Thực tế, điện Kremlin chỉ là nơi làm việc chính thức của nhà lãnh đạo Nga. Bản thân ông Putin sống tại Novo-Ogaryovo, một điền trang ở Vùng Moskva có từ thế kỷ 19.
Thời Sa hoàng và cả trong giai đoạn phe Bolshevik cầm quyền, bên trong các bức tường của điện Kremlin là một khu dân cư siêu nhỏ với các ngôi nhà.
Cho đến giữa thế kỷ 20, pháo đài cổ Moscow - nơi từng là chỗ ở của các sa hoàng Nga, không phải chỉ có các tòa nhà chính phủ, nhà thờ hay bảo tàng.
(Ảnh: Getty Images)
Dù bạn có tin hay không, nhưng Hoàng gia Nga thực sự không có nhiều không gian riêng trong đó: phần lớn không gian bên trong các bức tường của điện Kremlin là đường phố nhộn nhịp, các điền trang tư nhân thuộc về tầng lớp quý tộc, các xưởng sản xuất của thợ thủ công, nơi ở của các lãnh đạo tôn giáo.
Điều này không thay đổi cho đến những năm 1960: Điện Kremlin vẫn chỉ có những người bình thường sống trong các bức tường của nó. Sau đó mọi chuyện thay đổi, một trong những người đầu tiên chuyển đến sau Cách mạng 1917 là Vladimir Lenin. Sau đó, điện Kremlin cũng chứng kiến nhiều quan chức nhà nước chuyển đến ở cùng gia đình.
Bất kỳ ai từng sống ở đó trước đây nếu không có bất kỳ mối quan hệ nào với các lãnh đạo quyền lực của Liên Xô đều được mời đi. Kết quả là hơn 2.000 người đã phải rời khỏi khu vực.
Năm tháng trôi qua, giờ đây ai là người đang sinh sống ở điện Kremlin?
Trung đoàn Tổng thống
Ngày nay, bên trong điện Kremlin là nơi đặt doanh trại quân sự của Trung đoàn (cận vệ) Tổng thống, đơn vị quân đội độc nhất vô nhị có nhiệm vụ bảo vệ các thành viên cấp cao nhất của chính phủ và đảm bảo an toàn cho các kho tàng của điện Kremlin.
Họ cũng là những cận vệ danh dự tại Mộ Chiến sĩ Vô danh và Lăng Lenin, tham gia tất cả các nghi lễ chính thức. Được coi là bộ mặt của điện Kremlin, vì vậy cả diện mạo bên ngoài và phẩm chất của đội quân này đều phải hoàn hảo. Chỉ riêng đôi giày cũng phải trải qua 7 vòng kiểm tra kéo dài gần như suốt cả ngày.
(Ảnh: Sputnik)
Trung đoàn sinh hoạt và huấn luyện bên trong các bức tường của điện Kremlin. Thời gian tập luyện bắt đầu từ 6h, tập trung đội hình và tập luyện buổi sáng.
“Chúng tôi tập thể dục, sau đó chạy 2km. Hoạt động huấn luyện được thực hiện tại khu vực đặc biệt trong khuôn viên điện Kremlin”, Nikolay Tarov, một thành viên của Trung đoàn cho biết.
Sau giờ tập luyện là học tập và diễn tập hành quân. Sau 18h, các binh sỹ của trung đoàn được tự do đi lại. Vào buổi tối, sẽ có đơn vị đi tuần xung quanh khu vực. Đèn tắt lúc 22h.
Các binh sỹ không được rời khỏi điện Kremlin vì bất cứ lý do gì cho đến khi nhiệm vụ kéo dài 4 tháng kết thúc cũng như qua được bài kiểm tra.
Các thành viên đội cận vệ được phép sử dụng điện thoại di động nhưng không được truy cập Internet hoặc chụp ảnh. Hút thuốc được phép ở một số khu vực nhất định, nhưng rượu bị nghiêm cấm.
Số người phục vụ trong trung đoàn là một bí mật. Trung đoàn Tổng thống vốn được coi như một quân đoàn dự bị của tất cả các nhánh thuộc Cơ quan An ninh Liên bang (FSO), chịu trách nhiệm bảo vệ tổng thống và các thành viên cấp cao nhất của chính phủ.
Cú và diều hâu
Trung đoàn cận vệ Tổng thống không phải là những “người bảo vệ” duy nhất của điện Kremlin. Bên trong khu vực trọng yếu này còn có một con cú được gọi là Phil và khoảng 10 con diều hâu.
Cú Phil. (Ảnh: Sputnik)
Những kẻ săn mồi được huấn luyện đặc biệt này cũng đảm nhiệm vai trò bảo vệ như con người, nhưng là để ngăn chặn mối đe dọa khác - những con quạ sinh sống trên đồi Borovitsky từ thời xa xưa.
Điện Kremlin đã tìm cách ngăn chặn lũ quạ này trong nhiều thế kỷ. Trước đây, mọi người không thích quạ, vì chúng được coi là điềm xấu: “Nếu bạn thấy bóng đen bay quanh Điện Kremlin, đó là điềm báo về chiến tranh và nạn đói”.
Sau này, việc chống quạ trở nên thiết thực hơn. Mái vòm phủ vàng của các nhà thờ trong điện Kremlin thu hút những con quạ và nếu chúng kéo đến, công trình có thể bị hư hại.
Hàng chục phương pháp khác nhau đã được thử nghiệm. Thời Lenin, người ta đã dùng phương pháp đơn giản nhất: Bắn hạ. Nhưng điều này khiến nhà lãnh đạo không thể tập trung làm việc. Sau đó, người ta chuyển sang sử dụng những âm thanh khó chịu để đuổi chim nhưng cũng không hiệu quả.
(Ảnh: Sputnik)
Vào năm 1973, một nhóm nghiên cứu điểu học thành lập và những chú chim ưng đã trở thành “cảnh sát” trên bầu trời điện Kremlin.
Nhưng chúng không phải là sự lựa chọn tốt nhất, vì vậy diều hâu (và sau này là chú cú Phill) đã thay thế nhiệm vụ.
Những chú chim của điện Kremlin có khu ở riêng tại Vườn Taynitsky. Mục tiêu chính của chúng không phải tiêu diệt mà là để xua đuổi quạ. Cho đến nay, công việc vẫn rất hiệu quả. Theo các nhà chức trách điện Kremlin, những con quạ giờ đây đã không còn bay xung quanh điện Kremlin nữa mà chúng thường tìm đến các nơi khác.