Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Nga thao túng thị trường khí đốt khu vực?

(VTC News) -

Là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, Nga dường như nắm giữ sức mạnh thay đổi tình thế khi lục địa già ngày càng phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu.

Tuần trước, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện sẵn sàng hỗ trợ cho châu Âu trong khủng hoảng khí đốt, các thị trường “thở phào nhẹ nhõm”.

Giá khí đốt tự nhiên những tháng gần đây ở châu Âu tăng vọt (600%) khi nhu cầu tăng – bắt nguồn từ việc các nền kinh tế tái mở cửa sau COVID-19. Bên cạnh đó, việc châu Âu không còn nhiều khí đốt dự trữ sau mùa đông dài năm ngoái, các diễn biến thời tiết, trục trặc tại các nhà máy sản xuất khí đốt toàn thế giới và giao dịch đầu cơ trên thị trường Liên minh châu (EU) cũng có vai trò. 

Việc Nga chưa vận chuyển thêm khí đốt qua Ukraine hoặc không bổ sung lượng lưu trữ ở châu Âu được cho là làm khủng hoảng trầm trọng thêm. Điều này tác động đến cả các quốc gia tương đối xa như Tây Ban Nha và Anh, những nơi ít phụ thuộc trực tiếp vào khí đốt Nga hơn.

Đường ống cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2, tại cảng Mukran gần Sassnitz, Đức, tháng 12/2020. (Ảnh: AP)

Năng lượng của châu Âu đến từ đâu?

Theo Ủy ban châu Âu (EC), năng lượng tại EU đến từ tự sản xuất và nhập khẩu từ bên thứ ba.

Năm 2019, năng lượng tại EU gồm 5 nguồn chính: Các sản phẩm dầu mỏ (bao gồm dầu thô) 36%, khí đốt tự nhiên 22%, năng lượng tái tạo 15%, nhiên liệu hóa thạch rắn cùng với năng lượng hạt nhân – mỗi loại 13%. Ở mỗi nước lại có các loại năng lượng khác nhau được ưa chuộng.

Cùng xét dữ liệu năm 2019, sản phẩm năng lượng chính được EU nhập khẩu là các sản phẩm dầu mỏ, chiếm hơn 60%, khí đốt 27% và nhiên liệu hóa thạch rắn 6%. Nga là nhà cung cấp chính của EU đối với cả ba sản phẩm này, chiếm khoảng 27% sản lượng dầu thô, 41% khí đốt tự nhiên, 47% nhiên liệu hóa thạch rắn (chủ yếu là than) nhập khẩu.

Tỷ lệ phụ thuộc của năng lượng EU vào nhập khẩu trong khi đó ngày càng gia tăng, 61% năm 2019, nghĩa là hơn một nửa nhu cầu năng lượng của châu Âu đến từ nhập khẩu.

Nga là nhà cung cấp chính khí đốt tự nhiên cho EU, theo dữ liệu năm 2019. (Nguồn: Eurostat)

Theo công ty khí đốt Nga Gazprom, Nga bơm khí đốt cho các khách hàng châu Âu thông qua hệ thống vận chuyển kết nối các mỏ ở Bắc Nga với các nước hàng xóm, trong đó có các đường ống trực tiếp và đường ống qua các nước trung chuyển.

Hành lang vận chuyển khí đốt lớn nhất từ Nga sang các nước châu Âu đi qua Ukraine, với tổng công suất thiết kế là hơn 100 tỷ mét khối một năm.

Hệ thống “Dòng chảy phương Bắc” (Nord Stream), công suất 55 tỷ mét khối một năm, cho phép Nga bơm khí đốt trực tiếp cho các khách hàng Tây Âu, bỏ qua các nước trung chuyển. Hệ thống này bao gồm hai đường ống công suất bằng nhau. “Dòng chảy phương Bắc” chạy qua biển Baltic, từ vịnh Portovaya, thành phố Vyborg, Nga đến bờ biển Đức gần Greifswald, trải dài 1.224 km. Đức, Anh, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch và một số nước châu Âu khác là thị trường mục tiêu của hệ thống này.

Hệ thống “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2), chưa hoạt động, có đường đi và công suất tương tự “Dòng chảy phương Bắc”. “Hệ thống sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt độ tin cậy cao từ Nga cho châu Âu. Điều này hiện nay đặc biệt quan trọng khi lượng khí đốt sản xuất nội địa của châu Âu giảm và nhu cầu nhập khẩu tăng cao”, theo Gazprom.

Hệ thống dẫn khí đốt từ Nga sang nước ngoài. (Nguồn: Gazprom)

Dòng chảy phương Bắc 2

Những người chỉ trích cho rằng Nga đang vũ khí hóa nguồn khí đốt. Họ cáo buộc Điện Kremlin “tống tiền” các quan chức EU và Đức để được phê duyệt về quy định và kỹ thuật cần thiết cho Dòng chảy phương Bắc 2.

Lùm xùm diễn ra sau khi dự án hoàn thành trong mùa hè năm 2021. Rủi ro xảy ra là Nga có thể chuyển lượng khí đốt vận chuyển qua Ukraine (hiện tại là 40 tỷ mét khối một năm) sang Dòng chảy phương Bắc 2. Dù Moskva bị ràng buộc phải thanh toán theo hợp đồng cho lượng khí đốt đi qua Ukraine đến năm 2024, nhưng các điều khoản của thỏa thuận không yêu cầu Gazprom thực sự sử dụng hệ thống.

Dấu hiệu đầu tiên cho thấy Nga có thể dừng cho khí đốt qua Ukraine xuất hiện ngày 1/10. Gazprom thông báo lượng khí đốt từng qua Ukraine sẽ được chuyển hướng đến hành lang phía Nam - đi qua biển Đen, nối đường ống TurkStream 2 mới của họ với cơ sở hạ tầng ở Bulgaria và Serbia. Một dấu hiệu khác là Gazprom đã đặt trước hệ thống để 24,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày đi từ Ukraine đến Hungary, nhưng hiện không sử dụng.

Nếu Gazprom chuyển hướng vận chuyển khí đốt từ Ukraine sang Dòng chảy phương Bắc 2, quyết định sẽ có tác động an ninh không chỉ với Ukraine mà toàn bộ Trung và Đông Âu.

Theo các nhà phân tích ICIS, khi đó, nguồn khí đốt khu vực Trung và Đông Âu có thể thiếu từ 15-45 tỷ mét khối hoặc nhiều hơn trong thời gian cao điểm, do hạn chế ở biên giới các nước. Ukraine sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi là nước cuối cùng trong hành lang vận chuyển. 

Việc đổi tuyến trung chuyển khí đốt từ Ukraine sang Dòng chảy phương Bắc 2 cũng sẽ tác động tiêu cực đối với các khu vực gần biển Đen của Ukraine, với vị trí nhạy cảm gần Crimea.

(Ảnh minh họa)

Một rủi ro khác liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 2 là các vấn đề pháp lý. Theo các nhà phân tích Atlantic Council, nếu châu Âu bị gây áp lực trong việc đưa Dòng chảy phương Bắc 2 vào hoạt động mà không áp dụng các quy tắc về quyền tiếp cận và tính minh bạch của bên thứ ba, thị trường châu Âu có thể “bị kéo lùi lại ít nhất 12 năm”.

Hiện tại, trong các tuyến đường vận chuyển nối EU và các nước không phải thành viên, hành lang Ukraine là tuyến duy nhất tuân thủ “Gói năng lượng thứ ba” – bộ quy tắc tăng tính cạnh tranh và minh bạch của EU. 

Động thái của Nga

Theo Euronews vào 12/10, chưa có bằng chứng nào cho thấy Nga đã tăng lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu từ sau phát biểu của ông Putin, hay thậm chí trước đó. 

Nga cho biết họ đã hoàn thành các hợp đồng dài hạn, nhưng giới chuyên gia vẫn đặt dấu hỏi tại sao nước này chưa tận dụng lợi thế giá cao để xuất khẩu nhiều hơn vào thị trường châu Âu.

Theo Dennis Hesseling, người đứng đầu bộ phận cơ sở hạ tầng, khí đốt và bán lẻ tại Cơ quan Hợp tác các nhà quản lý năng lượng EU, nói với Euronews, thông thường, các nhà xuất khẩu khí đốt sẽ tăng nguồn cung để làm dịu giá. Ông nói: “Các bên thường phản ứng trước tín hiệu về giá. Trong quá khứ, Gazprom đã phản ứng với các cơ hội ở thị trường châu Âu. Bây giờ thì không, và chúng tôi không hiểu tại sao”.

Tổng thống Nga Putin phủ nhận "vũ khí hóa" khí đốt. (Ảnh: Reuters).

Là nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, Nga chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ giá tăng. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Gazprom, công ty độc quyền các đường ống xuất khẩu, không sử dụng giá thị trường cho hầu hết các hợp đồng: chỉ 15% hàng xuất khẩu của Nga được bán theo giá thị trường. Thay vào đó, theo Vasily Tanurkov, trưởng bộ phận tại cơ quan xếp hạng ACRA của Nga, hầu hết khí đốt đều nằm trong các hợp đồng kỳ hạn có các điều khoản rất khác nhau. Nên sự tăng giá hiện tại, nếu được khai thác, sẽ dần dần thể hiện trong 12 tháng tới.

Tổng thống Nga Putin khẳng định Nga là “nhà cung cấp đáng tin cậy” với châu Âu, “đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ” của mình, nhưng có thể sẽ cung cấp thêm khí đốt.  

Các nghị viện châu Âu hồi giữa tháng 9 đặt vấn đề quan ngại Nga giữ khí đốt để thúc đẩy Dòng chảy phương Bắc 2. Họ yêu cầu điều tra khả năng thị trường bị thao túng.

Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson trong phiên họp nghị viện hôm 13/10 nói: “Tôi biết một số ý kiến lo về khả năng thao túng trong thị trường năng lượng châu Âu, đó là những lo ngại rất quan trọng. Chúng tôi đang xem xét vấn đề, thông qua các khía cạnh cạnh tranh. Đánh giá ban đầu là Nga đã và đang hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng dài hạn, trong khi không cung cấp thêm khí đốt”.

(Ảnh minh họa)

Nhìn chung, Nga không có nghĩa vụ phải cung cấp thêm khí đốt cho thị trường châu Âu. Nhưng các nhà cung cấp Nga cũng có thể đang đối mặt với vấn đề trong việc đáp ứng tất cả nhu cầu (trong nước, dự trữ, xuất khẩu).

Jack Sharples, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Năng lượng Oxford, chuyên gia về Nga và Gazprom bình luận: "Cách duy nhất để biết chắc là nếu Nga đột nhiên lấy một nguồn khí đốt dự phòng ra cung cấp, ngay sau khi hoạt động thương mại Dòng chảy phương Bắc 2 được phê duyệt.

Ngược lại, sau khi phê duyệt Dòng chảy phương Bắc 2, nếu chúng ta đột nhiên thấy việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine giảm xuống mức rất thấp, đó có thể là dấu hiệu Gazprom thực sự không có nguồn dự phòng và mục đích Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ đơn giản nhằm thay thế Ukraine”.

Phương Anh (Tổng hợp )

Tin mới