Trải qua năm thứ 2 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, thầy và trò các trường học trên cả nước tiếp tục chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Ngay tại các thành phố lớn, việc học trực tuyến vẫn gặp rất nhiều khó khăn như đường truyền gián đoạn, thiếu thiết bị học tập, ở các trường vùng cao, việc học trực tuyến càng khó khăn hơn nữa.
Những ngày cuối cùng của năm cũ, thầy và trò trường Tiểu học Quốc Khánh, huyện Tràng Định, Lạng Sơn ngỡ tưởng đã “thoát” được cảnh học trực tuyến trong năm nay, nhưng khoảng 2 tuần trở lại đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp, toàn bộ hoạt động dạy và học của trường lại chuyển sang online.
Cô và trò trường Tiểu học Quốc Khánh trong một buổi hoạt động trải nghiệm.
Là xã giáp biên, có điều kiện đặc biệt khó khăn, học sinh chủ yếu là con em dân tộc Tày, Nùng, Mông, hầu hết các em đều có bố mẹ đi làm ăn xa, ở nhà với ông bà, bởi vậy việc tiếp cận công nghệ, sử dụng các thiết bị điện tử thông minh càng khó khăn hơn.
“100% học sinh của trường chưa có máy tính cá nhân để học trực tuyến, các em chủ yếu sử dụng điện thoại của ông bà, cha mẹ học online. Toàn xã có 8 bản, thì 2 thôn bản hoàn toàn không có sóng, những bản có sóng cũng chập chờn lúc được lúc không. Trường vẫn có nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có em mắc bệnh hiểm nghèo, tiền để chữa bệnh, duy trì sự sống còn chưa có, nói gì đến mua máy tính, điện thoại để học, lại có em gia đình chỉ có 2 chị em tự nương tựa vào nhau để sống, việc học với các em còn rất nhiều vất vả. Dù nhà trường đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ, song học sinh nơi đây còn thiếu thốn đủ thứ”, cô Nguyễn Thị Kiều Mỵ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Khánh chia sẻ.
Cô Mỵ cho biết, để khắc phục những khó khăn trong dạy và học trực tuyến, nhà trường hướng dẫn các em cùng học theo các nhóm nhỏ từ 2-3 em dùng chung một điện thoại. Có những em ở nơi không vào được mạng, giáo viên sẽ gọi điện về tận nhà hướng dẫn các em học, với những học sinh ở khu vực vùng sâu vùng xa hơn nữa, không có internet, có điện, giáo viên sẽ gửi bài về tận nhà cho học sinh làm.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông báo đến phụ huynh, tránh để trẻ chông chênh trên các đỉnh núi bắt sóng internet, nhà trường vẫn mở cửa để các em đến trường, có chỗ ngồi giãn cách đảm bảo học trực tuyến.
Trước đó, để chuẩn bị cho việc học trực tuyến mùa dịch, trong thời gian học trực tiếp, Trường Tiểu học Quốc Khánh vẫn dành 2 tiết 1 tuần để dạy thử nghiệm theo hình thức trực tuyến giúp học sinh làm quen, đồng thời kiểm tra bao nhiêu học sinh có khả năng học theo hình thức này.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quốc Khánh cho biết, mong ước duy nhất của thầy và trò nơi đây là có đủ internet và sóng điện thoại để học sinh được học trực tuyến đúng nghĩa mùa dịch.
Còn tại điểm trường Chè Lỳ A, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, trong 2 năm dịch bệnh, thầy và trò nơi đây nhiều thời điểm phải tạm dừng đến trường nhưng chưa từng được học online đúng nghĩa bởi không có sóng điện thoại cũng như mạng internet.
Cô Hoàng Thị Điệu, giáo viên trường Chè Lỳ A chia sẻ, ở chính điểm trường, thầy cô muốn vào mạng cũng phải chạy khắp sân trường “hứng sóng, “hứng 4G”, mạng lúc nào cũng hiện “e”. Toàn trường có hơn 200 học sinh, mỗi lớp cũng vài chục em, nhưng chỉ vài ba phụ huynh tiến bộ lắm mới dùng điện thoại. Thậm chí, nhiều học sinh còn chưa từng dùng điện thoại, làm sao dùng điện thoại để học online. Những thời điểm học sinh không thể đến trường do dịch bệnh, giáo viên lại in bài, phối hợp với trưởng bản, trưởng xóm để phát bài tận nhà cho học sinh.
Cô Hoàng Thị Điệu chia sẻ, điều mong ước lớn nhất của cả trường là có sóng điện thoại, có mạng internet để việc học trực tuyến đỡ vất vả hơn. (Ảnh: Tiến Cường)
“Có những bản xa cách điểm trường 4-5 cây số, đường đất đá, ngày nắng còn đỡ, còn khi trời mưa thì không đi nổi xe mà phải lội bùn đất đi bộ. Từ đầu năm học mới đến nay, Chè Lỳ A vẫn may mắn tránh được COVID-19 nên học sinh vẫn được đến trường, việc học chưa bị ảnh hưởng quá nhiều, nhưng nếu có dịch, thầy và trò rất vất vả. Điều mong ước lớn nhất của cả trường là có sóng điện thoại, có mạng internet để việc học trực tuyến đỡ vất vả hơn, học sinh và giáo viên cũng có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức mới trên internet”, cô Điệu chia sẻ.
Cô Lô Thị Dũng, giáo viên trường Tiểu học Châu Thôn, Nghệ An chia sẻ, những đợt địa phương bùng dịch, toàn trường phải chuyển sang học trực tuyến. Chủ nhiệm khối lớp 2, nên hầu hết các buổi học trực tuyến của cô Dũng đều diễn ra buổi tối để phụ huynh có thời gian kèm cặp, học cùng con. Với thầy và trò trường Tiểu học Châu Thôn, việc dạy và học trực tuyến thời gian đầu gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ.
“Dịch COVID-19 khiến thầy và trò chúng tôi lần đầu tiếp xúc với phương thức học trực tuyến. Những buổi học đầu, học sinh, phụ huynh còn bỡ ngỡ chưa biết cách đăng nhập vào hệ thống, ngay cả giáo viên cũng chưa quen với công nghệ, thậm chí chưa biết cách chia sẻ màn hình khi dạy. Nhưng sau một thời gian dài học trực tuyến, thầy và trò đã dần đổi mới cách dạy và học”, cô Dũng chia sẻ.
Chia sẻ thêm về những khó khăn, bất cập khi dạy và học trực tuyến, cô Lô Thị Dũng cho biết, giống như nhiều trường vùng cao khác, cái khó nhất khi học trực tuyến không chỉ ở năng lực công nghệ của học sinh, phụ huynh mà còn từ việc thiếu thiết bị, thiếu đường truyền, thiếu mạng. Mỗi lớp 30 học sinh, trung bình chỉ có khoảng 15 em có điện thoại thông minh để học trực tuyến, còn lại sống ở những thôn bản không có sóng, internet, giáo viên phải giao bài tận nhà cho học sinh trong thời gian tạm ngưng đến trường.
Với những giáo viên vùng cao như cô Dũng, nỗi lo sau mỗi đợi học trực tuyến không chỉ là sự thiếu hụt về kiến thức của học sinh, mà lo ngại hơn nghỉ học dài ngày, nhiều em sẽ không muốn đến trường, bỏ học, thầy cô lại phải vận động để học sinh đi học trở lại.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2021, trước tác động của dịch COVID-19, cả nước có gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liền.
Theo thống kê, tính đến hết ngày 9/1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn, 35 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.