Mặc dù không có thuật ngữ "cuộc diễu hành của các hành tinh" trong khoa học, người yêu thiên văn học thường dùng cụm từ này khi nói về hiện tượng các hành tinh xếp thành một hàng trong cùng một khu vực trên bầu trời.
Một cuộc diễu hành như vậy từng xảy ra vào ngày 18/4/2002. Theo dự kiến, sự kiện tương tự sẽ diễn ra vào tháng 7/2020. Kế đó là tháng 3, tháng 6/2022 và các năm 2040, 2854.
Hình ảnh mô phỏng về "cuộc diễu hành của các hành tinh". (Ảnh: Starwalk)
Trong cuộc diễu hành vào tháng 7 tới đây, tất cả các hành tinh của hệ Mặt trời - Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương cùng hành tinh lùn Pluto - sẽ xếp thành hàng (hơi cong một chút) ở một phía của Mặt Trời cùng một lúc.
Theo Faina Rubleva - Giám đốc khoa học của Đài thiên văn Matxcơva, ở sự kiện năm nay, Mặt trời sẽ bị sao Thủy che khuất, Sao Thiên Vương, Sao Hải Vương không thể quan sát bằng mắt thường.
"Sao Thổ, Sao Mộc và Sao Hỏa có thể nhìn thấy được vào ban đêm. Chúng ta không nhìn thấy Trái đất vì chúng ta ở trên đó. Có thể nhìn thấy sao Kim, nhưng chỉ vào buổi sáng. Còn Sao Thủy nằm ở phía dưới, bên cạnh Mặt trời và Mặt trời làm lu mờ nó", bà cho hay.
Bà Rubleva cũng lưu ý rằng các hành tinh trên bầu trời sẽ di chuyển chậm và từ từ tạo thành một đoàn diễu hành dần dần. Do đó, hiện tượng này có thể được quan sát trong khoảng hai tuần, trái ngược với nhật thực và nguyệt thực xảy ra trong một khoảng thời gian tương đối ngắn.
"Từ 4/7, chúng ta có thể quan sát Sao Hỏa, Sao Mộc và Sao Thổ vào ban đêm và Sao Kim vào buổi sáng. Tới ngày 14, tầm nhìn của Sao Thổ và Sao Mộc sẽ được cải thiện vì đây là thời điểm chúng phản xạ ánh sáng mặt trời tốt và sẽ thuận tiện nhất để quan sát", bà cho biết thêm.