Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khát vọng lên bờ của người dân làng chài hồ thủy điện đẹp nhất Tây Nguyên

(VTC News) -

Hơn một thập niên qua, người dân làng chài thủy điện Đồng Nai 3 vẫn mơ có một mảnh đất "cắm dùi" để không phải sống đời lênh đênh, phiêu bạt trên sông nước.

Ròng rã 10 năm qua đi, ngày tiếp ngày vẫn lặng lẽ, hai buổi bám thuyền, vật lộn trên sông nước để kiếm kế sinh nhai, gần 30 hộ dân làng chài sống tại lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) mong mỏi có được “mảnh đất cắm dùi” để an cư lạc nghiệp, con cái có điều kiện học hành đến nơi đến chốn.

Chòng chành sông nước

Một ngày đầu năm, trong cái nắng cháy da cháy thịt, chúng tôi tìm tới làng chài hồ Thủy điện Đồng Nai 3, nơi người dân dành phần lớn thời gian lênh đênh trên mặt nước, thả lưới, giăng câu, kéo vó kiếm kế sinh nhai.

Sau gần 1 tiếng vừa đi ghe vừa trò chuyện, làng chài Đồng Nai 3 đã hiện ra sau những con sóng nhấp nhô. Làng chài hồ Thủy điện Đồng Nai 3 nằm trọn vẹn trên mặt nước của Vườn Quốc gia Tà Đùng. Từ đầu năm 2010, khi nơi đây bắt đầu tích nước làm thủy điện, hàng chục hộ dân từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thậm chí từ Campuchia về tụ hội lại để mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản.

Một góc làng chài trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3. (Ảnh: Hiển Mi)

Trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà tạm bập bềnh trên những thùng phuy sắt ghép lại, những chiếc ghe bé tẹo chở cả mấy thế hệ, vừa là nơi ở, nơi sinh hoạt và là phương tiện kiếm sống suốt chục đời người.

Những người đàn ông ngụ cư với nước da đen cháy cảnh giác nhìn, bên cạnh là người phụ nữ vừa thoăn thoắt sửa lưới vừa ném cho chúng tôi những cái liếc vội vã rồi lại cắm cúi làm. Lũ trẻ thì trần truồng cùng ánh mắt non nớt, long lanh nhìn chằm chằm vào mấy vị khách chẳng quen.

Thấy có người tới thăm, ông Nguyễn Văn Huấn đon đả mời chúng tôi vào tiếp chuyện. Người đàn ông 71 tuổi, quê ở Tây Ninh này là một trong những nhân khẩu đầu tiên của làng chài trên hồ thủy điện Đồng Nai 3.

Nhắc nhớ về ngày xưa cũ, ông Huấn cho biết do cuộc sống khó khăn nên cả gia đình ông phải dắt díu nhau đi khắp nhiều tỉnh thành khác nhau để kiếm sống. Lang bạt hết tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, sau đó cả gia đình ông trôi dạt đến lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 dựng bè mưu sinh cho đến nay.

Ngần ấy năm, cả gia đình ông Huấn sống phụ thuộc hoàn toàn vào đánh bắt cá. Ông Huấn cho biết, nếu trước đây, ông thường xuyên đánh được cá to, nặng hàng chục ký thì hiện nay, nguồn lợi thủy sản ở khu vực này đang giảm, khó đánh được cá “khủng” như trước.

Vừa nói ông Huấn vừa chỉ tay về phía những căn nhà nổi vắng bóng người rồi rầu rĩ: “Cả năm nay vất vả, ai cũng tranh thủ những ngày dịch bệnh lắng xuống để kiếm thêm thu nhập, mong sao có thêm đòn bánh tét, gói quà hoặc bộ quần áo mới cho con trẻ. Bây giờ, nhà nào cũng vắng cả bởi vì họ đi làm từ sáng sớm đến tận tối muộn mới về. Người thì lên bờ làm rẫy thuê, người thì đi đánh bắt cá tận Di Linh (Lâm Đồng)”.

Tranh thủ những giờ rảnh, ông Huấn lại giảng bài cho Mua, Mua năm nay học lớp 1. (Ảnh: Hiển Mi)

Không những phải chật vật mưu sinh mà sự nghiệp học lấy “con chữ” của những đứa trẻ trên làng chài này cũng nan giải không kém. Những lúc rảnh rỗi, ông Huấn tranh thủ dạy cho cháu nội học chữ. Cháu ông tên là Nguyễn Văn Mua, Mua năm nay học lớp 1. Hằng ngày, để đến trường gần trung tâm xã Đắk Som, Mua cũng như các anh chị cùng trang lứa phải nhọc nhằn vượt gần 10 km mặt nước và 10 km đường bộ.

“Nhìn cháu đi học về mồ hôi nhễ nhại, áo quần lấm lem thấy thương nhưng mà biết làm sao được. Người làm ông, làm bà như chúng tôi thì chỉ hy vọng con cháu cố gắng học được lấy cái chữ”, ông Huấn tâm sự.

Góp vào câu chuyện mưu sinh trên lòng hồ thủy điện với chúng tôi còn có chị Nguyễn Thị Nguyệt. Người phụ nữ 46 tuổi, quê ở miền Tây với gương mặt vẫn chưa hết vẻ nhợt nhạt, ngái ngủ sau một đêm đi cất vó bắt cá tạp và là một trong những nhân khẩu đầu tiên của làng chài hồ thủy điện Đồng Nai 3.

Với số tiền bán cá khô ít ỏi, đủ để gia đình chị Nguyệt duy trì cuộc sống hàng ngày. (Ảnh: Hiển Mi)

Chị Nguyệt cho biết, hàng ngày, chồng và con trai của chị lên bờ làm rẫy, chỉ có chị và con gái ở nhà. Nếu có cá thì mang lên bờ bán, còn phần lớn thời gian là may vá lưới hoặc đi bắt cá tạp. Với số tiền bán cá khô ít ỏi, đủ để gia đình chị duy trì cuộc sống hàng ngày. Còn khách du lịch thì lâu lắm mới có vài người tới thăm.

Dịch bệnh cũng khiến sản lượng cá bán ra bị ảnh hưởng trầm trọng, lượng cá bán ra không thấm vào đâu, thu nhập của gia đình cũng vì thế mà giảm đi đáng kể. “Năm nay dịch bệnh quá, cá không có ai mua. Đã đến ngày xuất bán nhưng vài chục tấn cá vẫn còn trong bè, chúng tôi cũng không biết làm cách nào”, chị Nguyện buồn bã.

Khao khát lên bờ

Hơn một thập niên qua, người dân làng chài thủy điện Đồng Nai 3 vẫn chỉ mơ có một mảnh đất "cắm dùi". Họ mong mỏi có một nơi cố định sinh sống, để không còn phải tránh trú mỗi khi bão về, không phải sống đời lênh đênh.

Đó cũng là mơ ước của bà Nguyễn Thị Thành (66 tuổi), đang sống với chồng trên hồ thủy điện Đồng Nai 3. Từng có nửa cuộc đời sống trên mặt nước Biển Hồ (Campuchia), sau đó mới dạt về lòng hồ này từ đầu năm 2013 nhưng người phụ nữ làng chài cũng phải xót xa cho rằng chưa năm nào nhiều biến động, xáo trộn như năm vừa qua.

Bà Thành và nhiều người dân làng chài mong mỏi sẽ sớm được định cư trên bờ, cuộc sống ổn định hơn. (Ảnh: Hiển Mi)

Cả cuộc đời lấy ghe làm nhà, khó khăn vất vả cũng đã nếm trải quen, nay, nhìn lại quãng đường khó khăn ấy, chúng tôi chỉ mong con cháu sớm được lên bờ để an cư, ổn định việc học hành. 

Vừa lau dọn bàn thờ của bố mẹ, bà Thành vừa ngậm ngùi: “Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chén cơm của vợ chồng tôi mà ước nguyện được đưa mộ phần bố mẹ từ Campuchia về Việt Nam cũng không thể thực hiện”.

Song xen lẫn vào những nỗi buồn đó là nụ cười ánh lên sự hy vọng trên gương mặt của vợ chồng bà Thành về những tháng ngày sắp tới. Bởi sau bao năm sống dập dềnh trên mặt nước, trôi dạt khắp nơi, mới đây, bà Thành cùng chồng đã được thực hiện quyền công dân khi trực tiếp được đi bầu cử.

Bà Thành cho biết, sau bao năm làm lụng vất vả, con trai út của bà đã chi tiêu dè sẻn và dành dụm mua được một mảnh đất nhỏ tại xã Đắk Som và cả nhà đã được cấp hộ khẩu.

Cả đời sống trên mặt nước, nên bà Thành chỉ mong mỏi những ngày tới sóng yên, bể lặng, dịch bệnh được khống chế để làm ăn, kiếm tiền dựng nhà dựng cửa. “Cả cuộc đời lấy ghe làm nhà, khó khăn vất vả cũng đã nếm trải quen rồi, nay, nhìn lại quãng đường khó khăn ấy, chúng tôi chỉ mong con cháu sớm được lên bờ để an cư, ổn định việc học hành. Có nhà cửa vững chắc, bố mẹ bọn trẻ đi làm cũng yên tâm, không lo cảnh con cái bơ vơ trên thuyền”, bà Thành mong mỏi.

Nếu được định cư trên bờ, con đường học lấy "con chữ" của Mua và các bạn của mình sẽ thuận lợi hơn. (Ảnh: Hiển Mi)

Chúng tôi rời khỏi làng chài khi đã nhập nhoạng tối, những chiếc thuyền ra khơi từ sáng sớm vẫn chưa trở về. Những đứa trẻ nháo nhác ngồi trước nhà tạm chờ bố mẹ. Hy vọng rằng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, một ngày không xa, người dân xóm chài trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 sẽ có cuộc sống ổn định trên bờ. Những đứa trẻ sẽ không còn lo ngã nước, không còn phải lênh đênh trên thuyền, nay đây mai đó với bố mẹ và chúng rồi sẽ được ăn học đàng hoàng hơn.

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, dù có tạm trú tại xã nhưng số hộ dân này không ổn định, khi thì ở khu vực Đắk Som, khi thì qua địa phận Lâm Đồng đánh bắt cá. Chính vì vậy, thời gian qua, địa phương liên tục theo dõi, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của người dân để có phương án hỗ trợ ổn định cuộc sống.

“Ngoài việc bảo đảm các quyền lợi tối thiểu cho người dân như cấp giấy khai sinh, cấp hộ khẩu và căn cước công dân thì mỗi dịp lễ, tết, chính quyền địa phương đều có phần quà hỗ trợ, động viên tinh thần các hộ dân đang sinh sống tại đây”, ông Đoàn Văn Phương cho hay.

HIỀN MAI

Tin mới