Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khắp nơi sạt lở kinh hoàng, vùi lấp nhiều người: 'Đừng mãi đổ lỗi cho thiên tai'

(VTC News) -

Chuyên gia cho rằng, việc phá rừng tự nhiên, chuyển đổi đất rừng xây dựng công trình, phạt núi làm đường là nguyên nhân dẫn đến sạt lở, chứ không phải do thiên tai.

Mới bắt đầu vào mùa mưa bão nhưng trên cả nước liên tục xuất hiện tình trạng sạt lở khiến gần 20 người thiệt mạng, hàng chục tuyến đường bị chia cắt, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân.

Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào đầu giờ chiều 30/7, vùi lấp 3 cán bộ cảnh sát giao thông và một người dân. Sau vụ sạt lở kể trên, một số khu vực khác của tỉnh Lâm Đồng cũng xuất hiện điểm sụt lún.

Chiều 4/8, ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết sạt lở đất trên địa bàn thời gian qua có nguyên nhân do mưa tác động nên nền đất yếu. Tuy nhiên, yếu tố con người, quản lý không được nhắc đến.

Hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng khiến 3 chiến sĩ CSGT và một người dân thiệt mạng. (Ảnh: TTXVN).

Mưa lớn đã kích hoạt "quả bom nổ chậm"

Trả lời PV VTC News về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá đây là một nhận định sai lầm của tỉnh Lâm Đồng.

"Đừng đổ lỗi cho trời mưa lớn vì vùng Đà Lạt, Lâm Đồng vốn dĩ nhiều mưa trong mùa này. Mưa lớn không phải nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở, nó chỉ đang kích hoạt quả bom nổ chậm", ông Hồng nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, có hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở, sụt lún đồi núi ở Tây Nguyên trong thời gian qua.

Thứ nhất, tình trạng chuyển đổi đất rừng sang trồng cây lâu năm, phá rừng làm đất ở, xây nhà cửa, công trình... Thứ hai là việc phạt núi làm đường, thiết kế độ dốc không hợp lý cũng gây sạt lở đất, đá về mùa mưa.

"Những điểm sạt lở ở Tây Nguyên phần lớn đều không còn rừng nguyên sinh. Thay vào đó là đồi núi trơ trọi hoặc lưa thưa vài cây lấy gỗ, cây ăn quả. Những loại cây này có vòng đời ngắn, dưới gốc chưa kịp hình thành thảm thực vật đã bị chặt hạ", PGS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Ông Hồng cho hay, việc phá rừng ở Tây Nguyên để trồng cây lấy gỗ và cây ăn quả sẽ gây hậu quả khôn lường đã được ông cảnh báo từ hàng chục năm trước, khi đang đương nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Theo ông Hồng, rừng cây ăn quả, rừng cao su, rừng cà phê chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế và che bóng mát, chứ ít tác dụng ngăn lũ lụt, sạt lở đất, đá. Chỉ rừng tự nhiên mới có thảm thực vật dày từ 50cm đến 1m để thấm nước, giữ nước.

 

Phá rừng tự nhiên, đất không thấm nước dẫn đến lũ lụt. Nhiều vùng đất yếu dễ bị nước lũ làm nhão ra khiến sạt lở, sụt lún. Vậy nên đừng đổ lỗi cho thiên tai, đừng đổ lỗi cho thiên nhiên biến động, nói cho cùng con người đã tạo ra sự biến động.

GS.TS Vũ Trọng Hồng

Nhiều ý kiến cho rằng mất rừng tự nhiên thì có thể trồng lại, ông Hồng nhận định quan điểm này thể hiện sự thiếu hiểu biết về rừng tự nhiên bởi rừng trồng phải mất 50 năm mới khôi phục lại được thảm thực vật để giữ nước.

"Phải mất nửa thế kỷ lá rừng rụng xuống, hình thành thảm thực vật dày 1m thì mới giữ được nước. Còn nếu rừng mất lớp mùn, thảm thực vật, nước sẽ trôi tuột đi tạo thành lũ gây sạt lở đất, đá", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 5/8, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trượt lở sườn đồi, núi là do tác động của con người.

"Những sườn núi, đồi tự nhiên có hiện tượng phong hóa, đất đá vẫn bị trượt lở từ từ. Khi chúng ta cần không gian để phát triển, các hoạt động thay đổi bề mặt như chuyển đất rừng thành đất trồng cây, san gạt đất để làm nhà, làm đường, xây dựng các hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện... làm thay đổi cấu trúc bề mặt, tạo nên nguy cơ sạt lở, trượt lở. Nhất là khi trời mưa kéo dài thì nguy cơ sạt lở sườn đồi, núi càng lớn hơn", ông Lê Công Thành nói.

Tác động tự nhiên càng nhiều, hậu quả càng lớn

PGS.TS Trần Tân Văn - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, các hoạt động của con người như làm đường, nhà, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện… khiến cho các sườn dốc đồi, núi bị mất chân.

"Khi đó, cấu trúc đất thay đổi, nếu mưa lớn, nguy cơ sạt lở sẽ lớn hơn. Việc sạt lở đất, đá ở Tây Nguyên những ngày vừa qua phản ánh rất rõ điều này", ông Văn nói.

Theo ông Trần Tân Văn, những đợt mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa chính là yếu tố kích hoạt gây sạt trượt, nứt đất trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Văn phân tích, độ ổn định sườn dốc thường do 3 nhóm yếu tố quyết định. Thứ nhất là hình thái sườn dốc, đó là độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng… Thứ hai là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc.

"Ví dụ ở các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá huỷ kết cấu khi bão hòa nước, có thể xếp vào loại đất "có vấn đề". Đặc biệt là các sườn dốc nhân tạo như những nơi phải đổ đất, đắp lên, đầm chặt để tạo thành nền đường, thì lại càng dễ bị trượt sạt", ông Văn nói.

Yếu tố thứ ba tác động đến độ ổn định sườn dốc là nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói "nước là kẻ thù của sườn dốc". Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt.

PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, trượt lở, sụt lún khi mùa mưa đến là chuyện thường xuyên và hầu như năm nào cũng phải đối mặt. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, hệ quả của hiện tượng này cực kỳ nghiêm trọng.

Trước các vụ sạt lở tại Lâm Đồng, chúng ta vẫn chưa quên thảm họa Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế) hồi tháng 10/2020 làm 13 chiến sĩ hy sinh, cùng nhiều công nhân thiệt mạng.

"Điều đó cho thấy, khi con người tác động vào tự nhiên càng nhiều thì chính chúng ta phải gánh những hậu quả càng lớn, do tự nhiên phản ứng lại. Hoạt động nhân sinh ngày càng nhiều và có thể nói ở mức độ chưa kiểm soát tốt, thậm chí là mất kiểm soát", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản nhìn nhận.

Đáng chú ý, theo ông Văn, hiện tượng sạt trượt, xói lở không chỉ xuất hiện ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên mà hiện nay đã xuất hiện tại đồng bằng.

Cụ thể, ngày 4/8, khoảng 10 chiếc ô tô đỗ ở tuyến đường bê tông tại thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bất ngờ bị bùn đất vùi lấp. Thời điểm xảy ra sự việc, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài.

Trong quá trình nghiên cứu trước đây, PGS.TS Trần Tân Văn nhận thấy, nền địa chất của huyện Sóc Sơn khá tốt, địa hình cổ, đồi núi thoải, thảm thực vật tốt.

"Tuy vậy, việc xây dựng nhà cửa, khu nghỉ dưỡng với cường độ và mật độ cao rào chắn, xây be mọi hướng, nước chỉ còn một đường thoát duy nhất. Khi mưa lớn, nước dồn vào con đường độc đạo đó, kéo theo cả các loại đất đá chất đống trong quá trình xây dựng tạo nên hiện tượng vừa qua", vị chuyên gia nói.

Cũng theo ông Văn, nếu việc phá thảm thực vật, xây dựng các công trình dân sinh tiếp tục diễn ra, không loại trừ khả năng khu vực này sẽ xuất hiện sạt lở, lũ quét, ngập lụt…

Homestay, khu nghỉ dưỡng vây kín điểm sạt lở ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). (Ảnh: Ngô Trần).

Cần phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở 

Trả lời về các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, giai đoạn 2012-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chủ trì thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". 

Ông Văn thông tin, đề án đã điều tra, đánh giá nhằm xây dựng hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở cho nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lâm Đồng, Đắk Nông. Tuy nhiên, hiện tại đề án này đã dừng, có lẽ là để điều chỉnh lại việc tổ chức thực hiện.

"Về lâu dài, cần tiếp tục triển khai đề án này, kết quả của đề án cung cấp cho các địa phương những thông tin hữu ích về hiện trạng trượt lở, nguy cơ trượt lở cao có thể xảy ra ở đâu... Từ đó làm cơ sở cho việc xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, lên phương án di dời người dân đến chỗ an toàn", PGS.TS Trần Tân Văn nói.

Một giải pháp khác được nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đề cập là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng. 

Ông Văn lưu ý, các dự án làm đường thường để xảy ra tình trạng này, vì thế ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc nhân tạo cẩn thận, có tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.

Mưa lớn ở Mù Cang Chải (Yên Bái) gây sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến các tuyến đường giao thông.

Còn theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, trượt về địa chất có từ xưa, nhưng khi đó ít trượt lở do có nhiều rừng nguyên sinh. Còn giờ đây, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần trượt lở mạnh, lũ ống, lũ quét để có những giải pháp phòng, tránh hậu quả đáng tiếc như đã diễn ra thời gian qua.

Ông Hồng cho rằng, thực trạng "đất chật người đông" nên không thể tránh khỏi việc con người tác động vào thiên nhiên để xây dựng nhà ở, đường sá... Vì vậy, khi xây dựng cần giảm độ mái dốc xuống và có biện pháp chống trượt tại những điểm trượt cụ thể.

"Có nhiều biện pháp chống trượt từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản nhất là giảm độ dốc và trồng cây. Trồng cây có thể giữ đất khỏi trôi trượt nhưng cần chọn các loại cây bám rễ sâu xuống đất xuyên qua lớp phong hóa mới giữ được", ông Hồng nói.

Ngoài ra, theo nguyên Thứ trưởng Vũ Trọng Hồng, thời gian tới, cơ quan chức năng cũng phải đánh giá tác động của việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên thành đất trồng cây lâu năm.

Anh Văn

Tin mới