Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ lo sợ rủi ro'

(VTC News) -

Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, bên cạnh việc xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, giáo dục, cần ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ tham nhũng, tiêu cực, nhằm kiểm soát chặt chẽ, bịt các lỗ hổng để không thể lợi dụng được.

Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng VKSND tối cao.

Tâm lý lo sợ rủi ro thì không năng động

Theo ông Lê Minh Trí, chính sách pháp luật phục vụ phát triển thời gian qua chưa nhiều so với chính sách pháp luật quản lý, kiểm soát, do vậy, cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo. Đồng thời phải đảm bảo các quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện.

“Nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ”, ông Lê Minh Trí nói.

Về việc này, tại Quốc hội, ông Lê Minh Trí cũng đã nêu bất cập của Điều 219, Bộ Luật Hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của cán bộ quản lý tài sản công vì quy định này rất rủi ro cho người thực hiện, đó là lằn răn đúng - sai rất mong manh trong thực tế.

Do vậy, ông kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Trung ương xem xét có nghị quyết, chủ trương và giao cho Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cần tập trung rà soát và kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, đầy đủ hơn để đảm bảo 2 yêu cầu: kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro nhằm tạo động lực phát triển.

"Trước mắt cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và định giá đất ban đầu để đấu giá hoặc định giá đất trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Thực tiễn luôn vận động không chờ dừng, không chờ sửa đổi hay bổ sung luật. Do đó, chúng ta có thể ban hành nghị định, thông tư hoặc văn bản hướng dẫn tạm thời để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong thực tế, nếu không sẽ phát sinh hậu quả mới", ông Trí nêu ý kiến.

Đề cập việc vừa qua Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhưng buộc tội bằng pháp luật, có chương, có điều khoản cụ thể, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng, Kết luận số 14 cần tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa để đạt được mục đích đề ra. 

"Quy định 102 và các quy định pháp luật quy định rất nghiêm khắc dẫn đến tâm lý sợ oan sai, sợ bỏ lọt tội phạm sẽ tác động đến trách nhiệm của cán bộ thực hiện nhiệm vụ, kể cả trong cơ quan tư pháp", ông Trí cho biết thêm.

Các đại biểu dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.

Cho khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản

Nhấn mạnh quan điểm đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phức tạp, nhạy cảm, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng, cần đồng bộ trong quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm, thậm chí dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt được hiệu quả tốt hơn. Cụ thể là làm sao thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát, khắc phục hậu quả tốt hơn nữa, đồng thời tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm.

Viện trưởng Viện KSND tối cao kiến nghị Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương cho chủ trương, giao Ban Nội chính Trung ương, hoặc VKSND tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Làm như vậy sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự.

Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục, ông Lê Minh Trí cũng cho rằng, cần thiết xây dựng và ban hành luật đạo đức để giáo dục cả cộng đồng xã hội, không chỉ bằng biện pháp nêu gương, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên mà "phải giáo dục mọi người nhận thức được danh dự là điều thiêng liêng nhất trong đời người, để nhằm góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm tốt hơn".

Kim Anh (VOV.VN)

Tin mới