Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Kỹ sư' lớp 5 chế tạo hàng chục loại máy nông nghiệp

(VTC News) -

Chỉ học hết lớp 5, chưa qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí, nhưng ông Vũ Văn Dung đã chế tạo được hàng chục loại máy phục vụ nông nghiệp.

7 giờ sáng, tại xưởng cơ khí Tiến Dung ở xóm 2 (thôn Hồng Thắng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), tiếng máy cắt, máy hàn xì, tiếng đập búa vang lên liên hồi. Ông chủ xưởng Vũ Văn Dung tuổi xấp xỉ lục tuần, dáng người thấp, nước da rám nắng, đang tất bật bên các thiết bị, máy móc.

Nhìn những thao tác cắt ghép chuyên nghiệp, dứt khoát, những mũi hàn chuẩn đến từng milimét, ít ai biết ông chủ xưởng cơ khí này mới chỉ học hết lớp 5, chưa từng qua một trường lớp đào tạo nào về cơ khí. “Tôi đã chế tạo được hàng chục loại máy phục vụ nông nghiệp như: máy vặt lạc, máy làm đất đa năng, máy bơm nước... Gần đây, tôi mới sáng chế thêm máy vận chuyển bê tông, máy se cói nên bà con đặt mua rất nhiều. Những ngày này, tôi và anh em trong xưởng phải thức khuya dậy sớm làm cho kịp tiến độ trả hàng", ông Dung cho biết.

Ngày trẻ, ông Vũ Văn Dung từng làm đủ nghề như phụ hồ, thợ mộc, lái xe công nông… Năm 37 tuổi, ông quyết định chuyển sang học nghề sửa xe máy, với hy vọng có nghề làm “cần câu cơm”, không phải bươn chải khắp nơi kiếm sống.

 

Tôi học kém, lưu ban liên tục nhưng lại có khả năng bắt chước rất tốt. Nhìn một người đang làm gì đó, lập tức tôi có thể làm theo. Đây là khả năng nổi bật giúp tôi gắn bó với nghề cơ khí đến tận bây giờ

Ông Vũ Văn Dung

Xe máy đồng nát thành máy bơm nước

Thời điểm năm 2015, người dân quê ông thường sử dụng máy bơm nước chạy xăng của Trung Quốc. Giá máy khá cao, khoảng 3 triệu đồng/chiếc, tiêu thụ từ 0,8 - 1 lít xăng/giờ. Phụ nữ rất khó sử dụng bởi nếu không khỏe, giật máy sẽ không nổ.

“Thời gian sửa xe máy trong cửa hàng, tôi nhận thấy có rất nhiều xe máy Trung Quốc bị hỏng, bán rẻ như cho. Về nhà, thấy cảnh vợ con mang thau ra đồng tát nước, vất vả sớm hôm mà năng suất không được cải thiện, tiền mua máy bơm không có, tôi nảy ra ý tưởng làm chiếc máy bơm nước từ phụ tùng của những chiếc xe máy bị hỏng”, ông Dung nói.

Nghĩ là làm, ông Dung tận dụng động cơ, nhông xích của xe máy cũ, bắt tay vào chế tạo máy bơm nước. "Giữa máy bơm nước và động cơ xe máy có nhiều điểm tương đồng về động cơ nổ, chỉ cần lắp thêm đầu trục và sên là có thể thay đổi chức năng bơm nước hoặc phát điện", ông chủ xưởng cơ khí cho biết. 

 Các sáng chế của ông Dung đều tận dụng từ những phế liệu bỏ đi.

Giai đoạn đó, ban ngày ông sửa xe, ban đêm lại mày mò, phác thảo ý tưởng máy. Thấy chồng sớm hôm cặm cụi, thức khuya dậy sớm, vợ ông khuyên: “Thôi ông dẹp mớ sắt vụn này đi. Thà rằng ông đi làm ngày nào lĩnh tiền ngày ấy cho xong, chứ suốt ngày quẩn quanh bên cái máy này, không còn thời gian nghỉ ngơi nữa". Nghe vợ nói, ông Dung chỉ cười xòa, rồi vẫn miệt mài nghiên cứu chế tạo máy. Do chưa có kinh nghiệm, ông gặp không ít khó khăn. Đã hơn chục lần ông phải tháo ra làm lại từ đầu, trong đó, có những lỗi chính ông cũng chẳng thể gọi thành tên.

Sau 4 tháng, chiếc máy bơm đầu tay của ông hoàn thành. Ông hăm hở mang máy ra ao bơm thử. Máy chạy êm ru, nước lên đều, trong khi giá rẻ bằng một nửa máy bơm Trung Quốc, lại tiết kiệm xăng. Mọi người đều ngỡ ngàng, ngợi khen không ngớt. Ông Dung rất vui vì những nỗ lực sau bao ngày tháng cũng được đền đáp. Ông liên tiếp nhận được đơn đặt hàng.

Máy bơm do ông Dung sáng chế có cấu tạo đơn giản, trọng lượng ước chừng 5-7kg, gồm động cơ xe máy cũ, dây cáp, bình xăng, ống dẫn nước. Sau này, ông còn cải tiến, thêm chức năng tời lúa phục vụ mùa gặt. Hết vụ gặt lại lắp ống dẫn nước thành máy bơm. Thiết bị dùng được cho cả đồng cạn và đồng sâu, vùng chiêm trũng. 

"Các bộ phận xe máy cũ nếu bán sắt vụn thì không đáng giá, nhưng khi chế lại để dùng cho việc khác lại rất bền. Vì thế, các sản phẩm tôi làm ra luôn có độ bền và độ chính xác rất cao. So với chiếc máy bơm của Trung Quốc, máy bơm của tôi tiết kiệm xăng khoảng 30%”, ông Dung tự hào nói.

Bà Nguyễn Thị Hiền, hàng xóm của ông Dung, góp chuyện: “Máy bơm do ông Dung chế tạo, mặc dù xấu mã nhưng có công suất mạnh gấp đôi, mà giá thành chỉ bằng một nửa so với máy bơm Trung Quốc. Trước tôi bơm một buổi sáng phải hết 80.000 đồng tiền xăng, nhưng bây giờ chỉ hết tầm 50.000 đồng".

Toàn cảnh xưởng cơ khí Tiến Dung.

“Dân cần thứ gì tôi làm thứ đó!”

Sau máy bơm nước, ông Dung tiếp tục sáng chế hàng loạt máy nông nghiệp khác như: máy cắt cỏ, máy vặt lạc, máy cấy, máy vận chuyển bê tông... giúp người dân tăng năng suất lao động, tiết kiệm sức người. Điểm đặc biệt là tất cả các máy móc của ông Dung chế tạo đều tận dụng những phế liệu, chi tiết máy cũ bỏ đi, tiết kiệm đến 60% kinh phí.

Những người buôn sắt vụn đi qua xưởng đều dừng lại để ông chọn mua những con ốc, sợi dây. Một khi phù hợp với sáng chế, ông sẵn sàng mua với giá cao gấp đôi. Ông có thêm biệt danh “Dung đồng nát”. “Một cuộn dây thép ròng rọc nếu mua mới phải hết 300-400 nghìn đồng. Nhưng mua từ phế liệu tôi tiết kiệm được 50% chi phí. Nhờ vậy, những chiếc máy tôi bán ra cũng rẻ hơn rất nhiều so với thị trường, mà độ bền không hề thua kém", ông khẳng định.

Ông Dung rất tâm đắc với chiếc máy vặt lạc. Nguyên lý hoạt động của máy rất đơn giản, chỉ cần cắm điện, các động cơ bắt đầu chuyển động đều qua trục. Khi đưa gốc lạc vào, hệ thống bánh răng sẽ quay để củ lạc rơi xuống khay sàng bằng lưới. Tại đây, hệ thống rung lắc giúp đất và rác nhỏ bám trên củ lạc rụng xuống khay bên dưới, còn củ sạch sẽ rơi ra ngoài. “Nhìn vậy thôi, nhưng nó chạy một giờ năng suất có thể bằng 3-4 người vặt lạc một ngày”, ông Dung tự hào nói.

Một số sáng chế của ông Dung.

Sau máy vặt lạc, kỹ sư chân đất quê Ninh Bình sáng chế thêm máy cấy không động cơ. Năng suất làm việc một giờ tương đương một công lao động trong một ngày. Giai đoạn dịch COVID-19, ông Dung sáng tạo thêm máy rang cốm, máy vận chuyển bê tông, máy cuộn lục bình, máy băm bèo phục vụ bà con.

Nói về chiếc máy cuộn lục bình phục vụ đan hàng thủ công mỹ nghệ, ông Dung cho biết: “Máy có hai phần: khung và trục xoay, được tôi chế từ phần số của động cơ xe máy để điều chỉnh tốc độ, xoay ngược xuôi tùy ý. Ngày xưa người dân phải thuê nhân công cuộn bằng tay, vừa không đẹp vừa lâu, cả ngày chỉ làm được một vài cái. Nhưng, chiếc máy cuộn lục bình chỉ mấy phút đã cho ra thành phẩm”

Chìa đôi tay chai sạn, đầy những vết sẹo, chỉ vào ngón áp út bị mất một đốt, ông Dung chia sẻ: “Lần ấy đang làm máy thái bèo, tôi bị búa dập mất một ngón. Nghề này người ngoài nhìn vào tưởng nhàn hạ, nhưng thực tế không phải vậy, vừa phải lao động trí óc, vừa phải lao động chân tay. Chỉ cần sơ ý, mất tập trung một chút là có thể bị thương như chơi”.

Bàn tay bị mất một ngón trong lúc sáng chế máy nông nghiệp.

Câu chuyện về những chiếc máy với ông Dung dường như không bao giờ dứt bởi lòng yêu nghề và ý thức phục vụ luôn rực cháy trong ông. “Quan điểm của tôi là dân cần gì tôi sáng chế cái đó. Thời gian tới tôi dự tính làm thêm máy gieo vãi và cải tiến máy băm bèo công suất lớn để bà con nông dân đỡ vất vả”, ông “kỹ sư chân đất” mới chỉ học hết lớp 5 chia sẻ.

Đến nay, ông Vũ Văn Dung đã có hơn chục sáng chế nông nghiệp, trong đó có nhiều sáng chế kỹ thuật được vinh danh. Sản phẩm Máy cấy không động cơ của ông được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen vì đã góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Chiếc máy cày đa năng đạt giải thưởng Khuyến tài - Nhân tài Đất Việt năm 2017.

Ông Dung còn được tôn vinh là một trong 17 nông dân có sáng chế, sáng kiến, cải tiến về công nghệ, kỹ thuật, máy móc, tiêu thụ sản phẩm thuộc ngành NN&PTNT mang lại hiệu quả cao.

Trung Dũng

Tin mới