Cụ thể, bà Lan nhận định, kho nhôm "đội lốt" hàng Việt này không chỉ ảnh hưởng tệ hại đến ngành nhôm trong nước mà còn tác động xấu đến các hàng hoá khác. "Nếu không làm rõ vấn đề này, Việt Nam có thể bị coi là tiếp tay cho Trung Quốc xuất khẩu nhôm sang Mỹ để trốn thuế và được chia sẻ lợi ích. Điều này nếu xảy ra sẽ tác động xấu đến kinh tế Việt Nam. Nếu không điều tra rõ và giám sát chặt, Việt Nam có thể bị các nước "soi" và thậm chí có thể bị áp thuế trừng phạt trên diện rộng", bà Lan phân tích.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng nếu không điều tra rõ ràng Việt Nam có thể bị trừng phạt và thiệt hại nặng nề về kinh tế.
Theo bà Lan, thị trường nhôm tại Việt Nam tương đối nhỏ, để tiêu thụ hết được lượng hàng trên cần một thời gian dài và nếu đưa ra tiêu thụ trên thị trường nội địa cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến ngành này.
Nói về giải pháp xử lý 1,8 triệu tấn nhôm trên, bà Lan nêu ý kiến: "Tôi nghĩ biện pháp quan trọng bây giờ là bắt tái xuất lô hàng đó, việc này không khó vì ngay cả những container rác vô chủ còn có cách xử lý, đằng này lô hàng có địa chỉ, có người nhận rõ ràng. Ngoài ra, cần truy tận gốc đơn vị nhập khẩu, đăng ký đầu tư ra sao, xem họ có thực sự nhập về sản xuất hay không hay chỉ là khâu trung gian mua đi bán lại".
Cho rằng sự việc trên là đặc biệt nghiêm trọng, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: "Tổng cục Hải quan từng đưa ra cảnh báo đây là loại hình tội phạm hình sự mới, tuy nhiên trong luật của nước ta chưa có quy định rõ về tội này. Nhưng trước hết có thể phạt tiền, thậm chí cần xử lý hình sự nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng".
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 7/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thông tin về kho nhôm gian lận xuất xứ hàng hóa đã bị phát hiện từ năm 2016.
Ông Tuấn Anh khẳng định, doanh nghiệp do người Trung Quốc đầu tư và nhập rất nhiều nhôm đưa về khu kho ngoại quan và khu chế xuất để phục vụ xuất khẩu. Năm 2017, hoạt động xuất khẩu nhôm của doanh nghiệp này sang Mỹ và các thị trường khác được tiến hành tuy nhiên chưa có gì đột biến.
Mới đây, sau khi doanh nghiệp có những biến động bất thường, Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. "Do đó, xuất khẩu nhôm nguồn gốc Trung Quốc không đáng kể và không gây ra những vướng mắc đến vấn đề trong quan hệ thương mại quốc tế với Mỹ", ông Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết cơ quan chức năng sẽ giám sát chặt những hoạt động tại khu kho ngoại quan, đồng thời thực hiện áp thuế nhập khẩu đối với nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất tiêu dùng trong nước.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều ngày 5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, vấn đề lợi dụng xuất xứ hàng hóa là rất nghiêm trọng. Nếu thương hiệu Việt bị lợi dụng để xuất khẩu sang các nước khác thì các mặt hàng của Việt Nam sẽ bị áp thuế.
Bộ trưởng cho biết, nếu chúng ra cấp C/O dễ dãi không kiểm tra thì sẽ phải chịu hậu quả lớn. Cần nhìn nhận lại cách quản lý và cấp C/O, trước đây trong thời kỳ đầu của chiến tranh thương mại chúng ta đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục nhập khẩu.
Các cơ quan chức năng Việt Nam mới đây đã phát hiện lô hàng nguyên liệu với ước tính 1,8 triệu tấn nhôm, trị giá 4,3 tỷ USD có nguy cơ gian lận xuất xứ Việt Nam để sang Mỹ và các nước khác. Số nhôm trên thuộc Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, trụ sở tại khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Doanh nghiệp bị phát hiện có công nghệ, dây chuyền nhưng lại nhập khẩu mặt hàng nhôm thỏi, nhôm thanh, nhôm bán thành phẩm với trị giá lên tới hàng tỷ USD. Lý do được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết là nhôm Việt Nam xuất Mỹ chỉ chịu thuế khoảng 15%, trong khi nhôm Trung Quốc muốn sang thị trường này phải chịu thuế lên đến 374%.