Theo The Guardian, một nghiên cứu với 120.000 trẻ 6 - 8 tuổi ở Trung Quốc vào đầu năm 2021, cho thấy số trẻ mắc cận thị hoặc bị tăng độ cao gấp 3 lần so với năm 2020.
Một nghiên cứu khác với hai nhóm trẻ em 6-8 tuổi tại Hong Kong (Trung Quốc) cũng cho ra kết quả tương tự. Việc phong tỏa trong đại dịch và hạn chế về mặt sinh hoạt, học tập gây ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.
Tiến sĩ Jason Yam của Đại học Trung văn Hương Cảng, đồng tác giả của nghiên cứu tại Hong Kong, cho biết những "hoạt động nhìn gần" như đọc, viết, xem tivi, được cho là yếu tố dẫn đến cận thị. Những hoạt động ngoài trời có vai trò bảo vệ sức khỏe mắt lại bị hạn chế trong đại dịch.
Tỷ lệ trẻ cận thị gia tăng trong đại dịch. (Ảnh: Business Insider)
Tại Hong Kong, trường học phải đóng cửa trong nhiều tháng. Các cơ sở giải trí như sân chơi, sân thể thao, công viên và các khu cắm trại ngoài trời cũng bị tạm dừng hoạt động.
Không gian vui chơi, giải trí bị thu hẹp vì COVID-19 khiến nhiều gia đình không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở nhà. Do đó, họ dành nhiều thời gian cho việc sử dụng máy tính, điện thoại thông minh hoặc xem tivi.
Nghiên cứu của tiến sĩ Jason Yam và các cộng sự được công bố trên British Journal of Ophthalmology. Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã khảo sát các học học sinh vào năm 2015 (nhóm 1) và những em khác từ tháng 12/2019 đến tháng 1/2020 (nhóm 2).
Bên cạnh việc kiểm tra mắt, nhóm nghiên cứu đã thống kê thời gian trẻ làm việc, học tập qua màn hình điện thoại, máy tính, đồng thời hỏi về thời gian các em vui chơi, hoạt động ngoài trời.
Kết quả lấy từ 1.084 trẻ nhóm 1 và 709 trẻ nhóm 2 cho thấy tật cận thị phổ biến hơn ở nhóm 2. Ngoài ra, nhóm của tiến sĩ Jason Yam nhận thấy tỷ lệ mắc cận thị trong thời kỳ Covid-19 là gần 30%. Trong khi đó, trước thời kỳ COVID-19, con số này chỉ là 12%.
Bên cạnh đưa ra những con số đáng báo động, nghiên cứu cũng tiết lộ những thay đổi về thời gian hoạt động của trẻ trong thời gian giãn cách. Cụ thể, thời gian trẻ vui chơi ngoài trời giảm từ 75 phút mỗi ngày xuống còn 24 phút. Trong khi đó, thời gian các em sử dụng màn hình điện thoại, máy tính tăng từ khoảng 3,5 giờ lên 8 giờ mỗi ngày.
"Những điều này nghe có vẻ vô hại, nhưng thực tế nó có thể dẫn đến những biến chứng về mắt và làm tăng nguy cơ mất thị lực không phục hồi", tiến sĩ Yam nói.
James Wolffsohn, giáo sư tại Đại học Aston (Anh), nói với The Guardian rằng ít nhất 9 nghiên cứu trên thế giới đã xác định sự gia tăng của bệnh cận thị trong đại dịch. Giáo sư nhận định nghiên cứu của Hong Kong có những hạn chế về mặt thời gian, nhưng khi kết hợp kết quả của những nhóm nghiên cứu khác, đây vẫn là một báo cáo đúng, phản ánh được tình trạng thực tế của trẻ em hiện nay.