2019 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội có 4 môn thi và cách tính điểm xét tuyển khác các năm trước. Vì vậy, khó có thể căn cứ vào điểm chuẩn các năm trước để dự đoán điểm chuẩn cao hay thấp hơn. Tuy nhiên, nhìn vào từng môn thi, nhiều giáo viên Hà Nội dự đoán điểm chuẩn sẽ cao.
Kỳ thi vào lớp 10 năm 2019 - 2020 hệ không chuyên kết thúc sau 2 ngày với 4 môn thi. Năm nay Hà Nội có nhiều điểm mới về môn thi cũng như cách thức xét tuyển, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều băn khoăn.
Thí sinh thi vào lớp 10 công lập tại điểm trường thi THPT Phan Chu Trinh, Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: Mai Trang/VOV.VN)
Đổi mới thêm áp lực?
Theo nhận định của các chuyên gia, so với năm ngoái, kỳ thi vào lớp 10 năm 2019 ở Hà Nội có nhiều thay đổi, trong đó thay đổi lớn nhất là số lượng các môn thi và cách thức xét tuyển vào lớp 10. Thí sinh phải thi tới 4 môn và là năm đầu tiên sau nhiều năm chỉ lấy điểm thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS.
Theo quy định, hai môn Ngữ văn và Toán giữ nguyên hình thức thi như những năm trước, là tự luận. Môn Ngoại ngữ kết hợp tự luận và trắc nghiệm; môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm. Như vậy, ngoài môn thi mới thì hình thức thi trắc nghiệm cũng lần đầu tiên được áp dụng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở Hà Nội.
Các chuyên gia đánh giá, đề thi môn Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ vừa sức, nội dung nằm trong chương trình sách giáo khoa. Rêng môn Toán ở câu hình có phần khiến nhiều thí sinh bị bất ngờ.
Phụ huynh Tuyết Nhung (quận Đống Đa), có con đăng ký NV1 ở một trường top của quận Đống Đa, cho biết: “Con mình đọc câu b phần hình xong ngồi một lúc không làm được thì hoảng, ngồi khóc luôn trong phòng thi.
Thi xong mới biết nhiều con không làm được phần này. Giáo viên cho biết, mấy chục năm chưa ra loại bài dạng đó nên các con bị sốc. Bọn trẻ quá áp lực vì nền giáo dục thay đổi và thử nghiệm, bọn trẻ như các vật thí nghiệm của “đổi mới”, “cải cách” liên tục của ngành giáo dục”.
Trên một diễn đàn về giáo dục, nick name Hà Nội Hoa sữa cũng chia sẻ: “Sau buổi thi môn Toán, mình đứng ở cổng trường dang tay ra ôm con và cười thật tươi nhưng con vẫn òa khóc, nghĩ thương con quá. Mình cũng suýt khóc theo con... nhưng may kìm được lại cười thật tươi.
Lau nước mắt cho con rồi bảo: “Không vấn đề gì, mọi thứ con đã cố gắng và làm hết khả năng của mình rồi... và nếu kết quả không tốt thì mẹ cũng đã có phương án cho con”.
Tuy nhiên, ngày thi thứ hai với môn thi Ngoại ngữ và Lịch sử thì nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với nét mặt tươi cười rạng rỡ. Thí sinh Nguyễn Thu Hà, thi tại điểm Trường THPT Phan Huy Chú cho biết: “Đề Lịch sử kiểm tra kiến thức trong chương trình lớp 9, không có câu hỏi đánh đố. Trước đó, em cũng như các bạn bị áp lực và hình dung mức độ đề sẽ khó hơn nên ôn tập kỹ chương trình, sách giáo khoa cũng như học nâng cao hơn nhưng cuối cùng đề còn dễ hơn cả đề thi thử của bọn em trước đó. Em dự đoán sẽ được điểm 8,5 - 9”.
Nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử nhận định, đây là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 có thêm môn Lịch sử, nhưng với cách ra đề môn Lịch sử như vậy là phù hợp, tránh áp lực cho học sinh những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, hầu hết các môn thi các thí sinh đều làm bài khả quan, chính vì vậy, sẽ khó dự đoán điểm chuẩn vào các trường.
Nguyện vọng học hết THCS có thể học lên tiếp một trường THPT công lập tưởng là điều đương nhiên, thế nhưng nhiều năm nay đối với học sinh ở các thành phố lớn như Hà Nội nó thực sự trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Kỳ thi được đánh giá là căng thẳng hơn cả thi đại học, khi Hà Nội “siết” đầu vào lớp 10 trường công luôn ở ngưỡng 60-62%. Đáng nói là, việc năm nay Hà Nội lại chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh bậc THCS nên lại càng tăng tính cạnh tranh của kỳ thi.
Hình ảnh thí sinh bật khóc ngay tại phòng thi, hay hình ảnh mẹ con ôm nhau khóc ngay tại cổng trường cho thấy áp lực để giành được “tấm vé” vào lớp 10 công lập thực sự lớn.
Phụ huynh ôm chặt con gái như thêm động lực cho con trước khi vào phòng thi. (Ảnh: Mai Trang/VOV.VN)
Nhiều băn khoăn
Năm nay thành phố Hà Nội có 85.873 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230, trường ngoài công lập là 21.820. Số còn lại sẽ học dân lập với mức học phí cao hơn hẳn, hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề.
Ngay sau buổi thi đầu tiên, nhiều phụ huynh bắt đầu lao đi tìm hiểu các trường ngoài công lập để “bảo hiểm” cho con khi thấy bài thi của con không khả quan.
Chị Nguyễn Mai Hoa (quận Thanh Xuân) cho biết: “Hôm đầu tiên thấy con thi môn Toán làm bài không tốt nên hy vọng đỗ trường công là rất chênh vênh, vì thế hôm sau mình âm thầm đi tìm hiểu một số trường ngoài công lập cho con. Bất khả kháng lắm mới phải cho con vào học dân lập, vì học phí cao ngất ngưởng gia đình khó có thể chi trả được”.
Một số trường dân lập được đánh giá là có chất lượng tốt thì học phí quá cao. Cụ thể, Trường THPT FPT thu học phí 5 triệu đồng/tháng (chưa kể phụ phí); THCS&THPT Nguyễn Siêu có mức học phí cho chương trình chất lượng cao là 4,5 triệu đồng/tháng, chương trình Song ngữ quốc tế Cambridge A Level là 16 triệu đồng/tháng...
Trong khi mức thu học phí của các trường công lập trên địa bàn thành phố trong năm 2018 chỉ 155.000 đồng/tháng. Nhiều phụ huynh mong muốn nếu mức học phí từ 2,5-3 triệu đồng/tháng thì sẽ phù hợp với mức thu nhập của nhiều gia đình hiện nay.
Để giảm áp lực của kỳ thi, tạo cơ hội cho thí sinh vào các trường ngoài công lập, mấy năm nay Hà Nội cho phép các trường công lập tự chủ tài chính và các trường ngoài công lập được xét tuyển học sinh mà không cần lấy kết quả từ kỳ thi của sở.
Theo đó, các trường có thể căn cứ vào điểm rèn luyện 4 năm học THCS của học sinh để tuyển sinh. Chính vì thế, ngay trước kỳ thi vào lớp 10 này nhiều trường ngoài công lập chốt xong hồ sơ thí sinh trúng tuyển. Thế nhưng, điều mà phụ huynh lo lắng nhất là đối với những trường xét tuyển “mở” như vậy thì chất lượng sẽ khó đảm bảo và có thể ảnh hưởng đến kết quả thi đại học của con sau này.
Sau kỳ thi, dù Sở GD-ĐT Hà Nội nhận định, công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng, kỳ thi tuyển sinh năm nay vẫn còn có những quy định chưa thật sự thuận tiện cho thí sinh.
Chẳng hạn, Sở công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 quá muộn nên các con ôn môn này không được nhiều do thời gian quá gấp; kỳ thi có thể có thêm hai môn mới nhưng nên điều chỉnh cách tổ chức thi để giảm áp lực cho thí sinh...