Chia sẻ bên lề sự kiện ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, ông Luke Treloar - Lãnh đạo mảng Tư vấn Chiến lược ở KPMG Việt Nam đã có những đánh giá, dự báo về thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam cũng như chỉ ra lợi thế cạnh tranh của Viettel Cloud.
Ngành điện toán đám mây Việt Nam phát triển vượt bậc
- Ông đánh giá thế nào về xu hướng tăng trưởng ngành điện toán đám mây ở Việt Nam trong thời gian tới?
Ngành điện toán đám mây trên toàn thế giới đã tăng trưởng rất nhanh chóng trong 10 năm trở lại đây. Chúng tôi cho rằng, trong 5 năm tới, ngành này sẽ còn chứng kiến mức tăng trưởng toàn cầu cao hơn nữa.
Kinh tế toàn cầu đang ở trong giai đoạn khó khăn. Theo khảo sát thường niên mà KPMG thực hiện với các CEO, kết quả cho thấy, các CEO đang phải cân nhắc việc kiểm soát và cắt giảm chi phí. Một trong số những phương án đầu tiên được họ lựa chọn sẽ là cắt giảm chi phí hạ tầng, bằng cách chuyển những phần không thiết yếu, đắt đỏ lên điện toán đám mây, với các mô hình đám mây nội bộ, đám mây công cộng hoặc đám mây bán nội bộ.
Và xu hướng đó sẽ còn thể hiện rõ rệt hơn nữa ở Việt Nam. Trong 5 năm tới, nếu như thị trường Cloud toàn cầu tăng trưởng từ 20 - 30%, thì ở Việt Nam tốc độ tăng sẽ cao hơn mức đó.
Ông Luke Treloar cho rằng, lợi ích của việc sở hữu cơ sở hạ tầng điện toán đám mây của riêng, các nhà cung cấp Việt sẽ biết chính xác các doanh nghiệp Việt Nam muốn gì và kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo cách của Việt Nam.
- Hiện nay các nhà cung cấp nước ngoài chiếm tới 80% thị phần, trong khi các nhà cung cấp trong nước chỉ chiếm 20% tại Việt Nam. Điều này có thường xảy ra ở các thị trường khác hay không?
Lý do cho việc đó là vì các nhà cung cấp nước ngoài đã bước vào ngành này từ trước, sớm hơn nhiều so với các nhà cung cấp nội địa. Cùng với đó Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nên chắc chắn sẽ có sự hiện diện của các nhà cung cấp ngoại.
Câu chuyện gần giống như trong ngành ngân hàng. Việt Nam cần những ngân hàng nước ngoài lớn. Bởi khi các công ty đa quốc gia chuyển một lượng vốn khổng lồ sang một thị trường mới như Việt Nam thông qua đầu tư FDI, các công ty này sẽ tìm đến những ngân hàng toàn cầu. Nhưng Việt Nam cũng sẽ cần các ngân hàng nội để phục vụ hoạt động kinh doanh trong nước.
Ngành Cloud cũng như vậy. Các công ty nước ngoài sẽ ưu tiên sử dụng hạ tầng Cloud của các nhà cung cấp toàn cầu.
Điều sắp xảy ra là quy mô thị trường Cloud trên toàn cầu sẽ nhanh chóng mở rộng, thị trường Việt Nam cũng sẽ chứng kiến mức tăng trưởng trên 30%. Và với việc quy mô thị trường tăng, thì các nhà cung cấp Cloud trong nước cũng sẽ có cơ hội tốt hơn để có thể gia tăng thị phần.
Cơ hội lớn cho nhà cung cấp Việt
- Việc có những doanh nghiệp nội địa lớn đầu tư vào công nghệ Cloud sẽ có lợi như thế nào cho Việt Nam?
Lợi ích của việc sở hữu cơ sở hạ tầng điện toán đám mây của riêng Việt Nam là: các nhà cung cấp Việt sẽ biết chính xác các doanh nghiệp Việt Nam muốn gì và kinh doanh, cung cấp dịch vụ theo cách của Việt Nam.
Viettel hiểu sâu sắc về cơ sở hạ tầng công nghệ ở Việt Nam.
- Đâu sẽ là thế mạnh của Viettel Cloud để thu hút các doanh nghiệp Việt Nam?
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, các công ty lựa chọn nhà cung cấp điện toán đám mây có thể mang đến cho họ giải pháp tự động hóa cao, có hệ sinh thái đối tác và hệ sinh thái dịch vụ đa dạng. Tôi rất vui khi Viettel có thể cung cấp dịch vụ điện toán đám mây toàn diện, từ đám mây nội bộ, bán nội bộ và đám mây công cộng.
Ngoài ra, tôi cũng lưu ý rằng, Viettel rất hiểu về cơ sở hạ tầng công nghệ ở Việt Nam. Ta đều biết là một phần lớn cơ sở hạ tầng viễn thông ở Việt Nam được xây dựng và sở hữu bởi Viettel.
Một ý nữa tôi muốn nhấn mạnh, là với các doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, điều mà các công ty muốn ở nhà cung cấp dịch vụ Cloud là tính linh hoạt và khả năng tăng quy mô. Đối với nhà cung cấp nước ngoài, nhiều khi họ sẽ gặp khó vì câu chuyện kinh doanh ở Việt Nam sẽ vận hành theo cách của Việt Nam.
Viettel sẽ rất có lợi thế về điểm này trong mắt các doanh nghiệp nội địa. Tôi tin tưởng vào Viettel Cloud cũng như tầm nhìn của Việt Nam trong lĩnh vực điện toán đám mây.