Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Không có việc thất thoát cổ vật ở đền Đồng Bằng, Thái Bình

(VTC News) -

Đại diện Ban quản lý di tích quốc gia đền Đồng Bằng (Thái Bình) khẳng định, tại nhà đền không xảy ra việc thất thoát cổ vật như phản ánh.

Video: Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Bằng lên tiếng trước thông tin thất thoát cổ vật.

Theo bà Bùi Thị Nhẫn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Phụ, Phó Ban thường trực Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Bằng (Thái Bình), thời gian gần đây, có đơn kiến nghị của người dân gửi tới các cơ quan chức năng phản ánh việc một số đồ thờ không còn được bài trí trong đền Đồng Bằng.

Các đồ thờ tự bị phản ánh thiếu hụt gồm: một đôi quạt Áp nhĩ cổ bằng đồng, một chiếc ghế Rồng; cỗ Khám Long Đình, một bát hương bằng đồng đã thay bằng bát hương sành cỡ nhỏ...

Ngoài ra, người dân cũng có ý kiến về việc hoành phi câu đối, cửa võng trong cung cấm thếp bằng vàng 9999 được tháo rời đem cọ rửa rồi thếp lại bằng vàng Đài Loan; việc quản lý 24,5 cây vàng và công tác quản lý sửa chữa cơ sở hạ tầng tại đền...

Sau khi nhận được phản ánh, Ban quản lý di tích đã thống kê, báo cáo chi tiết gửi các cơ quan chức năng để trả lời và giải đáp kiến nghị của một số công dân địa phương và cơ quan truyền thông.

"Ban quản lý chúng tôi khẳng định, ở đền không xảy ra hiện tượng như ý kiến của công dân”, bà Nhẫn khẳng định.

Đền Đồng Bằng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1986 và được công nhận là điểm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Thái Bình năm 2015.

Đồ vật được bảo quản, không thất thoát

Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quỳnh Phụ, trong đền có treo 10 quả chuông và 1 quả chuông ở trên cổng tam quan nặng 300kg. Đầu năm 2024, trong quá trình tu sửa cấp thiết một số hạng mục công trình, hệ thống cột gỗ của đền có dấu hiệu bị mối mọt, bỏ mộng nên một số quả chuông đã được hạ bớt xuống để đảm bảo việc thờ tự, an toàn cho công trình. Chuông hạ xuống được đưa vào bảo quản lưu trữ trong nhà bảo quản hiện vật.

Ngoài ra, 2 quả chuông (một quả tại vị trí phía bên trái cung công đồng và một quả tại cung Đệ nhị) đã được hạ xuống và di chuyển quả chuông phía bên phải trước cửa cung cấm treo về vị trí quả chuông phía bên trái cung Đệ nhị.

Thể theo nguyện vọng của các cụ cao niên trong làng và cơ sở thôn Hưng Hòa, xã An Lễ, Ban quản lý đã chuyển cho đình Đồng Hưng (thôn Hưng Hòa, xã An Lễ) mượn một quả chuông để sử dụng vào các ngày sự lệ, tuần tiết trong năm. Khi nào làng xin được công đức quả chuông mới về thờ thì sẽ chuyển lại đền Đồng Bằng bảo quản, lưu trữ.

Ban quản lý đền Đồng Bằng đã chuyển cho đình Đồng Hưng (thôn Hưng Hòa, xã An Lễ) mượn một quả chuông.

Bên cạnh đó, 2 ghế rồng, trong đó một ghế trước đây có phủ áo của Đức Vua, du khách thập phương vào chiêm bái thường đặt tiền vào đó gây phản cảm và không đúng mục đích sử dụng. Vì vậy, chiếc ghế rồng này được chuyển xuống đặt trong phòng thờ các cụ tiền thủ nhang của đền và sẽ đưa vào sử dụng khi cần thiết.

Về cỗ Khám Long Đình, khi tu sửa cấp thiết di tích, Ban Quản lý di tích phát hiện cỗ khám bị xuống cấp nghiêm trọng nên lập biên bản và thống nhất kêu gọi công đức hiện vật mới.  

Do nhà bảo quản hiện vật của đền không gian hạn chế nên cỗ khám cũ hiện nay được Ban quản lý di tích bảo quản, lưu trữ tại đền thờ Quan lớn Đệ Bát nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Đồng Bằng và đang được lập hồ sơ bảo quản hiện vật theo quy định.

Cỗ Khám Long Đình được bảo quản, lưu trữ tại đền thờ Quan lớn Đệ Bát nằm trong quần thể di tích đền Đồng Bằng, đang được lập hồ sơ bảo quản hiện vật.

Ngoài ra, liên quan đến chiếc bát hương đồng tại cung Cô, vào khoảng 7/2023, khi kiểm tra việc sắp xếp thờ tự tại cung Cô, Ban quản lý phát hiện bát hương này cao và to, làm che khuất tượng thờ trên ban nên đã được thay bằng bát hương mới để thờ cho phù hợp với không gian thờ tự.

Bát hương đồng của cung Cô được chuyển sang thờ tại cung đệ Tam, bát hương cung đệ Tam chuyển sang cung Quan do bát hương cung Quan cũ bị thủng. Hiện nay, bát hương đồng tại cung Quan đang được bảo quản lưu trữ trong nhà lưu trữ hiện vật của đền và đang lập hồ sơ tu sửa cấp thiết để bảo tồn hiện vật.

Cũng theo Ban quản lý di tích, các hiện vật, đồ thờ tự nêu trên không phải là hiện vật được thống kê trong hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Bằng năm 1986. Hầu hết trong số đó là hiện vật được hiến tặng vào di tích trong vài chục năm trở lại đây.

Về đôi quạt Áp nhĩ cổ, do đã bị hư hỏng, phần lá đồng chạm trang trí gãy, không thể tiếp tục sử dụng nên đã được đưa xuống nhà bảo quản, lưu trữ và đang lập hồ sơ tu sửa cấp thiết để bảo tồn hiện vật. Theo Ban quản lý, đôi quạt Áp nhĩ là hiện vật được thống kê trong hồ sơ khoa học xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Bằng năm 1986.

Bức đại tự, hoành phi, câu đối, cửa vọng mới được một đơn vị hảo tâm công đức dát vàng thật.

Ngoài ra, trong quá trình tu sửa cấp thiết trong cung cấm đền Đồng Bằng, nhận thấy các hoành phi, câu đối, cửa võng trong cung cấm có dấu hiệu bị xuống cấp, phần sơn thếp bị ám khói, bong tróc, sơn thếp bị phai mờ, một đơn vị muốn công đức bằng hiện vật sơn son, thếp vàng các hoành phi, câu đối, cửa võng trong cung cấm (đơn vị công đức báo cáo thếp bằng vàng thật).

Thường trực Ban quản lý, Bộ phận điều hành, Ban khánh tiết nhà đền và đại diện UBND xã An Lễ đã họp bàn và thống nhất chủ trương tiếp nhận nguồn công đức bằng hiện vật để tôn tạo di tích.

Về việc quản lý 24,5 cây vàng, Ban quản lý di tích đã tiếp nhận bàn giao và niêm phong đem đi kiểm định trước sự chứng kiến của đại diện huyện, xã, cơ sở thôn Đồng Bằng và người đại diện của Thủ nhang Nguyễn Như Thăng.

Việc quản lý tiền công đức, hiện vật được bảo đảm nghiêm theo quy định.

Công tác quản lý chuyển biến tích cực

Theo Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Bằng, sau 2 năm tiếp nhận bàn giao từ cấp xã lên cấp huyện, công tác quản lý đã được tăng cường với nhiều chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nền nếp.

Ban quản lý đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, nội quy, sắp xếp lại đội ngũ làm việc tại đền; chỉnh trang hạ tầng, cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh sạch đẹp; hoạt động ăn mày, xin lộc đã được khắc phục.

Các ki-ốt kinh doanh được tu sửa, xây dựng mới khang trang, gọn gàng, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy.

Lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức thành công và được đánh giá cao; các hoạt động thực hành tín ngưỡng tại di tích được tăng cường quản lý, đảm bảo phát huy giá trị di sản văn hóa, khai thác tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, hướng đến mục tiêu phát triển cùng với các điểm du lịch trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Công tác quản lý tài chính, tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Theo bà Nhẫn, trong thời gian qua, một số phần việc do tranh thủ nhà tài trợ để tiếp nhận hiện vật, sơn thếp lại câu đối, đại tự trong cung cấm, Ban Quản lý di tích đền Đồng Bằng không kịp thời báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, dẫn đến việc phát sinh đơn kiến nghị của công dân.

Chiếc giếng cổ trong cung cấm được đầu tư nâng cấp.

Trong thời gian tới, Ban quản lý đền Đồng Bằng sẽ khắc phục, tiếp tục tăng cường công tác quản lý di tích, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích và quản lý tài chính, tài sản của di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Đồng Bằng.

“Tiếp thu ý kiến kiến nghị của công dân và quan điểm chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, sự hướng dẫn của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, trong thời gian tới, Ban quản lý di tích lịch sử đền Đồng Bằng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý để làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, thực hiện việc tu bổ, tôn tạo cũng như tiếp nhận, sử dụng nguồn công đức, đảm bảo công khai, minh bạch, theo quy định hiện hành của pháp luật và cũng sẽ làm tốt hơn nữa công tác đón tiếp du khách và Nhân dân đến tham quan, thực hành tín ngưỡng tại khu di tích”, Phó Ban quản lý di tích đền Đồng Bằng khẳng định.

Minh Khang

Tin mới