Hà Nội vừa chấp thuận giá mua từ nhà máy nước sạch sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm. Mức giá này gấp đôi giá nước hiện tại người dân đang sử dụng của Nhà máy nước sông Đà.
Một điểm đáng lưu ý, trong tổng mức đầu tư của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng thì có đến 80% mức vốn (tương ứng gần 4.000 tỷ đồng) được DN này đi vay ngân hàng.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).
Báo cáo từ Sở Tài chính Hà Nội cho biết, khi nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, tương đương khoảng 2.003 đồng mỗi mét khối nước.
Như vậy, nếu sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước sông Đuống, mỗi người dân Hà Nội sẽ phải gánh nợ lãi suất thay doanh nghiệp này số tiền 2.003 đồng/m3/tháng. Theo nhiều ĐBQH, đây là mức phí vô lý và thiếu công bằng đối với người dân thủ đô.
Trả lời VTC News bên hành lang kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV sáng 14/11, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng “không loại trừ yếu tố ‘sân sau’ ở dự án Nhà máy nước Sông Đuống’.
Theo đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp, giá nước cung cấp cho người dân hiện nay hết sức quan trọng. Ông nhấn mạnh, bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào, có vốn Nhà nước hay tư nhân nếu lợi dụng tình trạng thiếu nước của người dân để tăng giá hoặc đưa ra mức giá quá cao trong thời điểm này đều không thể chấp nhận.
Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, nếu mức giá của nhà máy nước sông Đuống gây tranh cãi có cơ sở thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để kiểm tra, xem xét và minh bạch thông tin.
“Phải tính từ chủ trương đầu tư, thiết kế, công suất, các vấn đề có liên quan đến vốn và hoạt động công suất của nhà máy đó xem cách tính mức giá nước cho người dân như thế đã phù hợp chưa?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Người dân mua nước thì phải trả tiền, “đó là điều đương nhiên”. “Nhưng mặt bằng giá nước phải được đảm bảo, không chỉ trên toàn quốc mà còn ở từng khu vực cũng phải đảm bảo chứ không thể để chênh lệch quá mức như hiện nay”, phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp bày tỏ.
Dự án nhà máy nước sông Đuống có tổng chi phí 5000 tỷ đồng nhưng DN phải đi vay đến gần 4000 tỷ đồng.
Cho rằng Hà Nội là nơi tập trung dân số đông, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, với đặc thù này, giá nước ở đây càng cần được bình ổn, bảo đảm.
Nước là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu, không phải là mặt hàng thị trường hóa. Mức giá cũng phải được điều chỉnh hợp lý. Nếu có hiện tượng bất hợp lý, cơ quan tài chính phải vào cuộc tính toán xem giá nước như thế có hợp lý hay không?
Nếu có bù lỗ cũng phải được cân nhắc, tính toán hợp lý tránh hiện tượng việc bù lỗ vô tình giúp DN thực hiện việc đầu cơ về nguồn nước để tăng giá và thu lợi nhuận khủng.
“Cách tính giá nước gây tranh cãi như hiện nay hay việc Hà Nội bất chấp giá cao vẫn mua nước của dự án Nhà máy nước sông Đuống, không loại trừ có yếu tố sân sau’, ông Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.
Đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng, cần có sự vào cuộc khách quan của các cơ quan chức năng để minh bạch hóa các hoạt động, vận hành tại dự án này.
‘DN bán hàng buộc người dân vừa phải mua với cái giá đắt, vừa phải gánh chi phí bù lỗ. Điều này rất vô lý! Vì sao Hà Nội mua nước sông Đuống, vì sao bỗng nhiên bỏ ra 200 tỷ đồng để bù lỗ cho một DN?’, ĐBQH Phạm Văn Hòa gay gắt.
Vẫn theo Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, việc cung cấp, quản lý nguồn nước cho người dân sinh hoạt và kinh doanh rất quan trọng. Theo ông, sự cố ô nhiễm nguồn nước tại Hà Nội mới đây là tiếng chuông cảnh báo nghiêm trọng về việc đảm bảo an ninh nguồn nước.
Thực tế hiện nay, vẫn tồn tại những trah chấp về tài nguyên nước. Chính quyền cần có trách nhiệm quản lý, bảo vệ nguồn nước không bị ô nhiễm, không bị hóa chất môi trường xâm hại để cung cấp sinh hoạt cho người dân, đó mới là điều quan trọng.
‘Nếu kêu gọi đầu tư từ DN nước ngoài, chính quyền cần kiểm tra giám sát cơ sở kinh doanh xem họ có chấp hành đúng quy định, pháp luật VN về môi trường, quan trắc, y tế...’, vị đại biểu nhấn mạnh.