Sau khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung vào tháng 8/2019 (hiệp ước này quy định các nước tham gia không triển khai tên lửa trên mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km), hôm 11/4, quân đội Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa đa năng (MRC) Typhon để tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng vũ trang Philippines.
Hệ thống MRC được chuyển đến Philippines.
Mỹ triển khai MRC tại Philippines
MRC cung cấp khả năng phòng không và nhắm mục tiêu vào tàu chiến của đối phương bằng tên lửa SM-6 có tầm bắn 370 km. Tuy nhiên khía cạnh gây chú ý nhất của MRC là việc triển khai tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk có tầm bắn 1.600 km.
MRC được triển khai ở miền bắc Philippines, phạm vi này đủ để bao phủ hầu hết Bờ Đông Trung Quốc, bao gồm cả các thành phố lớn như Nam Kinh, Thượng Hải và Vũ Hán. Các lớp tên lửa hành trình khác đang được phát triển cho tàu khu trục và tàu ngầm tấn công của Hải quân Mỹ, dự kiến sau này cũng sẽ được tích hợp vào hệ thống MRC, như lớp tên lửa siêu thanh tầm xa và các biến thể Tomahawk có tầm bắn xa hơn.
Một số nguồn tin phương Tây cho rằng, việc Mỹ triển khai MRC ở Philippines cũng không khác gì việc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang triển khai các hệ thống tên lửa có tầm bắn tương tự. Thiếu tá quân đội Mỹ Christopher Milhal đã biện minh cho việc triển khai MRC khi nhấn mạnh: “Lực lượng tên lửa thông thường của Trung Quốc có quy mô lớn nhất trên thế giới, với hơn 2.200 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, họ có đủ tên lửa chống hạm để tấn công tất cả tàu chiến mặt nước của Mỹ ở Biển Đông, với hỏa lực đủ mạnh để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa trên các tàu chiến của Mỹ”.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc đánh đồng hành động triển khai MRC của Mỹ với việc triển khai tên lửa của Trung Quốc là không hợp lý. Bởi các tên lửa của Mỹ đã đặt các trung tâm dân cư, trung tâm chính trị quan trọng, các lực lượng hạt nhân chiến lược và các mục tiêu rất nhạy cảm khác trên lục địa Trung Quốc vào tầm ngắm.
Phương tiện chiến đấu thuộc hệ thống tên lửa MRC của Mỹ.
Trong khi đó, các hệ thống tương tự của Trung Quốc như tên lửa đạn đạo DF-21, mặc dù có thể gây ra những mối lo ngại đáng kể như làm hạn chế các hoạt động triển khai sức mạnh của Mỹ và đồng minh ở khu vực Đông Á, nhưng không gây ra mối đe dọa nào đối với các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ.
Mỹ có thể tận dụng mạng lưới căn cứ rộng lớn của mình trên khắp Đông Á, với những vị trí thuận lợi để triển khai tên lửa nhằm gây sức ép với Trung Quốc. Một ví dụ đáng chú ý là việc triển khai radar giám sát băng tần X TPY-2 ở Nhật Bản từ năm 2006 và sau đó đến Hàn Quốc từ năm 2016 như một phần của hệ thống phòng không THAAD.
Với phạm vi hoạt động lên tới 3.000 km và tầm nhìn 120 độ, việc triển khai radar X TPY-2 giúp Mỹ theo dõi và kịp thời phát hiện các vụ phóng tên lửa từ lãnh thổ Trung Quốc.
Lựa chọn của Trung Quốc
Tuy nhiên, trái ngược với Mỹ, nước được ước tính duy trì gần 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu, thì PLA không có nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài có nghĩa là Trung Quốc có rất ít lựa chọn để triển khai các hệ thống trên mặt đất tương đương với MRC để gây sức ép lên lãnh thổ Mỹ. Liên Xô trước đây đã cố gắng đạt được điều này bằng việc triển khai tên lửa tầm trung ở Cuba, nhưng bối cảnh địa chính trị thời điểm đó rất khác ngày nay, vì vậy điều này rất khó xảy ra vào thời điểm hiện tại.
Tên lửa DF-21 của Trung Quốc.
Các hệ thống tên lửa trên mặt đất vẫn được xem là phương án có hiệu quả kinh tế cao nhất, với chi phí sản xuất và vận hành rất thấp, tuy nhiên quân đội Trung Quốc vẫn có nhiều lựa chọn khác để đáp trả hành động của Mỹ. Đáng chú ý nhất trong đó là chương trình máy bay ném bom chiến lược H-20, dự kiến sẽ cung cấp cho lực lượng không quân Trung Quốc khả năng tấn công tầm xuyên lục địa vào đầu những năm 2030.
Những bước tiến to lớn mà ngành hàng không chiến đấu của Trung Quốc đạt được đã đưa nước này đến gần vị thế ngang bằng với Mỹ, được thể hiện rõ ràng nhất qua những tiến bộ trong chương trình máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20. Điều này cho thấy H-20 có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với máy bay ném bom B-21 của Mỹ.
Việc tăng cường đầu tư vào H-20 và một loạt tên lửa hành trình trang bị cho chiếc máy bay này sẽ mang lại phản ứng hiệu quả và tương xứng trước việc MRC triển khai ngay trước cửa Trung Quốc.
Để bổ sung khả năng phóng tên lửa hành trình xuyên lục địa, hạm đội mặt nước của hải quân Trung Quốc trong thập kỷ qua cũng đã được đầu tư và phát triển với quy mô lớn. Các tàu khu trục mới của Trung Quốc ngày càng được đánh giá cao với khả năng triển khai các thế hệ tên lửa hành trình và đạn đạo ngày càng tinh vi, cho phép tấn công các mục tiêu trên lục địa Mỹ từ xa.
Mặc dù hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc được đầu tư ít hơn so với lực lượng tàu mặt nước, nhưng nhiều báo cáo cho thấy tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Type 095 sắp ra mắt có thể sánh ngang với những tàu ngầm tiên tiến của Mỹ.
Type 095 được trang bị nhiều công nghệ mang tính cách mạng, bao gồm công nghệ truyền động từ tính mới, cánh quạt dẫn động bằng vành và các dạng trí tuệ nhân tạo tiên tiến. Tàu còn sử dụng công nghệ khử tiếng ồn điện tử, truyền động không trục và thiết kế thân tàu đơn mới, Type 095 dự kiến sẽ chạy êm hơn nhiều so với các đối thủ nước ngoài và đi trước các thiết kế của Mỹ và Nga.
Chiếc tàu ngầm này cũng là một lựa chọn quan trọng của Trung Quốc, để tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa vào các mục tiêu quan trọng trên khắp lục địa Mỹ.
Máy bay ném bom H-20.
Một lựa chọn đáng chú ý hơn nữa là Trung Quốc sẽ phát triển một loại tên lửa chiến thuật dẫn đường chính xác tầm xuyên lục địa, có khả năng tấn công các mục tiêu của Mỹ từ các căn cứ ở Trung Quốc.
Tóm lại, việc Mỹ triển khai MRC ở Philippines chứng tỏ rằng Trung Quốc vẫn ở thế bất lợi. Tuy nhiên, PLA đang tích cực khắc phục những bất lợi của mình bằng cách thu hẹp khoảng cách với các đối thủ. Vào năm 2020, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia chi nhiều nhất thế giới trong việc mua sắm vũ khí, các báo cáo của Mỹ luôn nhấn mạnh rằng, lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc có thể tạo ra những tài sản tương đương với Mỹ nhưng với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ.
Do đó, một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu từ Washington DC đến California, nhưng chi phí để triển khai và vận hành chỉ tương đương với một tên lửa tầm trung của Mỹ.
Việc triển khai tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương dự kiến sẽ được mở rộng đáng kể trong tương lai, điều này cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và các hành động đáp trả tương xứng. Giống như việc Mỹ triển khai tên lửa tầm trung ở Italia và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào Liên Xô và tạo ra sự kiện khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1960.