởi bung… sắc lấy nước uống hoặc ngâm tay chân để chữa các chứng đau nhức xương khớp, đau vùng ngực và bụng do lạnh, chứng ra nhiều mồ hôi tay, chân, mụn nhọt, đau đầu, đau răng.
Các bài thuốc chữa bệnh từ cây lá lốt
Chữa đau lưng sưng khớp gối, bàn chân tê buốt: rễ lá lốt tươi 50g, rễ bưởi bung 50g, rễ cây vòi voi 50g, rễ cỏ xước 50g. Sao vàng, sắc; chia uống 3 lần trong ngày.
Chữa phong thấp, đau nhức xương: rễ lá lốt 12g, dây chìa vôi 12g, cỏ xước 12g, hoàng lực 12g, độc lực 12g, đơn gối hạc 12g, hạt xích hoa xà 12g. Sắc uống.
Chữa phù thũng: lá lốt 12g, rễ cà gai leo 12g, rễ mỏ quạ 12g, rễ gai tầm xoọng 12g, lá đa lông 12g, mã đề 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Giải độc, chữa say nấm, rắn cắn: lá lốt 50g, lá đậu ván trắng 50g, lá khế 50g. Giã nát, thêm ít nước, ép gạn lấy nước cho uống ngay trong khi chờ chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế.
Cháo lá lốt: cành nụ lá lốt khô 30g, hồ tiêu 30g, quế 12g, cùng tán mịn mỗi lần dùng 9g. Đầu tiên nấu nước hành tươi (một nắm) gạn lấy nước bỏ bã, cho tiếp gạo tẻ nấu cháo. Khi cháo chín cho bột thuốc vào khuấy đều, cho ăn khi đói. Món này thích hợp cho người đầy bụng không tiêu, chán ăn có liên quan với hư hàn, hàn thấp.
Sữa bò sắc lá lốt: sữa bò 200ml, lá lốt tươi 30g, thái nhỏ, cùng cho vào nấu sắc cho uống khi đói. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng tăng sinh hơi, trung tiện nhiều trong ngày.
Lá nụ toàn cây lá lốt khô tán bột: mỗi lần uống 1,5 - 2g với nước canh hoặc nước cháo. Thích hợp cho người ho nhiều đờm dãi, nôn thổ.
Đầu chân dê hầm lá lốt: đầu dê 1 cái, chân dê 4 cái làm sạch, cho nước nấu chín. Cho tiếp lá lốt, gừng tươi mỗi thứ 30g, hạt tiêu 10g, hành trắng 50g, đậu xị lượng tùy ý, muối ăn và các gia vị, tiếp tục nấu nhỏ lửa cho chín nhừ, chia ăn nhiều lần trong ngày. Dùng cho bệnh nhân có bệnh mạn tính, cơ thể suy nhược, tỳ vị hư hàn, đau quặn bụng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện lỏng.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng lá lốt
Người dùng chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường trung bình chỉ nên dùng từ 50 đến 100g. Vì nếu dùng nhiều có thể gây ra những phản ứng phụ làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải…
Người âm hư hỏa vượng và thực nhiệt không nên dùng nhiều.
Trên đây là những thông tin giải đáp về câu hỏi "Lá lốt có tác dụng gì?". Hãy sử dụng lá lốt vừa đủ để tốt cho sức khỏe nhé.