Phục hồi chậm
8 tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM tăng 6,2%, đây là mức tăng gần bằng mức tăng trước dịch COVID-19 (8 tháng năm 2019 tăng 6,6%). Tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn khá chậm.
Cụ thể, từ tháng 4/2024 chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình chỉ tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước. Sản xuất công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi còn 8/30 ngành có chỉ số sản xuất giảm. Mặc dù doanh nghiệp có nhiều đơn hàng hơn nhưng chi phí đầu vào tăng nhanh khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành bị co hẹp.
Kinh tế TP.HCM vẫn phục hồi khá chậm. (Ảnh: Phan Nga)
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng năm 2024 tăng 10,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính bình quân từ năm 2019 đến nay chỉ tăng 5,2%/năm và doanh thu sau khi trừ chỉ số giá tăng không đáng kể. Doanh thu bán buôn tiếp tục duy trì mức tăng 6% so với cùng kỳ, phản ánh sự phục hồi của khu vực sản xuất của TP.HCM còn rất khiêm tốn.
Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng qua chỉ đạt 2,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ nhưng kim ngạch nhập khẩu lên tới 38,7 tỷ USD, tăng 7,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 3,23%, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (CPI tăng 3,45%). CPI năm 2024 có xu hướng tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng sẽ dưới mức 4%.
“TP.HCM cần duy trì chương trình bình ổn giá trong bối cảnh các mặt hàng có xu hướng tăng khi mức lương cơ sở tăng, tỷ giá USD tăng 5,7%, gây sức ép lên lạm phát, doanh nghiệp vay nợ và nhập khẩu”, báo cáo đánh giá.
Doanh nghiệp hấp thụ vốn yếu
Tính đến hết ngày 23/8, TP.HCM đã giải ngân hơn 13.900 tỷ đồng, đạt 17,6% so với kế hoạch vốn năm 2024, giảm 30,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 28,4%).
Để năm 2024 đạt mục tiêu giải ngân 93,8% thì bình quân mỗi tháng thành phố phải giải ngân hơn 19% (tương đương 8 tháng đầu năm cộng lại, mỗi tháng giải ngân 15.100 tỷ đồng) điều này khó có khả năng thực hiện.
Dư nợ tín dụng cuối tháng 8/2024 tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Từ tháng 6 đến nay, tình hình tín dụng có mức tăng trưởng chậm (tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm 2023). Trong khi tổng vốn huy động tăng 10,7% so với cùng kỳ.
“Điều này cho thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa cải thiện nhiều và mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ”, báo cáo phân tích.
Tăng trưởng tín dụng chậm, doanh nghiệp hấp thụ vốn yếu. (Ảnh: Đ.V)
Trong 8 tháng qua, TP.HCM có hơn 45.700 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tăng 8,8% so với cùng kỳ nhưng cũng có hơn 26.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Như vậy, cứ có 10 doanh nghiệp tham gia thì có 6 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng không hề ít. (Ảnh: Đ.V)
Vốn đầu tư FDI vẫn khả quan
Từ ngày 1/1 đến ngày 20/7, thành phố đã cấp mới 710 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 10,6% và vốn đăng ký mới đạt hơn 255 triệu USD, giảm 27,3% so với cùng kỳ. Thành phố có gần 1.300 nhà đầu tư nước ngoài thực hiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần góp vốn với giá trị hơn 960 triệu USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng qua của TP.HCM ước đạt hơn 344.800 tỷ đồng, đạt 71,4% dự toán và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 246.800 tỷ đồng, đạt 73,9% dự toán và tăng 23,8% so với cùng kỳ; thu dầu thô ước đạt hơn 14.300 tỷ đồng, đạt 80,2% dự toán và giảm 12,6%; thu từ hoạt động xuất nhập, khẩu ước đạt hơn 83.600 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và tăng 0,3%.
Bên cạnh đó, thu thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 17,5%, thu thuế thu nhập cá nhân tăng 14,8% và thuế liên quan đến nhà, đất tăng 55,9%. Những con số này cho thấy, một số ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng ổn định.
Giải pháp tăng trưởng cho TP.HCM
Theo Cục Thống kê TP.HCM, thành phố chỉ đạo các đơn vị bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chính phủ vừa chỉ đạo theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu mà thành phố đang triển khai, trong đó cần tuyên truyền để người dân phấn khởi tạo động lực mua sắm, bên cạnh vận động các doanh nghiệp tham gia để hàng hóa đa dạng, phong phú.
Thành phố cũng kết nối với các sàn thương mại điện tử để thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, cam kết chất lượng, dịch vụ để thu hút người tiêu dùng tham gia. Thương mại điện tử phát triển đã ảnh hưởng đến các chợ truyền thống, các tuyến phố kinh doanh lâu năm, cần các chính sách hỗ trợ để đổi mới mô hình kinh doanh, chi phí thuê mặt bằng, chỉnh trang đô thị,..
Bên cạnh đó thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát bằng chương trình bình ổn giá đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp giải ngân đầu tư công, các cơ chế từ NQ98/2023QH15 để huy động tối đa vốn đầu tư xã hội, vì vậy cần tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trong việc triển khai các giải pháp mà thành phố đã đề ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, TP.HCM cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản để doanh nghiệp quay vòng vốn; tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; hỗ trợ bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.
Xuất, nhập khẩu vẫn là động lực quan trọng đến tăng trưởng, vì vậy thành phố cần khẩn trương, đi đầu thu hút các ngành, lĩnh vực sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới như xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó thành phố cũng cần đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, để khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực đột phá chiến lược, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững. Thành phố cũng cần tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động, góp phần dịch chuyển cơ cấu theo chiều sâu.