Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Frontiers in Microbiology, thí nghiệm được thực hiện tại Đài quan sát Vi sinh vật mỏ sâu (DeMMO), nằm trong một mỏ vàng cũ trước đây được gọi là Cơ sở Nghiên cứu ngầm Sanford, nằm ở Nam Dakota, Mỹ. Nhóm nghiên cứu từ Đại học Northwestern ở Evanston (Illinois, Mỹ) đã nuôi cấy một màng vi sinh vật ở thế giới sâu 1,5 km dưới lòng đất, nơi không tồn tại bất cứ điều kiện thuận lợi cho sự sống Trái đất nào.
Nhóm nghiên cứu ở đường vào DeMMO. (Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp)
Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, họ đã xác định được nhiều "điểm nóng" vi sinh vật: hàng loạt vi sinh vật họ nuôi cấy đã phát triển cực mạnh, sinh con đẻ cái nhanh chóng mà không cần ánh sáng, không khí, thức ăn phù hợp.
Theo Sci-tech Daily, họ phát hiện ra rằng các vi sinh vật "như ngoài hành tinh" này đã tụ lại khu vực giàu sắt và khoáng chất lưu huỳnh, "ăn" các khoáng chât này mà sống.
Tiến sĩ Caitlin Casar, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả này mang ý nghĩa sinh học thiên văn lớn, vì cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc phân bố sinh khối có thể diễn ra ở các hành tinh tương tự, ví dụ như Sao Hỏa.
Trước đây, chúng ta thường cố tìm kiếm những thế giới có các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, chất dinh dưỡng... phù hợp với những gì các sinh vật trên mặt đất cần để sống. Tuy nhiên những vi sinh vật kỳ dị ngay trên Trái đất này cho thấy còn nhiều con đường để sự sống sinh tồn. Với các hành tinh phải chịu bức xạ khắc nghiệt như sao Hỏa, lòng đất có thể là nơi thích hợp để sinh sống hơn vì trốn tránh được các bức xạ có hại.