Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không giỏi Toán, có nên chọn ngành Kiểm toán?

(VTC News) -

Ngành Kiểm toán đang được nhiều trường đại học top đầu trên cả nước đào tạo với ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển tương đối cao.

Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ngành Kiểm toán mang đến cho người học nhiều sự lựa chọn về vị trí việc làm. Tuy nhiên, có không ít bạn trẻ thắc mắc "không giỏi Toán, có nên chọn ngành Kiểm toán?", vì ngành học này thường liên quan nhiều đến các con số.

Ngành Kiểm toán đang nhận về nhiều sự quan tâm. (Ảnh minh họa)

Không giỏi Toán, có nên chọn ngành Kiểm toán?

Kiểm toán là hoạt động kiểm tra và xác nhận độ chính xác, tính trung thực của những số liệu, từ đó bao quát hoạt động tài chính của doanh nghiệp để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, công việc của nhân viên Kiểm toán rất quan trọng, phải đảm bảo tính chính xác, minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật liên quan đến tài chính và thuế.

Nhìn từ thực tế, rất nhiều ngành không áp dụng Toán vào công việc, nhưng Toán là môn học phản ánh rõ khả năng tư duy của một người. Công việc của ngành Kiểm toán không đơn thuần chỉ có những nghiệp vụ kế toán thông thường, mà phải kèm theo việc đọc, hiểu quy định và chế độ chính sách về thuế, tài chính, hợp đồng kinh tế.

Cho nên, nếu học Toán ở mức độ khá bạn vẫn có thể đăng ký vào ngành Kiểm toán. Tuy nhiên, trong quá trình học bạn cần rèn luyện tốt tư duy đọc, hiểu và giải quyết công việc. Vì đây là tố chất rất quan trọng khi theo học ngành Kiểm toán.

Một số trường tuyển sinh ngành Kiểm toán

Học viện Tài chính - năm 2024, tuyển sinh ngành Kiểm toán theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mức học phí nhà trường quy định với ngành Kiểm toán theo chương trình liên kết đào tạo Đại học Toulon cấp bằng học trong 3 năm là 180 triệu đồng/toàn khóa học và chương trình chất lượng cao là 50 triệu đồng/năm học.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - năm 2024, chỉ xét tuyển ngành Kiểm toán theo 3 phương thức, thay vì 4 phương thức như năm ngoái, gồm: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Trường dự kiến xét tuyển ngành Kiểm toán theo 4 tổ hợp môn A00, A01, D01, D07.

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) - năm ngoái, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ngành Kiểm toán lấy 24,25 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D90. Phương thức xét học bạ, mức điểm chuẩn xét tuyển là 26,75 điểm, với 3 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01.

Ngoài ra, trường còn tuyển sinh theo phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia, xét tuyển theo phương thức tuyển sinh riêng của trường và xét tuyển thẳng.

Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - năm nay tuyển sinh ngành Kiểm toán theo 6 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển học sinh giỏi, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét thí sinh tốt nghiệp nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế.

Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, năm 2023 ngành Kiểm toán của tường lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,3 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07. 

Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) tuyển sinh ngành Kiểm toán theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển kết hợp.

Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh ngành Kiểm toán của một số trường khác như: trường Đại học Thương mại, trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội, trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), trường Đại học Duy Tân, trường Đại học Mở TP.HCM, trường Đại học Thủ Dầu Một.

Anh Anh (Tổng hợp)

Tin mới