Theo Russia Beyond, toa tàu tốc độ cao đầu tiên được thử nghiệm ở Liên Xô gần như đã chứng minh tàu hỏa có thể di chuyển nhanh như máy bay. Tuy nhiên, dự án thử nghiệm cuối cùng bị chìm vào quên lãng.
Một dự án thử nghiệm của các kỹ sư Liên Xô giúp cho tàu hỏa được cải thiện tốc độ đáng kể, nhưng rồi bị chìm vào quên lãng. (Ảnh: Russia Beyond)
Gắn động cơ máy bay lên tàu hỏa
Ý tưởng kì lạ về những đoàn tàu có khả năng “bay” vốn đã thôi thúc các nhà khoa học và nhà đầu tư Xô viết trong suốt thế kỉ 20.
Valerian Abakovsky, một lái xe bình thường đến từ thị trấn Tambov, cách Moskva 460 km, khi làm việc tại Công ty đường sắt Tambov đầu những năm 1920, đã thiết kế được toa xe bay theo đúng nghĩa đen: ông lắp động cơ máy bay và cánh quạt lên xe lửa.
Toa xe của Abakovsky đạt tốc độ 140 km/h – chưa từng có lúc bấy giờ. Đến mùa hè 1921, toa xe này di chuyển được hơn 3.000 km. Thiết kế thành công này được ghi nhận và sau đó các toa tàu tương tự được dùng để chở những những nhân vật quan trọng.
Tháng 7/1921, Abakovsky đưa một đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm các thợ mỏ Xô Viết. Hành trình diễn ra suôn sẻ khi toa tàu bay di chuyển với tốc độ 45 km/h. Dù vậy, trên chuyến đi về, họ quyết định tăng tốc. Tăng lên đến tốc độ 85 km/h, toa tàu văng khỏi đường ray với tốc độ cao và vỡ tan thành từng mảnh, khiến 6 trên tổng số 22 người thuộc đoàn đại biểu thiệt mạng.
Toa tàu của Valerian Abakovsky. (Ảnh: Russia Beyond)
“Phòng thí nghiệm toa xe tốc độ”
Sau thất bại đầu tiên, Liên Xô tiếp tục nỗ lực thiết kế tàu tốc độ cao. Trong khi đó, khoảng năm 1966, tại Mỹ cũng diễn ra những thử nghiệm tương tự: Công ty đường sắt trung tâm New York tạo ra dự án M-497, với tên “Bọ Đen” (Black Beetle), đã giúp một đoàn tàu nặng 51,3 tấn đạt tốc độ 296 km/h.
Liên Xô đương nhiên không muốn tụt lại phía sau. Những năm 1960, công ty vận chuyển Kalininsky thiết kế đoàn tàu riêng của mình dựa trên những toa tàu điện ER22. Theo đó, các động cơ AI-25, từng được sử dụng trong máy bay công nghệ cao Yak-40, được lắp vào đoàn tàu.
Để giảm sức cản không khí, mũi và đuôi tàu được thiết kế theo kiểu hình nón. Phanh tàu cũng nhanh chóng được nâng cấp vì nó phải chịu sức tải lớn khi động cơ khởi động. Các thử nghiệm sau đó đã được thực hiện trong một đường hầm gió với 15 mô hình mẫu toa tàu được xây dựng.
Toa tàu hoàn thành tháng 10/1970, nặng 59 tấn, trong đó là 6 tấn dầu hỏa. Tàu đạt tốc độ 50 km/h sau 10-15 giây, rồi đạt tốc độ kỷ lục 249 km/h.
Dự án Bọ Đen ở New York, Mỹ. (Ảnh: Russia Beyond)
Tuy nhiên, dự án tàu lúc đó không thành công vì nhiều lý do. Một trong số đó là ray tàu không đủ khả năng chịu tải của các đoàn tàu tốc độ cao. Nếu muốn hoạt động, ray tàu cần được nâng cấp đáng kể, ví dụ thay thế phần sỏi đang cố định ray bằng hỗn hợp bê tông.
Các cơ sở hạ tầng khác cũng cần nâng cấp cho phù hợp với tàu tốc độ cao, như nhà ga và điểm lên tàu. Tàu cũng phải ở cách xa khu dân cư để tránh tiếng ồn động cơ.
Chương trình kết thúc vào năm 1975, được xem là hoàn thành. Dù dự án tàu chưa triển khai được do các vấn đề kinh tế, nhưng những thông tin nó cung cấp rất có gí trị cho các thiết kế về sau. Một số xe ô tô nổi tiếng của Nga đã được thiết kế dựa trên những thông tin này.
Còn các toa tàu thí nghiệm dần bị bỏ hoang và bắt đầu rỉ sét tại nhà ga Doroshikha ở vùng Tver. Đến năm 2008, một mũi toa và động cơ gắn trên đầu được tháo ra, sơn lại và lắp đặt như một tấm bia kỷ niệm để vinh danh 110 năm Nhà máy Vận chuyển Tver (Kalininsky trước đây).