Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm phải đi kèm cơ chế bảo vệ

(VTC News) -

Theo các chuyên gia, bên cạnh việc khuyến khích cần có cơ chế, chính sách để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Audio: Chương trình Đối Thoại (Ban Thời sự - VOV1)

Quang cảnh Hội nghị quán triệt, triển khai Kế hoạch số 124 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về triển khai thực hiện Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, diễn ra ngày 4/6. (Ảnh: Trung tâm báo chí TP.HCM).

Khuyến khích phải đi đôi với bảo vệ cán bộ

Đối thoại trong chương trình trên VOV1 với nội dung tìm ra nguyên nhân để có giải pháp hạn chế tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, có cơ chế hiệu quả và thực chất bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao sự đi đầu trong việc chấp hành và triển khai Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Cấp ủy TP.HCM đã ban hành Kế hoạch 124 nhằm hiện thực hóa chủ trương trên.

Tại hội nghị quán triệt triển khai Kế hoạch 124 của Ban Thường vụ Thành uỷ về triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị được tổ chức ngày 4/6, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Khuyến khích và bảo vệ, đây là muốn nói nhóm mà luôn luôn trăn trở với cuộc đời này, tìm cách để đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nhưng gặp khó khăn. Nếu chỉ có khuyến khích không mà không bảo vệ sẽ khó khăn. Và có một bộ phận cũng bắt đầu lo lắng không biết phải làm gì, nóng lòng với công việc, tập trung dồn sức để làm nhưng không khéo rơi vào tình huống là làm không đúng quy định, làm trái”.

Bình luận về phát biểu của Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nhưỡng cho rằng, ông Nguyễn Văn Nên đã nói lên được hồn cốt của việc triển khai Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị, đồng thời cũng thể hiện rõ sự quan tâm của một cá nhân, người lãnh đạo đối với công tác bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng nói rất rõ đúng theo tinh thần là có khuyến khích mà không bảo vệ thì vẫn chỉ là nửa vời, cho nên phải làm đúng cái quy định của Kết luận 14 là chúng ta phải khuyến khích và bảo vệ”, ông Nhưỡng nói.

Phó trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, trong nội hàm của Kết luận 14 chỉ rõ phải khuyến khích những người thực sự năng động, sáng tạo và dám nghĩ, dám làm, dám xả thân nhưng không được trái hiến pháp. Ông hoàn toàn nhất trí với quan điểm này, tuy nhiên cần phải tạo ra cơ chế và có sự hướng dẫn, ủng hộ, động viên, ở bên cạnh.

Đồng thời phải kiểm soát được sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ. Nếu bung ra mà không kiểm soát được thì có nghĩa là tập thể cũng sai”, ông Nhưỡng nhận định.

 

Khuyến khích và bảo vệ, đây là muốn nói nhóm mà luôn luôn trăn trở với cuộc đời này, tìm cách để đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nhưng gặp khó khăn.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên

Cần hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ

Cùng quan điểm với ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính (Bộ Nội vụ), cũng rất hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần của TP.HCM đã xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai kết luận của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, địa phương ra kế hoạch triển khai vẫn chỉ là những bước đi cụ thể, còn dưới góc độ pháp lý thì chưa có.

Khi cán bộ ở một tổ chức nào đó, họ vì lợi ích chung, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo nhưng vượt làn danh vi phạm pháp luật, thế thì bằng kế hoạch này có bảo vệ được người ta hay không? Tôi nghĩ là chưa đủ”, ông Hoà đặt vấn đề.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) cho hay, Kết luận 14 của Bộ Chính trị là văn bản quan trọng nhưng là văn bản của Đảng, muốn đưa vào cuộc sống phải được thể chế hóa, truyền tải thành văn bản pháp luật của Nhà nước mới triển khai được.

Tôi nghĩ chưa phải ra một luật riêng của Quốc hội hay nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà đơn giản bây giờ là ra Nghị định của Chính phủ”, ông Hoà kiến nghị.

Theo ông, việc ban hành nghị định của Chính phủ dựa trên Kết luận 14 Bộ Chính trị sẽ làm rõ trách nhiệm thực thi công vụ, bao gồm cả trách nhiệm khi gặp khó khăn, vướng mắc phải vươn lên đương đầu, giải quyết, phải dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Ông Hoà dẫn ví dụ, bệnh viện công lập nếu thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc, phải căn cứ quy định của pháp luật để tổ chức đấu thầu, tránh tình trạng khó khăn là đùn đẩy, trì trệ, tránh việc lấy lý do khó phải đợi nghiên cứu. Trách nhiệm của lãnh đạo quản lý cơ quan, đơn vị là phải để cơ quan, đơn vị hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

Nói như mấy đồng chí TP.HCM rằng anh có tâm trong sáng chính là cái khiên tốt nhất, không sợ câu chuyện dị nghị. Anh có tâm trong sáng, không lợi dụng, vụ lợi gì cả”, ông Hoà nói.

Kết luận 14 của Bộ Chính trị nêu: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại,cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”. Theo ông Hoà, điều này phải đưa thành văn bản thì cán bộ mới được bảo vệ, không còn e ngại, sợ làm sẽ sai dù có tâm trong sáng.

Đồng thời, những người làm tốt trong câu chuyện dám nghĩ, dám làm phải được khen thưởng xứng đáng.

Trước kia, chúng ta thường nói câu chuyện những vị lãnh đạo về hưu rồi không thể kỷ luật nhưng cuối cùng vẫn có văn bản đưa những cá nhân sai phạm ra truy tố. Ví dụ, nguyên bộ trưởng, nếu bị kỷ luật, thì xoá tư cách đó đi… Tôi nghĩ với cố gắng của các luật gia, nhà chính trị, hoạch định chính sách, có thể thể chế hóa được kết luận của Bộ Chính trị”, ông Hoà nói thêm.

Ông Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách Hành chính, Bộ Nội vụ (bên trái) và ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội - cho rằng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, nước ta chưa có luật nào về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, vậy nên trên cơ sở Kết luận 14 của Bộ Chính trị, phải có một luật riêng hoặc ít nhất là nghị định.

Rõ ràng là mới ban hành nghị quyết và hiện nay trong kết luận cũng không giao cho Đảng đoàn Quốc hội, cũng không giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ để xem xét, để chúng ta thiết kế một chính sách. Chính sách và luật hóa sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc chúng ta chỉ áp dụng quy định riêng của Bộ Chính trị, mà đây mới là quy định của Bộ Chính trị chứ chưa phải quyết định của Trung ương”, ông Nhưỡng nói.

Cũng theo ông Nhưỡng, kết luận trên của Bộ Chính trị có những điểm rất hay nhưng đáng tiếc lại không đề cập việc chính sách hóa, pháp luật hóa, cơ chế hóa những điều đó bằng cách nào. Nếu đưa kết luận của Bộ Chính trị vào nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp thứ tư vừa qua, hoặc lồng vào trong nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, cách khác nữa là Bộ Chính trị giao cho Đảng đoàn Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Ban cán sự Đảng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, ra một văn bản tổ chức thí điểm thực hiện.

Sau đó tổng kết, xây dựng thành một chính sách là có thể là sửa vào trong luật cán bộ, công chức hoặc luật chung thì rất thuận lợi.

Theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị được ban hành ngày 22/9/2021, để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ dám nghĩ, dám làm thực hiện nhiệm vụ.

Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Điểm đáng lưu ý trong Kết luận 14 của Bộ Chính trị là khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Đồng thời, xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Anh Văn

Tin mới