Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Kinh nghiệm mở cửa trường ở nơi từng là tâm dịch COVID-19

(VTC News) -

Từng ghi nhận nhiều giáo viên, học sinh là F0 nhưng Bắc Giang, TP.HCM nhanh chóng mở cửa trường cùng các biện pháp chống dịch quyết liệt, hiệu quả cao.

Một số địa phương từng là tâm dịch nhưng nay đã mở cửa trở lại là TP.HCM, Bắc Giang. Sau thời gian thí điểm học trực tiếp, TP.HCM ghi nhận 130 ca COVID-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%. Tỷ lệ này là rất thấp.

Kinh nghiệm mở trường của Bắc Giang

Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa trường học tại một hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 19/1, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, qua các đợt dịch, Bắc Giang ghi nhận 509 học sinh F0. Tuy nhiên, chỉ một ca viêm phổi, phải thở oxy; ba ca ở mức độ vừa, còn lại không triệu chứng. Từ đó, các cơ quan chức năng đánh giá COVID-19 không quá nguy hiểm với độ tuổi học sinh. Rủi ro nằm ở chỗ các em có thể lây bệnh cho ông bà, những người có bệnh nền trong gia đình. Đó là lý do tỉnh quyết định vẫn mở cửa trường học kèm theo sáu giải pháp đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào lớp. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Để duy trì hoạt động giáo dục trong bối cảnh “sống chung an toàn” với dịch COVID-19 hiện nay, ông Mai Sơn nêu một số bài học kinh nghiệm. Thứ nhất, các trường thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch và trong bất kỳ tình huống nào cũng phải duy trì hoạt động giáo dục an toàn và nâng cao chất lượng. Nhà trường luôn chuẩn bị sẵn ba kịch bản dạy học gồm trực tiếp, trực tuyến và kết hợp để không bị động trong mọi hoàn cảnh.

Bắc Giang xây dựng mô hình lớp học "hai trong một". Cụ thể, mỗi trường ít nhất một phòng học trực tuyến trên một khối lớp để kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến nhằm giúp học sinh đang cách ly vẫn được học, đảm bảo tiến độ chương trình. Mô hình này có thể đảo ngược, tức là giáo viên đi cách ly vẫn có thể dạy trực tuyến, học sinh lên lớp học bình thường.

Thứ hai, tỉnh chú trọng kiểm soát tốt phòng dịch trong trường học. Các nhà trường đều phải xây dựng kế hoạch để chủ động tổ chức xét nghiệm tầm soát và ngẫu nhiên cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Khi ổ dịch xảy ra trong trường học, các đơn vị phải tập trung xử lý trong vòng 1 tuần để trường quay trở lại hoạt động bình thường. Nếu kéo dài hơn, người đứng đầu bị xem xét trách nhiệm và có thể bị kỷ luật.

Thứ ba, tuyên truyền kỹ về phòng chống dịch để phụ huynh đảm bảo an toàn cho con em khi ở nhà. Ngay khi phát hiện con có dấu hiệu bệnh, phụ huynh cho nghỉ học, báo cáo với y tế địa phương để được xét nghiệm ngay.

Thứ tư, Bắc Giang thực hiện chiến dịch "thần tốc tiêm vaccine", ưu tiên cán bộ giáo viên và học sinh. Đến nay, 97,7% giáo viên tiêm mũi 2, 76% đã tiêm mũi 3. Với học sinh từ 12 đến 17 tuổi, 99% tiêm mũi 1 và trên 88% đã tiêm mũi 2. Các tỷ lệ này đều cao hơn mức trung bình cả nước, ông Sơn cho biết thêm.

Từng là tâm dịch với hơn 17.000 ca mắc/ngày, đến nay TP.HCM cũng đã đưa học sinh đi học dần trở lại. Học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu học trực tiếp từ 13/12/2021 và toàn bộ học sinh lớp 7 đến 12 đến trường từ 4/1/2022. Trước đó, thành phố dạy thí điểm ở hai trường phổ thông tại huyện Cần Giờ.

Phối hợp nhà trường, chính quyền và gia đình

Học sinh đi học sau thời gian nghỉ dài. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện tỷ lệ đi học của khối THCS đạt 97,4%; THPT là 96%; giáo dục thường xuyên là 78,6%, thấp hơn một chút do nhiều em trên 18 tuổi có các hoạt động mưu sinh, chưa thể quay lại học tập.

Từ ngày tổ chức học trực tiếp, trung bình thành phố ghi nhận 4 ca một ngày trên tổng số hơn 1,1 triệu học sinh đi học. Các em đến trường vui vẻ, hiện trong giai đoạn kiểm tra học kỳ.

Chia sẻ kinh nghiệm mở cửa trường học, ông Hiếu cho biết, Sở GD&ĐT phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế đưa ra kế hoạch chung, trình UBND thành phố. Trước khi học sinh đến trường, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, từ đội ngũ giáo viên đến cơ sở vật chất, được kiểm tra nghiêm ngặt. 

Sự phối hợp giữa các trường và chính quyền địa phương rất quan trọng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương sẽ quyết định cơ sở nào được dạy học trực tiếp trên địa bàn. Thành phố cũng có phương án và hướng dẫn chung về việc đóng hay mở cửa trường khi cấp độ dịch thay đổi.

Bên cạnh đó, việc đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách xử trí khi có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm cũng rất quan trọng. Nhờ vậy, từ khi học trực tiếp, các trường chưa ghi nhận ca lây nhiễm chéo nào trong trường học.

Ông Hiếu cho biết, ngành Y tế và Giáo dục TP.HCM sẽ đề xuất tổ chức cho học sinh tiểu học và mầm non đến trường sau Tết theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Theo kinh nghiệm từ các cấp học lớn hơn, số lượng phụ huynh đồng thuận sẽ tăng dần từng tuần.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hiện có đủ căn cứ để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc mở cửa trường. Ông đề nghị lãnh đạo địa phương, Sở GD&ĐT tạo cần "khẩn trương, cương quyết, chu đáo" trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường sau Tết Nguyên đán "là một yêu cầu".

"Không phương án nào là tuyệt đối, đáp ứng mọi khía cạnh. Chúng ta cần chọn phương án tốt nhất và phương án đó bây giờ là đưa học sinh trở lại trường bởi các nguy cơ khi ở nhà lâu dài còn cao hơn", ông Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý dù khẩn trương, cương quyết, các địa phương cần tránh hai thái cực: một là chần chừ, e dè thái quá khi chuẩn bị và hai là chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho thầy cô, nhà trường.

Hà Cường

Tin mới