Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không quân Trung Quốc mở rộng loạt căn cứ quân sự sát biên giới Ấn Độ

Các bức ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang liên tục mở rộng các cơ sở hạ tầng dọc theo sườn lãnh thổ phía tây với tốc độ đáng kinh ngạc.

Chỉ trong 1 năm trở lại đây, các cuộc đụng độ dọc theo Ranh giới Kiểm soát Thực tế ở Thung lũng Galwan giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã diễn ra với hàng chục người chết.

Cũng trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đầu tư mạnh nhằm nâng cấp căn cứ không quân trong khu vực tranh chấp, các thiết bị quân sự và binh sĩ được tăng cường sự hiện diện ở mức độ cao chưa từng có dọc biên giới Trung-Ấn.

Trung Quốc cũng tăng cường các hệ thống phòng không trên mặt đất bằng cách xây dựng các công sự, sân bay trực thăng và các tuyến đường sắt mới trong khu vực.

Căn cứ không quân Hotan

Căn cứ không quân Hotan nằm rất gần ranh giới giữa khu vực Aksai Chin của Trung Quốc và Ladakh của Ấn Độ, nơi liên quan đến cuộc xung đột kéo dài và đôi khi bạo lực giữa hai nước vào năm 2020.

Căn cứ Không quân Hotan đã xây dựng thêm nhiều cơ sở hạ tầng mới kể từ sau cuộc đụng độ với Ấn Độ.

Ngoài đường băng mới, một số khu vực hậu cần và bảo trì mới đã được Trung Quốc xây dựng, bao gồm một số nhà chứa máy bay được sử dụng để tổ chức các hoạt động của máy bay không người lái (UAV).

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy việc xây dựng một đường hầm dưới lòng đất gần đường băng mới.

Nhiệm vụ chính xác của đường hầm này rất khó xác định chỉ qua hình ảnh, nhưng theo các nhà quan sát, đường hầm mới có thể được sử dụng cho việc di chuyển và xử lý bom, đạn.

Căn cứ không quân Ngari Gunsa

Xa hơn về phía nam, ở Tây Tạng, Căn cứ Không quân Ngari Gunsa đang được xây dựng ít nhất 12 hầm trú ẩn cho máy bay. Điều này dự báo sự hiện diện của máy bay chiến đấu ở khu vực này sẽ ngày càng tăng trong tương lai vì hiện tại chỉ có bốn máy bay Flanker của Trung Quốc thường đóng ở đó.

Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy hoạt động triển khai tên lửa đất đối không trong căn cứ không quân.

Với các nhà chứa máy bay mới sẽ cho phép Trung Quốc tăng khả năng sống sót của máy bay nếu xung đột nổ ra.

Cho đến nay, các máy bay tại Ngari Gunsa vẫn đóng trên đường băng lộ thiên, không có phương tiện che đậy hay che giấu.

Căn cứ không quân Lhasa

Căn cứ không quân Trung Quốc tại Lhasa, thủ phủ của Khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc, cũng đang được mở rộng tương tự như ở Ngari Gunsa, với hầm trú ẩn cho máy bay đang được xây dựng. Trong đó, vị trí riêng biệt của 2 hầm trú ẩn cho thấy chúng có thể sử dụng để cảnh báo, phản ứng nhanh.

Cũng giống như ở Ngari Gunsa và Hotan, những mở rộng này cũng bao gồm các khu vực hỗ trợ và bảo trì mới. Tại Lhasa, một khu vực dành cho máy bay trực thăng hoàn toàn mới cũng dường như là đang được xây dựng. 

Ở vùng núi ngay phía nam của căn cứ không quân, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy một số cơ sở ngầm đang được xây dựng. 

Căn cứ không quân Lhasa nằm gần các khu vực biên giới tranh chấp riêng biệt nằm đối diện với các bang Sikkim và Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Trên thực tế, đây là căn cứ không quân chính phục vụ không quân Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng biên giới Dokhlam năm 2017 .

Căn cứ không quân Kashgar

Hình ảnh vệ tinh về Căn cứ Không quân Kashgar, nằm dọc theo biên giới phía tây của Trung Quốc ở Tân Cương, cho thấy việc xây dựng thêm các nhà chờ máy bay kiên cố hơn cũng như các khu bảo trì và hỗ trợ. Việc mở rộng nhằm hỗ trợ các hoạt động của máy bay chiến đấu tại Kashgar, bao gồm việc mở rộng sân đỗ thường là nơi cất cánh của các máy bay ném bom chiến lược H-6 và một nơi trú ẩn tạm thời của máy bay hỗ trợ các hoạt động của UAV.

Cơ sở này có một địa điểm phòng không mới, đã hoạt động tích hợp trong khuôn viên của căn cứ không quân.

Hình ảnh cho thấy nhiều khả năng các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 được triển khai tại địa điểm này.

Căn cứ này được cải tiến giống như các căn cứ khác dọc biên giới phía tây của Trung Quốc, nhằm cải thiện khả năng sống sót và hỗ trợ các hoạt động không quân ở khu vực biên giới của Trung Quốc.

Sân bay Changdu Bangda

Hình ảnh cho thấy Trung Quốc cũng đang tân trang lại sân bay Changdu Bangda nằm ở góc phía đông của Tây Tạng, gần biên giới tranh chấp với Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Hình ảnh mới cho thấy đường băng đang được tân trang, thậm chí có thể được mở rộng, trong khi việc xây dựng các cơ sở ngầm trên núi ngay cạnh sân bay cho thấy khả năng sân bay đóng vai trò quân sự.

Nằm ở độ cao hơn 4,4m, việc mở đường băng dài hơn 5,5m giây có thể nâng cao đáng kể hoạt động của nhiều loại máy bay trong kho của Không quân Trung Quốc. Đặc biệt là với hai đường băng dài hoạt động, vai trò quân sự của sân bay Bangdu Changda có thể tăng đáng kể cho các hoạt động hàng không trên vùng Đông Tây Tạng. Các cơ sở dưới lòng đất cũng có thể đảm bảo sự hiện diện được bảo vệ của các máy bay và hệ thống vũ khí của PLAAF.

Nhiều căn cứ không quân mới đang được xây dựng (Tingri, Tashkorgan, Damxung)

Ngoài việc tăng cường cơ sở hạ tầng tại các căn cứ và sân bay hiện có, hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy việc xây dựng các đường băng hoàn toàn mới đang được tiến hành tại nhiều địa điểm khác nhau trong và xung quanh Tây Tạng.

Các đường băng đang được xây dựng tại các địa điểm trước đây không có sân bay hoặc cơ sở hạ tầng quân sự khác.

Các đường băng này được đặt tại Tingri và Damxung, cả hai đều nằm ở một phần phía đông Tây Tạng đối diện với Sikkim và Arunachal Pradesh, cũng như Tashkorgan ở Tân Cương gần biên giới của Trung Quốc với Tajikistan.

Hình ảnh cho thấy rõ việc chuẩn bị đất và phác thảo đường băng, sân đỗ và các khu vực hỗ trợ đang được xây dựng tại các vị trí này. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh chưa thể làm rõ chính xác chức năng quân sự của các cơ sở này.

Thời gian phát triển các cơ sở hạ tầng này diễn ra từ sau các cuộc đụng độ biên giới với Ấn Độ ở Dokhlam và Ladakh. Việc phát triển cơ sở hạ tầng của PLAAF ở các khu vực cực Tây của Trung Quốc rõ ràng là tập trung vào việc tăng cường sức mạnh không quân dọc theo biên giới phần lớn tranh chấp với Ấn Độ và cải thiện tính bền vững của các hoạt động trên không trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang.

Ngoài việc quân sự hóa khu vực, Trung Quốc cũng phát triển cơ sở hạ tầng dân sự, chẳng hạn như xây dựng đường bộ, đường sắt, phát điện, tăng cường viễn thông, có thể trực tiếp tăng cường khả năng hậu cần quân sự.

Nguồn: Tiền Phong

Tin mới