Hợp đồng vay tiền là một trong những dạng hợp đồng phổ biến hiện nay. Việc vay tiền dù thông qua tổ chức, cá nhân hay bất kỳ hình thức nào cũng đều có những rủi ro khó tránh khỏi.
Theo Bộ luật dân sự 2015, tài sản gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền sử dụng đối với tài sản. Tài sản có thể là động sản hoặc bất động sản. Như vậy tiền là một loại tài sản.
Căn cứ quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng cho vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Sau khi hợp đồng vay tiền có hiệu lực, bên vay sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.
(Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Điều 401 BLDS năm 2015, hợp đồng vay tiền bắt đầu phát sinh hiệu lực khi:
- Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
- Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của bên cho vay được quy định tại Điều 465 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
- Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm theo thỏa thuận.
- Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
- Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Điều 470 của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Theo đó, bên cho vay phải giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho vay.
Khi gặp phải trường hợp đã ký hợp đồng vay tiền nhưng chưa nhận được tiền, mọi người có thể tham khảo một số cách giải quyết như sau:
Với việc bên cho vay giải ngân chậm hoặc chưa tới thời hạn giải ngân
- Người vay chủ động liên hệ với ngân hàng, công ty tài chính cho vay, nhân viên tại đó sẽ cho biết nguyên nhân và thời hạn giải ngân cụ thể.
- Nếu quá thời hạn như đã thông báo, người vay có thể đến trực tiếp ngân hàng, công ty tài chính để hủy hợp đồng.
- Trường hợp bên cho vay không chịu hủy hợp đồng mà người vay có minh chứng cụ thể thì có thể tìm cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, đòi bồi thường thiệt hại nếu có.
(Ảnh minh họa)
Với việc vay số tiền lớn tại ngân hàng nên ngân hàng phải chờ huy động vốn
Trường hợp này không hiếm gặp. Nếu tại thời điểm ký, rà soát hợp đồng vay mà ngân hàng không đủ số vốn, người vay phải đợi ngân hàng huy động đầy đủ vốn mới được nhận tiền. Nếu chờ thời gian quá lâu thì người vay có thể trực tiếp đến ngân hàng yêu cầu hủy hợp đồng.
Với việc để sai thông tin tài khoản nhận tiền hoặc bên cho vay chuyển tiền nhầm tài khoản
Tình huống này mang đến một rủi ro cho cả người vay lẫn người cho vay. Với trường hợp này, cách giải quyết tốt nhất là liên hệ đến ngân hàng để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Với trường hợp bên cho vay lừa đảo
Với trường hợp này, người vay chủ động liên hệ hoặc trực tiếp đến cơ quan công an nơi gần nhất để tố cáo người cho vay lừa đảo, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời.