Có thể nói 2022 là năm TikTok phát triển cực thịnh, trở mảnh đất màu mỡ để giới showbiz khai thác nhằm tăng phạm vi ảnh hưởng. Tài khoản của nghệ sĩ Việt xuất hiện như nấm sau mưa trên nền tảng này, kể cả những nghệ sĩ lớn tuổi. Không khắt khe về hình ảnh, phong cách, ngôn ngữ thể hiện, TikTok hấp dẫn nhiều nghệ sĩ vì họ thoải mái đáp ứng tiêu chí “độc, lạ, vui" để “đu trend” theo hàng loạt trào lưu đình đám. Tuy nhiên, sự lan toả quá nhanh này lại như con dao 2 lưỡi đối với nghệ sĩ.
"Bóp méo" nghệ thuật để theo xu hướng
TikTok đặt người dùng thông thường và nghệ sĩ vào môi trường cạnh tranh chung để tạo ra cuộc đua sáng tạo hấp dẫn, không chỉ giúp các nội dung được làm ra trở nên phong phú mà còn thu hẹp ranh giới giữa nghệ sĩ và fan, giúp họ xích lại gần hơn. Nhiều sao Việt coi đây là thời cơ vàng để thực hiện chiến lược tiếp cận nhóm khán giả thuộc thế hệ Z.
Sự bùng nổ và khả năng lan truyền bản nhạc nhanh chóng của TikTok khiến nhiều nghệ sĩ Việt chạy theo nó để quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, đây cũng chính là nơi khiến nhiều sản phẩm nghệ thuật bị bóp méo.
Trước khi TikTok bùng nổ, nghệ sĩ phải làm việc chăm chỉ và sáng tạo để tạo ra ca khúc, hòa âm và bản nhạc hoàn chỉnh, chất lượng. Quá trình đó có thể kéo dài một tháng hoặc nhiều tháng trời. Nhưng giờ đây, với TikTok, họ chỉ cần tạo ra clip 15 giây là đã có thể làm hài lòng khán giả; càng có lợi nếu giai điệu trong 15 giây đó thật sôi động, phù hợp để thực hiện vũ đạo.
Với xu hướng làm nội dung ngắn, các bài hát muốn thành công phải có giai điệu bắt tai. Điều này kéo theo sự lên ngôi của những sản phẩm được làm theo kiểu “mỳ ăn liền”, không được đầu tư một cách bài bản và hoàn chỉnh. Đó chỉ là những đoạn riêng biệt dễ "lên" thành xu hướng.
Ca khúc của Erik nổi lên nhờ TikTok nhưng cũng khiến anh vướng vào tranh cãi.
Nhiều ca sĩ có tên tuổi chạy theo xu hướng này để cho ra đời những ca khúc bắt kịp trend. Ca khúc Chạy về khóc với anh vốn được Erik phát hành với chất pop và không được khán giả đón nhận. Khi bản remix được lan truyền trên TikTok, ca khúc mới trở nên nổi tiếng. Kể từ đó, Erik sử dụng bản remix để biểu diễn.
Sau đó, ca khúc càng được biết đến nhiều hơn do được ghép vào câu nói tục tĩu của một hot TikToker. Tuy nhiên với Erik, sự gia tăng độ nổi tiếng này lại là tai vạ. Nam ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi khi khán giả hô theo những câu từ phản cảm này trong một chương trình lớn mà anh biểu diễn.
Tương tự, ngoài Sau lưng anh có ai kìa phiên bản ballad, Thiều Bảo Trâm tung thêm bản remix để bắt kịp xu thế. Cô cũng làm video vũ đạo dựa trên bản remix của ca khúc vốn chỉ để phát hành trên TikTok. Nhiều khán giả bày tỏ sự khó hiểu và ngán ngẩm khi một ca khúc buồn, đầy tâm trạng bỗng chốc biến thành bản nhạc sôi động cho khán giả nhún nhảy.
Và theo xu thế, hàng loạt ca khúc nhảm nhí ra đời như Tất cả đứng im của Ngô Kiến Huy, Ừ em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi hay Sashimi của Chi Pu... Tất cả đều có ca từ vô nghĩa, mục đích là để tạo trend trên TikTok.
Các ca khúc nhạc chế bị đánh giá là nhảm nhí của Lê Dương Bảo Lâm trở thành trào lưu trên TikTok.
Đoạn nhạc chế từng được Lê Dương Bảo Lâm hát từ năm 2019 bỗng trở nên nổi đình đám trên TikTok thời gian gần đây. Phần lời của ca khúc không chỉ vô nghĩa mà còn phá nát cảm xúc về bộ truyện tranh Doraemon gắn liền với tuổi thơ của biết bao nhiêu người. Đoạn nhạc chế hoàn toàn sai lệch so với nội dung của bộ truyện đến từ Nhật Bản.
Nhảm nhỉ là vậy nhưng trên TikTok, các clip cắt cảnh Lê Dương Bảo Lâm hát đoạn nhạc chế này đều có lượt xem rất cao, trung bình thu hút hàng trăm nghìn, thậm chí hàng chục triệu lượt xem. Với tốc độ lan truyền đến chóng mặt trên TikTok, đoạn nhạc chế dễ dàng gây sốt. Thậm chí nhiều người nổi tiếng còn thoải mái hát nhép miệng hay nhảy múa theo với mục đích kiếm view.
Một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội, nhất là người trẻ, chưa thực sự ý thức được tác hại của nhưng ca khúc, đoạn video nhạc nhảm nhí. Họ chỉ quan tâm đến tính giải trí mà bỏ qua nội dung vô nghĩa hay phản cảm. Điều đáng buồn là chính các nghệ sĩ - người có thiên chức sáng tạo và lan tỏa cái đẹp - lại là người lan truyền những sản phẩm vô bổ đó.
Nghệ sĩ "dựa hơi" TikToker
Ngoài việc dùng TikTok để quảng bá sản phẩm theo cách trên, nhiều nghệ sĩ tìm đến với hot TikToker để hợp tác. TikTok bùng nổ tạo nên một thực tế mà tréo ngoe, đó là sức thu hút của nhiều ngôi sao showbiz nhiều khi không bằng những người sản xuất nội dung khác. Để tận dụng thứ "quyền lực" này, không ít ca sĩ mời hot TikToker diễn xuất trong MV của mình. Nhiều đạo diễn mời hot TikToker đóng phim. Nhiều nhà sản xuất chi số tiền lớn để các TikToker nổi tiếng góp mặt trong game show, chương trình truyền hình thực tế…
Điều đáng nói là do không bị kiềm tỏa bởi các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về nội dung, thứ mà các hot TikToker lan tỏa nhiều khi là độc hại thay vì bổ ích. Cách đây không lâu, cái tên TikToker Nờ Ô Nô tràn ngập mặt báo sau khi đăng tải clip thể hiện thái độ miệt thị người nghèo. Nờ Ô Nô phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của công chúng.
Từ lùm xùm này, cư dân mạng cũng thể hiện sự bất bình khi nhận ra có những nghệ sĩ hợp tác với Nờ Ô Nô để tận dụng ảnh hưởng của anh ta trên TiKTok, chẳng hạn như Thu Minh. Họ đã sản xuất nhiều clip có nội dung: “Đột nhập nhà riêng của Thu Minh để review tô miến gà 30 triệu”; “Chi 400 củ để gặp ca sĩ Thu Minh và nghe chị hát”…
Thu Minh từng hợp tác với TikToker Nờ Ô Nô tai tiếng trong nhiều clip đăng tải trên TikTok.
Khi làn sóng tẩy chay Nờ Ô Nô diễn ra, ca sĩ Thu Minh lặng lẽ xóa hết những video hợp tác cùng Tiktokker này và không có phản hồi hay giải thích nào. Vì thế mà nữ ca sĩ đình đám bị nhiều khán giả phản ứng trên các diễn đàn mạng xã hội. Ngoài chuyện trách nhiệm nghệ sĩ, nhiều khán giả băn khoăn đặt câu hỏi vì sao Thu Minh là người rất nổi tiếng vẫn phải hợp tác với TikToker?
Thật ra, Thu Minh - một nghệ sĩ tên tuổi - vẫn chỉ là "gà mới" ở sân chơi thời thượng TikTok, nơi tụ họp phần đông giới trẻ và tỷ lệ lớn công chúng của ngành giải trí. Có lẽ vì vậy mà cô tìm cách hợp tác với những "tiền bối" ở nền tảng mạng xã hội này để có thể đến gần hơn với người dùng.
Bàn về mặt trái của việc nghệ sĩ chạy theo TikTok, ca sĩ Đoan Trường nói: "Hiện tại người dùng TikTok có 2 dạng. Người bình thường trở nên nổi tiếng gọi là hot TikToker và dạng thứ hai là nghệ sĩ dùng Tiktok. Bây giờ TikToker khi đi sự kiện, tham gia gameshow đều được xuất hiện ngang hàng với nghệ sĩ. Chính vì vậy, nghệ sĩ muốn chơi TikTok để bắt kịp xu hướng và có thêm lượng khán giả ở một nền tảng đang phát triển cực mạnh, ngoài ra họ còn có thêm thu nhập từ các nhãn hàng".
Đoan Trường là nghệ sĩ Việt hiếm hoi không sử dụng TikTok.
Về chuyện nghệ sĩ hợp tác với các TikToker, Đoan Trường cho rằng điều này rất hài hước. "Bên cạnh mặt tích cực thì TikTok đang tạo ra một thế hệ nhiều bạn trẻ ảo tưởng sức mạnh, làm mọi thứ để được nổi tiếng và kiếm nhiều tiền. Nguy hiểm hơn là nhiều nghệ sĩ vô tình tiếp tay cho điều này".
Theo anh, nghệ sĩ là người đã có sẵn danh tiếng, không cần thiết phải hợp tác với các TikToker chỉ để có thêm người hâm mộ. "Bỏ danh tiếng sẵn có chỉ để nhận thêm những cái like trên xã hội ảo, điều này rất buồn cười", nam ca sĩ chia sẻ.
Là một trong số ít nghệ sĩ Việt không sử dụng TikTok, Đoan Trường nói anh không muốn cuộc sống của mình bị phụ thuộc quá nhiều vào mạng xã hội. "Tôi không cần nổi tiếng trở lại nhờ TikTok và cũng không muốn đầu tư ê-kíp để sản xuất ra những sản phẩm chỉ để phục vụ kiếm tiền", Đoan Trường nói. Theo anh, chỉ nên xem TikTok là phương tiện quảng bá sản phẩm, không nên chọn nó làm môi trường chính để tạo xu hướng hay trào lưu trong nghệ thuật.