Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khởi kiện hàng loạt có giúp ông Trump ngăn đà thắng của đối thủ Biden?

(VTC News) -

Tổng thống Trump đang bất lợi hơn đối thủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhiều người quan tâm là chiến dịch pháp lý hiện nay liệu có đảo ngược tình thế?

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang dần đến hồi kết khi các bang còn lại gồm Pennsylvania, North Carolina, Georgia, Nevada và Alaska đang hoàn tất quá trình kiểm phiếu.  

Theo Fox News, đương kim Tổng thống Donald Trump tỏ ra bất lợi hơn đối thủ Biden. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden hiện có 264 phiếu đại cử tri, cần thêm 6 phiếu để thắng cử, trong khi ông Trump chỉ mới giành được 214 phiếu.

Cách biệt giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ trong cuộc kiểm phiếu đang diễn ra tại các bang chiến trường là cực kỳ sít sao. Việc kiểm phiếu hiện nay chủ yếu là đối với các phiếu được gửi qua thư.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khởi kiện hàng loạt

Hình thức bầu qua thư dường như đang gây bất lợi cho Trump khi những người Dân chủ chiếm phần lớn trong tổng số lá phiếu bầu qua hình thức này, trong khi số cử tri đảng Cộng hòa thích bầu trực tiếp hơn. Chính vì thế, càng về cuối quá trình kiểm phiếu ở các bang chiến trường, số phiếu bầu của ứng viên đảng Dân chủ đang tăng lên.

Trước viễn cảnh này, Trump và chiến dịch của mình nhận thấy sự thất thế ở chặng đua nước rút trong cuộc bầu cử năm nay. Nếu không hành động, ngồi chờ cho đến thời điểm các bang còn lại công bố kết quả e rằng Trump khó có hy vọng tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai.

Vì vậy, nhóm tranh cử của ông Trump đã đệ khởi kiện lên tòa án tại một loạt bang với hy vọng lật ngược tình thế, phản đối kết quả tại các bang chiến trường có thể quyết định kết cục cuộc đua Nhà Trắng.

Đến nay, nhóm tranh cử của ông Trump đã đâm đơn kiện lên các bang như Pennsylvania, Michigan, Georgia và Nevada, yêu cầu xem xét lại quy trình kiểm phiếu, yêu cầu ngừng kiểm phiếu ở những bang này.

Hôm 5/11, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng tất cả những bang mà ông Biden được cho là chiến thắng gần đây sẽ bị thách thức pháp lý vì "gian lận", khẳng định có "nhiều bằng chứng" và yêu cầu dừng kiểm phiếu.

Chưa biết chiến dịch pháp lý của Trump sẽ đi đến đây song mục tiêu của Trump đã phải nhận “gáo nước lạnh” khi thất bại tại hai bang Georgia và Michigan. Hôm 5/11, thẩm phán ở hai bang đã bác các đơn kiện của chiến dịch Trump.

Thẩm phán James Bass, một thẩm phán tòa án cấp cao ở Georgia, cho biết "không có bằng chứng" cho thấy các lá phiếu được đề cập là không hợp lệ. Trong trường hợp ở Michigan, Thẩm phán Cynthia Stephens nói: "Tôi không có cơ sở để thấy rằng tranh chấp này có khả năng thành công đáng kể”.

Cụ thể, trước đó, tại Georgia, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã nộp đơn cáo buộc 53 phiếu bầu gửi muộn được trộn lẫn với phiếu đúng hạn. Trong khi tại Michigan, họ cũng tìm cách dừng kiểm phiếu và muốn giành quyền tiếp cận vào quá trình này.

Chặng đường gian nan

Dù ông Trump và chiến dịch của mình đang nỗ lực đưa các bê bối liên quan đến bầu cử năm nay ra giải quyết tại tòa, quyết đòi lại các lá phiếu thông qua phán quyết của tòa. Thế nhưng, các chuyên gia dự báo cuộc chiến dịch pháp lý của Trump xem ra rất khó khăn, đối mặt nhiều thách thức.

Theo các chuyên gia, điều quan trọng là liệu chiến dịch tái tranh cử của ông Trump có đưa ra bằng chứng hữu hiệu để khởi động phiên tòa hay không. Vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phiếu bầu không hợp lệ, và phải mất nhiều thời gian trước khi vụ kiện đến được Tòa  án Tối cao.

Tòa án Tối cao là tòa phúc thẩm cuối cùng ở Mỹ, có toàn quyền quyết định những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án, phần lớn liên quan đến những vụ việc giải quyết còn nhiều tranh cãi tại các tòa án cấp dưới. Vì vậy, sẽ có rất nhiều việc phải làm tại các tòa án cấp bang trước khi vụ việc được phân xử tại Tòa án Tối cao.

Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump không có khả năng tạo ra tác động mang tính quyết định tới kết quả bầu cử. Phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ chỉ là phương tiện để ông Trump can thiệp vào kết quả của quy trình đếm phiếu hiện nay tại một số bang, từ đó hi vọng sẽ loại bỏ các phiếu không có lợi cho mình và do đó sẽ giành được thắng lợi với số phiếu cao hơn.

Trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ.

Như vậy, về hình thức, cử tri Mỹ sẽ là người quyết định ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ, không phải là tòa án. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, Các thẩm phán tại Tòa án Tối cao không phải là các chính trị gia và do đó những quyết định của họ phải có lý lẽ và luận cứ pháp lý.

Theo bạn, ứng cử viên nào sẽ trở thành Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây?

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, thẩm phán có thể ra một phán quyết trái với quan điểm chính trị của tổng thống nhưng lại phù hợp với pháp luật. Do đó, mặc dù có "lợi thế" về số thẩm phán "bảo thủ" (6-3 thẩm phán) so với số thẩm phán "cấp tiến" song cơ hội ông Trump ở Tòa án Tối cao là chưa rõ ràng.

Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần nói rằng ông mong đợi Tòa án Tối cao Mỹ, nơi có 3 thẩm phán do chính  ông bổ nhiệm, sẽ có vai trò quan trọng trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng. Ông Trump vừa qua đã liên tục thúc giục Thượng viện nhanh chóng xác nhận bà Amy Coney Barrett làm Thẩm phán Tối cao.

Phe ông Trump đang hy vọng kịch bản bầu cử năm 2000 sẽ lặp lại. Năm 2000, cuộc đua giành ghế Tổng thống giữa ứng viên George W. Bush và đối thủ Dân chủ Al Gore từng phải phân định ở Florida. Cuối cùng, Tòa tối cao Mỹ đã quyết định ủng hộ ông Bush trong một phán quyết được đưa ra 5 tuần sau Ngày Bầu cử.

Kông Anh

Tin mới