Chiêm ngưỡng ngai thờ độc nhất vô nhị hơn 300 năm tuổi ở Thái Bình
Miếu Hai Thôn, xã Xuân Hòa (Vũ Thư, Thái Bình) là một ngôi miếu cổ thờ vua Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương. Miếu Hai Thôn đã Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1986.
Miếu Hai Thôn nằm trên một gò đất cao, rộng 4.500m2. Miếu được xây dựng theo kiểu dạng thức chữ nhị, 2 tòa, 8 gian, xung quanh vườn trồng nhãn. Vườn nhãn ấy nay thành vườn cổ thụ tươi tốt.
Ngôi miếu có nhiều đồ thờ tự cổ được lưu giữ tại Bảo tàng Trung ương và địa phương, trong đó có ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng. Ngai thờ có niên đại từ thế kỷ XVII, được sưu tầm về Bảo tàng Thái Bình vào trước những năm 1999.
Ngai được chạm khắc công phu, tinh xảo, là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và kĩ thuật chạm khắc trên loại hình đồ thờ làm bằng gỗ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII.
Ngai có kích thước lớn, hình dáng cân đối, hài hòa, gồm 4 phần chính: Tay ngai, thân ngai, bệ ngai và phần đế ngai.
Hoa văn trang trí trên ngai thờ sơn son thếp vàng có đề tài phong phú. Tổng thể ngai thờ được tạo tác bởi 156 hình tượng rồng. Đây là con vật chủ đạo trên tất cả các mảng trang trí.
Rồng được trang trí theo những đồ án cụ thể như:“Long ẩn vân”,“Lưỡng long chầu nhật”, “Lưỡng long chầu hoa cúc”, "Trúc hóa long" ...
Ngoài chủ đề rồng, ngai thờ còn chạm khắc nhiều chủ đề về khác hoa lá, đao mác, linh thú, tiêu biểu như: 299 hoa sen cách điệu, 33 hoa cúc, 60 hoa chanh, 65 dây lá, hoa trúc, linh thú, vân mây lửa, ngọc báu...
631 họa tiết trang trí trên ngai thờ, với cách sử dụng kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, bố cục hài hòa... đã tạo nên một tác phẩm đặc trưng và đại diện cho nghệ thuật thời Lê Trung Hưng về đồ gỗ sơn son thếp vàng.
Ngai thờ phản ánh trình độ chạm khắc gỗ điêu luyện, có sự phối kết hợp giữa kỹ thuật chạm lộng, trổ thủng, chạm bong kênh, đường chạm khắc sắc sảo, chau chuốt, được bố cục chặt chẽ, vừa mang tính phóng khoáng nhưng đăng đối, vừa thật, vừa ảo, tạo nên những lớp hoa văn tầng tầng, lớp lớp, càng tôn điểm các chi tiết cùng màu sắc của kỹ thuật sơn son, thếp vàng.
Tất cả làm nên sự khác biệt của ngai thờ hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Thái Bình so với những hiện vật đồng dạng, cùng thời và trở thành một tác phẩm độc nhất vô nhị, riêng khác trong kho tàng điêu khắc gỗ Việt Nam.
Ngày 15/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 88/QĐ-TTg công nhận Ngai thờ gỗ sơn son thếp vàng (Niên đại thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Thái Bình) là Bảo vật quốc gia.
Theo Ngọc phả của di tích, miếu Hai Thôn nằm trên nền đất tư dinh cũ của bà Đỗ Thị Khương (vợ vua Lý Nam Đế).
Năm Kỷ Tỵ (1689) dân làng bỏ tiền xây lại 2 tòa kiến trúc lớn (kiểu chữ nhị) sang đời Thành Thái (nhà Nguyễn) dân làng xây thêm một tòa 7 gian, đổi sân miếu thành vườn hoa. Sau “cải tiến vi hậu” tòa tiền Tế thành hậu cung, tòa 7 gian làm thêm thành bái đường, chuyển từ kiến trúc chữ nhị thành kiến trúc chữ tam mở thêm sân lớn xây dựng tấc môn tường hoa trụ biểu tả môn, hữu môn như hiện trạng di tích ngày nay.
Cửa phía trước xây một tường hoa, trổ ô chữ thập (như kiểu Chùa Keo, Vũ Thư, Thái Bình); chính diện xây một cửa thu nhỏ, mặt ngoài đắp rồng, mặt trong đắp phượng hàn thư, cổng ngoài xây trụ biểu hình quả găng, lồng đèn. Từ thời Thành Thái cổng này được xây bít lại.
Cạnh tường hoa phía trước Miếu, là 2 giếng 'mắt rồng'.
Đặc biệt, trong hậu cung nơi thờ Đức vua Lý Nam Đế và Hoàng Hậu Đỗ Thị Khương có một bức tranh tái bản từ bức tranh cổ trước đó. Đây là một trong những bức tranh sơn mài thế kỷ XIX lớn và đẹp ở tỉnh Thái Bình. Tranh rộng 0,9m, dài 2m, vóc bằng gỗ sơn mài, nét vẽ bằng sơn ta, dùng 4 màu chủ đạo: vàng, đỏ, xám đen, xanh. Đề tài thể hiện Lý Nam Đế và hoàng hậu Đỗ Thị Khương giống như các tranh thờ có cùng niên đại.
Chất quý hiếm là tính dân dã trong các nhân vật hầu trước mặt vua Lý Nam Đế và Hoàng hậu. Hàng thứ nhất vị tùy tùng, bên trái là 16 vị quan văn, đội mũ cánh chuồn, mỗi vị cầm một lá cờ đuôi nheo, cờ bay phấp phới. Hàng phải là 15 lính vác giáo xếp hàng như duyệt binh. Hàng thứ 2: bên trái có 13 lính dắt voi, dắt ngựa, bên trái có 14 cung nữ lạy hầu. Hàng thứ 3: là một đoàn người xếp hàng ngang, người khiêng lễ vật, kẻ múa, người đánh thanh la, đánh đàn nguyệt, đàn kìm, đàn thập lục....
Thông tin với PV VTC News, ông Đỗ Văn Mạnh - Công chức văn hóa xã Xuân Hòa, Phó ban thường trực Ban quản lý di tích Miếu Hai Thôn cho biết, hiện một số tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và tỉnh Thái Bình đang kết hợp cùng chính quyền địa phương lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án mở rộng khuôn viên, trùng tu tôn tạo các hạng mục của di tích. Dự kiến năm 2023 sẽ khởi công trùng tu bằng nguồn vốn xã hội hóa do các tập đoàn, doanh nghiệp công đức.