Khu di tích Bạch Đằng Giang tọa lạc tại thị trấn Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng), cách trung tâm thành phố khoảng 18km về phía Đông Bắc, là địa danh du lịch tâm linh gắn liền với 3 trận thủy chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.
Các trận thủy chiến Bạch Đằng diễn ra năm 938 (Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán), năm 981 (Lê Hoàn đánh tan quân Tống) và năm 1288 (Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông).
Mỗi dịp năm mới, khu di tích Bạch Đằng Giang thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, dâng hương.
Trong khi rất nhiều điểm văn hóa tâm linh khác la liệt hàng quán, dịch vụ khiến du khách bức xúc với giá "trên trời" thì khu di tích Bạch Đằng Giang gây ấn tượng bởi tôn chỉ 'ba không': Không phí dịch vụ, không rác thải, không hàng quán.
Quần thể di tích Bạch Đằng Giang luôn sạch sẽ.
Thậm chí, ở đây còn phục vụ nước uống miễn phí.
Việc ăn, nghỉ, vệ sinh cá nhân cũng rất thuận tiện.
Chính vì thế, đầu năm Canh Tý 2020, dòng người đổ về đây tham quan, lễ bái rất đông.
Không chỉ người dân trong huyện Thủy Nguyên, khách từ các địa phương khác của Hải Phòng và nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng chọn nơi này làm điểm du xuân đầu năm mới.
Chị Hà Vân (ở Vĩnh Phúc) cho biết, cơ quan chị cũng lên lịch du xuân tại khu di tích Bạch Đằng Giang. Đây là lần thứ 2 chị quay trở lại nơi đây. Chị ấn tượng với phong cảnh thoáng mát, sạch sẽ của quần thể di tích này và đặc biệt không mất phí dịch vụ hay phải chứng kiến những cảnh phản cảm ở nơi văn hóa tôn nghiêm.
Bạch Đằng Giang cũng nổi tiếng bởi phong cảnh đẹp và những nét văn hóa, lịch sử mang đậm yếu tố tâm linh.
Năm Canh Tý 2020, khách thập phương khi tới đây còn được thăm hai cọc gỗ gần nghìn năm tuổi vừa được phát lộ tại bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) liên quan tới trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần.
Bên cạnh đó, trước nỗi lo dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus corona gây ra, nhiều gia đình chọn cách đeo khẩu trang khi du xuân.
Mặc dù diện bộ áo dài xúng xính chơi xuân nhưng người phụ nữ này vẫn kiên định việc đeo khẩu trang ở chỗ đông người.
Theo Ban quản lý di tích, khu di tích mở cửa từ 7 - 19h hàng ngày. Các lễ hội chính tại đây gồm: mùng 6 tháng Giêng: khai hội; 14 - 15 tháng Giêng: khai ấn; 18 tháng Giêng: giỗ vua Ngô Quyền; 8/3 Âm lịch: giỗ vua Lê Đại Hành và giỗ trận Bạch Đằng; 15/4 Âm lịch: Đại lễ Phật đản; 15/7 Âm lịch: lễ Vu lan; 20/8 Âm lịch: giỗ Đức thánh Trần (Đại vương Trần Quốc Tuấn).