Tại chương trình tọa đàm với chủ đề "Dinh dưỡng học đường - Phương pháp sử dụng thức ăn nhanh an toàn" do Báo điện tử VTC News tổ chức, chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam và PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia chia sẻ nhiều thông tin về thực trạng trẻ em bị thừa cân, béo phì với các số liệu đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức khoa học về cân bằng dinh dưỡng cũng như sự thiếu hướng dẫn các phương pháp ăn uống lành mạnh cho trẻ từ các bậc cha mẹ cũng là yếu tố khiến vấn đề thừa cân ở trẻ ngày càng trầm trọng.
Từ cuộc tọa đàm này, các chuyên gia cũng đã đưa ra lời khuyên bổ ích giúp các bậc phụ huynh sử dụng thức ăn nhanh an toàn, hợp lý, đủ dinh dưỡng, đồng thời trang bị cho trẻ những kiến thức về cách ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.
Khách mời chương trình Tọa đàm. (Ảnh: Khổng Chí)
Thực trạng trẻ thừa cân, béo phì
Thức ăn nhanh là loại thực phẩm được chuẩn bị sẵn, có cách chế biến nhanh hoặc có thể ăn được một cách nhanh chóng ngay tại chỗ, trên đường phố hoặc tại các cổng trường học.
Hiện nay, mức độ tiêu thụ thức ăn nhanh ngày càng tăng lên, không những về số lượng tiêu thụ mà cả về tần suất tiêu thụ trên mọi đối tượng, đặc biệt là lứa tuổi học đường.
Theo kết quả Điều tra nghiên cứu "Thực trạng và các yếu tố liên quan tới tiêu thụ thức ăn nhanh ở người 15-25 tuổi ở một số vùng nông thôn và thành thị Hà Nội" được Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện vào cuối năm 2020 vừa công bố cho thấy, bánh mì, đồ ăn nhanh phương tây và mì gói là những thức ăn nhanh phổ biến nhất trong giới trẻ hiện nay.
Đứng trước những tiện ích đến từ thức ăn nhanh, các bậc phụ huynh dường như quên mất hoặc không để ý rằng chúng vẫn chứa những tác hại tiềm tàng. Hậu quả không chỉ là béo phì, bệnh tim mạch, thiếu các chất dinh dưỡng và các bệnh về đường tiêu hóa mà còn có thể gây nghiện thực phẩm...
Vì vậy, việc nhận thức về thức ăn nhanh và giúp hạn chế sử dụng chúng là một vấn đề vô cùng cấp thiết. Trang bị tốt kiến thức dinh dưỡng sẽ giúp cha mẹ chủ động đưa ra chế độ ăn uống cho trẻ, bổ sung đầy đủ năng lượng, dinh dưỡng và vi chất giúp trẻ phát triển thể chất, trí tuệ.
Chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam (Ảnh: Khổng Chí).
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, chúng ta nghĩ rằng, thừa cân béo phì chỉ do thức ăn nhanh. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, thừa cân béo phì liên quan đến chế độ ăn uống trong cả ngày. Có người không hề ăn thức ăn nhanh, chỉ ăn ở nhà thôi cũng vẫn bị thừa cân, béo phì, nhưng không thể phủ nhận là nó cũng đóng góp vào trong chế độ ăn hàng ngày.
Vậy quan điểm của chúng tôi là, trong xã hội hiện đại, chúng ta phải chấp nhận thức ăn nhanh như là một phần của cuộc sống. Nhưng vấn đề là chúng ta sử dụng thức ăn nhanh thế nào.
Đối với những thức ăn đã khá là đầy đủ về thành phần thì không cần bổ sung gì, nhưng một số thức ăn khác thì cũng cần phải xem có cần bổ sung rau hay các vi khoáng nữa hay không.
Ngoài ra, không có một “siêu thực phẩm” nào. Nếu nghĩ rằng có thực phẩm nào tốt mà chỉ ăn mỗi thực phẩm đó thôi thì đương nhiên là sẽ thiếu chất, vì mỗi loại thức ăn chỉ cung cấp một số thành phần vi khoáng thôi. Vì vậy, đa dạng thực phẩm là điều rất quan trọng.
Đối với trẻ em, buổi sáng thời gian rất gấp gáp, do vậy cha mẹ có thể cho con ăn một số loại thức ăn, ví dụ như phở, bún miến… Đối với người nước ngoài thì đây cũng được gọi là thức ăn nhanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cố gắng đa dạng món ăn, chọn lựa thực phẩm tốt để có thực đơn dinh dưỡng nhất cho trẻ.
PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Ảnh: Khổng Chí).
Theo chia sẻ của PGS.TS.BS Bùi Thị Nhung, hiện nay có xu hướng tăng rất nhanh tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường.
Mới đây, Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện chương trình điều tra giai đoạn 2017-2018 ở 6 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, TP.HCM và Sóc Trăng. Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tiểu học khu vực đô thị là 40,9%, trẻ độ tuổi trung học cơ sở là 31,2%.
So với những năm trước đây thì tỉ lệ trẻ bị tăng cân nhiều hơn, nhưng hiện nay thì trẻ có tỉ lệ béo phì nhiều hơn. Như vậy, với tình trạng béo phì này sẽ có rất nhiều hệ lụy không tốt cho sức khỏe.
Lời khuyên của các chuyên gia
Đối với trẻ em từ 6-15 tuổi, mỗi năm chiều cao sẽ tăng khoảng 5,5-7,5cm. Ở giai đoạn này, về chế độ ăn, ngoài đảm bảo nhu cầu năng lượng thì mục tiêu chính là đảm bảo chiều cao trẻ được phát triển tối đa.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, đối với khoáng chất sẽ có canxi, sắt, kẽm…, còn vitamin thì có những nhóm vitamin rất quan trọng đối với tăng trưởng như vitamin D, K2, A… Cách đây khoảng 3 năm, Viện Y học ứng dụng Việt Nam xây dựng một chế độ ăn cho học sinh trường học, bao gồm Tiểu học và THCS, dựa theo các nguyên tắc:
(1) Đảm bảo nhu cầu. Nhu cầu cụ thể giữa nhà trường và gia đình. Thông thường, nhà trường và gia đình không công bố cách chọn thực phẩm cho trẻ, nên đôi khi bố mẹ lại cho con ăn những thực phẩm giống nhà trường, khiến tính đa dạng bị giảm.
(2) Đảm bảo sự đa dạng. Bữa ăn học đường sẽ có khoảng 15 thực phẩm và chia ra ít nhất là 5 trong 8 nhóm.
(3) Giảm muối: Đối với học sinh, nhu cầu muối 1 ngày chỉ khoảng 4gram, chia 3 bữa.
(4) Giảm ngọt: Nếu không giảm ngọt thì sẽ tăng nguy cơ thừa cân, béo phì. Ngoài ra, dùng nhiều đường cũng sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ canxi, từ đó cũng ảnh hưởng đến phát triển chiều cao.
(5) Cân bằng thức ăn giữa nhóm thực vật và động vật.
(6) Bổ sung nước: Trẻ em thường chỉ được để ý vấn đề ăn, còn vấn đề nước thường hay bị bỏ quên. Vậy khuyến nghị là tạo thói quen uống nước cho các em ở tất cả các giờ nghỉ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy các con những kiến thức về lựa chọn thực phẩm và cách ăn uống sao cho an toàn, lành mạnh, ăn rau tích cực hơn, ăn hết suất rau của mình.
Ví dụ ở trẻ em tiểu học, định mức rau là từ 80-120g rau sống sạch cho bữa trưa, với trẻ mầm non thì định mức khoảng 80g, tức là bằng khoảng 1/2 nhu cầu trong ngày của trẻ mầm non. Giảm đi những nguy cơ khiến trẻ chọn những thực phẩm không lành mạnh.
Không gian buổi Tọa đàm (Ảnh: Khổng Chí).
Một khẩu phần đảm bảo đủ dinh dưỡng, vấn đề đầu tiên cần quan tâm là đảm bảo được năng lượng. Năng lượng sẽ liên quan đến việc trẻ gầy hay béo, suy dinh dưỡng hay thừa cân.
Các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị, ví dụ như ở các nhóm tuổi 6-9 thì cần khoảng 1500 kcal, từ 9-11 tuổi thì cần khoảng 1700 kcal, sau đó lên đến 2100 kcal.
Tuy nhiên, điều quan trọng là giữ được một số yếu tố khác như: đảm bảo chất đạm - yếu tố rất quan trọng để phát triển chiều cao, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, K2, A… Những thành phần này thì có trong thực phẩm nào? Chúng ta biết rằng không có thực phẩm nào bao gồm tất cả vi khoáng, năng lượng như vậy. Vì vậy, việc sử dụng đa dạng thực phẩm là điều quan trọng.
Đôi khi, bố mẹ cũng phải quan sát xem con mình ăn các thực phẩm hàng ngày đó có đủ đa dạng không.
Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị thừa cân, béo phì đó là trẻ ăn đơn dạng quá. Ví dụ, trẻ thích món thịt kho tàu thì cứ ăn mãi. Đặc biệt, trẻ em Việt Nam ăn thịt lợn hơi nhiều. Thịt lợn tốt bởi nó trung tính giữa hàn và nhiệt, nhưng nếu sử dụng quá nhiều thì sẽ tăng nguy cơ thừa cân.
Hiện nay, để bổ sung protein thì các chuyên gia sẽ khuyến nghị ăn nhiều cá và trứng, ăn vừa phải và giảm đi thịt lợn hoặc các gia súc khác.
Một trong những điểm khiến trẻ thừa cân, béo phì là dùng nước ngọt nhiều quá. Một lon nước ngọt có khoảng 7 thìa đường (tương đương 25 - 30 gram đường). Theo khuyến nghị của WHO, đối với đường ngọt chỉ khoảng dưới 10% trên tổng năng lượng, tức là khoảng 20gram đường. Như vậy, một lon nước ngọt đã vượt quá lượng đường cho phép rồi, chưa kể các loại nước xốt, bánh, kẹo…
Đôi khi, các bà mẹ thường có quan điểm là từ chối các loại sữa, nhưng lại không kiểm soát các loại nước ngọt. Đối với giai đoạn này, theo tôi trẻ vẫn có thể sử dụng sữa, đặc biệt là các loại sữa ít đường thì sẽ phù hợp bởi vẫn cung cấp đủ vi khoáng cho trẻ phát triển, còn các đồ ăn nhiều ngọt thì nên giảm bớt đi.
Điểm quan trọng nhất, bên cạnh dinh dưỡng thì vấn đề vệ sinh an toàn rất quan trọng. Chúng ta sẽ rất khó kiểm soát vấn đề vệ sinh thực phẩm đối với các món “street food” bởi nó liên quan đến cả những vấn đề như dụng cụ, nguyên liệu, người bán, ô nhiễm không khí… Những điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Chỉ cần xảy ra rối loạn tiêu hóa thì đã ảnh hưởng đến các vấn đề tăng trưởng của con rồi.
Trong chương trình giáo dục dinh dưỡng ở trường, chúng tôi hướng dẫn cho các con một bài học là cách lựa chọn thông minh khi đi ăn ở ngoài. Ví dụ như khi sử dụng các phần ăn nhanh thì chúng ta sẽ chọn phần nhỏ hơn, chúng ta giảm các loại nước xốt, giảm muối cũng như một lượng chất béo. Chúng ta chọn những phần ăn có rau, có đa dạng hóa các loại thực phẩm.
Nếu phần ăn của trẻ quá lớn (nhiều) thì nên chia sẻ cho cha mẹ, bạn bè. Nên chọn các món ăn tương đối lành mạnh trong danh sách các món ăn nhanh.
Thực tế, khi chúng tôi đối mặt với những trường hợp thừa cân, béo phì nặng thì chúng ta cần phải động viên, trong một thời gian ngắn thì nên ăn theo một định lượng năng lượng cụ thể ví dụ như ăn bằng khay, hạn chế ăn những thực phẩm dư thừa năng lượng.
Sau đó, khi các con trở về trạng thái cân nặng bình thường thì chúng ta áp dụng việc hạn chế một cách tương đối. Cân bằng giữa việc ăn ở nhà và ăn ở trường, sao cho bữa ăn không được vượt quá nhu cầu khuyến nghị thì vẫn đáp ứng được.
Một thông điệp mà tôi muốn nhắc tới ở đây là chúng ta cần tạo cho các con một thói quen ăn uống lành mạnh ngay từ khi còn nhỏ.
Đối với trẻ em, nếu có thể sắp xếp được thời gian ăn ở nhà thì luôn luôn là tốt nhất. Bởi vì phương án này vừa đảm bảo về chất lượng bữa ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề thời gian khiến mong muốn của chúng ta không đạt được.
Do vậy, trong trường hợp ăn ở ngoài, ví dụ ăn sáng, thì cha mẹ có thể chọn những cửa hàng đơn lẻ mà bạn hiểu được cách bán hàng, chế biến, khu vực bán hàng của cửa hàng đó góp phần đảm bảo an toàn hơn cho con.
Đối với bố mẹ có hiểu biết, mong muốn con mình có chế độ ăn uống tốt hơn thì họ sẽ luôn tìm được cách. Bí lắm mà không tìm được cách thì hỏi chuyên gia, để các chuyên gia phân tích khẩu phần của con, để xem hiện nay con ăn uống thế nào, từ đó sẽ thấy được bữa ăn đang thiếu, thừa điểm nào để tư vấn cho bố mẹ, để trong thời gian tới bố mẹ sẽ điều chỉnh lại thực đơn ăn uống cho con.
Đối với việc sử dụng mì ăn liền, thứ nhất, đây là thực phẩm có thể chế biến được thành nhiều món. Tuy nhiên, mọi người vẫn chỉ quen với món mì úp. Trước đây, trong mì ăn liền có rất ít vi khoáng. Nhưng hiện nay, các gói mì ăn liền cũng đã được bổ sung thêm nhiều dinh dưỡng.
Cuối cùng, hãy coi mì ăn liền là một loại thức ăn và có thể kết hợp với những thức ăn khác nhằm mang đến những lợi thế trong quá trình sử dụng. Còn nếu coi rằng đó là một siêu thực phẩm, một món ăn có thể cân đối cho cả bữa ăn thì không có thực phẩm nào đạt được mục tiêu đó cả. Do vậy, cần phải biết cân đối các món ăn cho phù hợp.