Chưa kịp nguôi cơn bàng hoàng chuyện cặp vợ chồng sắp cưới ở Thái Nguyên chết cùng đứa con đang lớn lên trong bụng do đâm phải ống cống chắn ngang đường, dư luận lại đau xót khi nhận tin cậu bé lớp 6 ở Đắk Lắk thiệt mạng do rơi xuống đường từ chiếc xe đưa đón học sinh đang chạy.
Hai vụ tai nạn thảm khốc liên tiếp xảy ra đều vì tính cẩu thả, bừa bãi của con người khi thực thi công việc. Thật không tin nổi nguyên nhân gây ra cái chết của nam sinh nói trên là do chiếc xe chở cháu và 29 học sinh khác của Trường THCS Ama Trang Lơng (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) bị quên đóng cửa. Vì thế, khi tài xế đánh lái bất ngờ để tránh xe khác, cháu H. văng xuống đường và bị bánh xe cán qua.
Hiện trường vụ xe đưa đón làm rơi học sinh gây tử vong ở Đắk Lắk ngày 2/11.
Không biết đây là lần thứ mấy, những chiếc xe đưa đón học sinh hất văng trẻ xuống đường. Cuối năm ngoái, chỉ trong vòng 4 ngày, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ. Ngày 26/11/2020, 3 cháu bé của Trường Tiểu học Phan Bội Châu, thành phố Biên Hòa văng mạnh xuống đường do cửa sau xe đưa đón bất ngờ bung ra khi tài xế vào khúc cua mà không giảm tốc độ. Ba ngày sau, 2 học sinh Trường Tiểu học Diên Hồng, huyện Trảng Bom rơi khỏi chiếc ô tô 16 chỗ đã hết hạn kiểm định.
Không chỉ quên chốt cửa hay dùng xe chưa kiểm định chở học sinh, người ta còn bỏ quên các em nhỏ trên xe. Tháng 8/2019, một cháu bé 6 tuổi ở Hà Nội vừa bước vào đời học sinh đã chết tức tưởi trên xe đưa đón, sau nhiều tiếng đồng hồ bị nhốt giữa tiết trời hè. Tài xế không nhận ra, người đón học sinh không biết thiếu người, và các cô giáo cũng không quan tâm đến sự vắng mặt của một học sinh để kiểm tra, tìm kiếm.
Cái chết chấn động ấy vẫn chưa đủ đánh động, thức tỉnh một số người làm công việc đưa đón trẻ. Hàng loạt vụ bỏ quên học sinh trên ô tô vẫn tiếp tục xảy ra. Ngày 9/9/2020, xe đón học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) bỏ quên một cháu bé đang ngủ, cô phụ trách tiếp nhận không kiểm tra nên không ai biết, cho đến lúc cháu tỉnh dậy, tự mở cửa xe để vào lớp. Tháng 6 năm đó, do tài xế không kiểm tra xe trước khi tắt máy, một học sinh Trường Tiểu học Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị bỏ quên do ngủ trên ô tô. Tỉnh dậy vì nóng, cháu bé đập cửa và được những người đi ngang qua “giải cứu”.
Điểm chung của tất cả những vụ việc vừa nêu là sự cẩu thả, vô trách nhiệm của người lớn khi làm việc, là biểu hiện một thói xấu nổi bật của người Việt: Coi thường kỷ luật và quy trình. Hậu quả là những tai nạn thảm khốc, những sự cố động trời xảy ra chỉ vì người ta lỡ quên, lỡ bỏ qua một chi tiết nhỏ, một khâu nhỏ trong quy trình làm việc: Quên đóng cửa, quên kiểm tra xe, bỏ qua việc đếm số học sinh, bỏ qua việc kiểm tra nguyên nhân học sinh vắng mặt…
Người ta có thể biện minh bằng sự đãng trí, hay giảm nhẹ với những từ “thiếu trách nhiệm”, “không cẩn thận”… Nhưng tất cả họ đều biết rõ sai một ly đi một dặm là điều có thể xảy ra, biết rõ đã có nhiều tấm gương tày liếp trong thực tế mà vẫn tắc trách, cẩu thả, bừa bãi, khiến bao đứa trẻ bị thương tích, mất mạng hoặc chí ít cũng trải qua chấn động tâm lý bởi trải nghiệm kinh hoàng.
Cẩu thả trong những trường hợp này là coi rẻ mạng người, là tội ác.
Thông tin cái chết của em học sinh lớp 6 ở Đắk Lắk ngày 2/11 khiến nhiều cư dân mạng phải đau xót và phẫn nộ kêu lên: Người ta cứ đùa với tính mạng trẻ em mãi như vậy sao, và đến bao giờ nữa? Bao giờ thì người Việt thấm nhuần các quy tắc an toàn trong những công việc liên quan đến sinh mạng, để không bỏ sót một khâu nào trong quy trình làm việc? Nếu luôn tự đặt mình vào vị trí của người không được phép sai sót, như anh kỹ sư chỉ cần quên kiểm tra một con ốc cũng có thể khiến hàng trăm hành khách trên máy bay tử nạn, thì sẽ không bao giờ có những cái tặc lưỡi hại người.
Tôn trọng quy trình là một tiêu chí của sự chuyên nghiệp. Người ta nói nhiều về chuyện làm việc chuyên nghiệp để đưa đất nước thành cường quốc về kinh tế, nhưng đừng quên rằng trước hết, chuyên nghiệp là để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng con người.
Phải có hình phạt nghiêm khắc, truy tố ra tòa đối với những kẻ phó mặc mạng sống của người khác, đặc biệt là trẻ em, cho sự cẩu thả, bừa bãi của mình, đồng thời truy cứu trách nhiệm của những người có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát họ.
Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.