Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất vùi lấp nhiều người, xé toạc đường sá

(VTC News) -

Những ngày qua, các vụ sạt lở đất đá, sụt lún liên tiếp xảy ra tại các địa phương từ Bắc vào Nam, gây thiật hại nặng nề về người và tài sản.

Sạt lở ở Lâm Đồng khiến nhiều người thiệt mạng

Lúc 14h30 ngày 30/7, nhận được thông tin khu chốt đèo Bảo Lộc (khu vực nằm giữa đèo Bảo Lộc) có hiện tượng sạt lở, một số chiến sỹ thuộc trạm CSGT Madanguoi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đã trở về chốt CSGT đèo Bảo Lộc để cùng người dân di dời phương tiện, trang thiết bị.

Trong lúc đang làm nhiệm vụ, hàng chục khối đất đá sạt lở đổ xuống vùi lấp 3 chiến sỹ CSGT và một người dân.

Hiện trường vụ sạt lở khiến 3 CSGT và 1 người dân thiệt mạng. (Ảnh: Vietnamnet).

Hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, nhân viên cứu hộ cùng hàng chục máy xúc, máy ủi hạng nặng được điều động khẩn trương bới đất tìm người. Mưa nhiều gây khó khăn cho công tác cứu nạn.

Tối cùng ngày, thi thể 3 cán bộ, chiến sỹ đã được tìm thấy. Trưa 31/7, nạn nhân còn lại trong vụ sạt lở đất cũng được đưa ra khỏi hiện trường.

Đáng nói, đây không phải vụ sạt lở đất nghiêm trọng đầu tiên trong mùa mưa năm nay. Tại TP Đà Lạt, đến nay đã ghi nhận 13 vụ, trong đó vụ sạt lở tại tại phường 10, TP Đà Lạt rạng sáng 29/6 cướp đi sinh mạng của 2 người, khiến 5 người khác bị thương.

Cụ thể, khoảng 3h sáng 29/6, tại hẻm 36 đường mới Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) xảy ra vụ sập taluy do mưa lớn làm sập một ngôi nhà, một ngôi nhà bị nghiêng và một ngôi nhà bị vỡ tường. 

Hai công nhân ngủ lại để trông coi công trình bị vùi lấp cặp vợ chồng bà N.T.H.V (SN 1978) và ông P.K (SN 1976), trú tại huyện Hòa Phú, tỉnh Phú Yên. Đến trưa 29/6, thi thể của hai người này được tìm thấy.

Vụ sạt lở sạt lở khiến 2 vợ chồng tử vong ở Đà Lạt.

Ngoài ra, tại thời điểm xảy ra sạt lở, trong ngôi nhà bị nghiêng có 5 người đang ở, 3 người kịp thoát ra ngoài, 2 người bị mắc kẹt.

Đến 4h30 cùng ngày, nạn nhân được lực lượng chức năng giải cứu ra ngoài và đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cứu chữa, điều trị.

Đá rơi trúng ô tô, 4 người may mắn thoát chết

Lúc 8h45 ngày 4/8, xe ô tô mang BKS 26A-052.81 do ông L.H.H. (trú tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La) điều khiển trên Quốc lộ 6. Đến Km128+750 (địa phận xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, Hoà Bình) thì gặp sạt lở, tảng đá lớn nặng hàng tấn từ trên cao lăn xuống rơi trúng xe.

Tại hiện trường, phần đầu ô tô bị đá đè biến dạng, kính sau vỡ và xe bị đẩy sát vào dải hộ lan ven đường.

Ông L. và 3 người khác ngồi trong xe may mắn không bị thương.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 6.

Nhận thông tin, Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình điều động cán bộ, chiến sỹ của Trạm CSGT Tân Lạc tiếp cận hiện trường, phân luồng, phối hợp với các đơn vị dọn đất đá, đảm bảo giao thông trên tuyến.

Đại diện Phòng CSGT Công an tỉnh Hòa Bình khuyến cáo người tham gia giao thông, hiện trên tuyến đường qua địa bàn có mưa, gây hạn chế tầm nhìn và nguy cơ xảy ra sạt lở. Người điều khiển phương tiện cần đi đúng tốc độ, giữ khoảng cách, đi đúng phần đường, làn đường...

Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, lực lượng chức năng hoặc người dân có biện pháp cảnh báo thì tài xế cần tuân thủ, tuyệt đối không cố tình vượt qua để tránh hậu quả đáng tiếc.

Loạt ô tô bị vùi lấp sau trận mưa lớn ở Hà Nội 

Cũng trong ngày 4/8, mưa lớn kéo dài khiến nước lũ cuốn theo bùn đất, tràn về khu vực gần hồ Ban Tiện, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, khiến nhiều ô tô đỗ ven đường bị mắc kẹt.

Sự việc không gây thiệt hại về người. Hơn 10 ô tô bị bùn đất vùi lấp xung quanh thân xe, không thể di chuyển. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã tới kiểm tra, đặt các biển cảnh báo, xúc bùn đất để giải phóng đường đi.

Một chiếc Mercedes bị bùn đất lấp gần hết mặt ca lăng.

Trả lời PV VTC News, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, thông tin "nhiều ô tô chìm trong bùn do lũ quét" là không chính xác.

"Ở đây không có lũ quét, cũng không có lũ ống. Đây là mưa theo quy luật nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ trũng, là chuyện bình thường theo quy luật tự nhiên", đại diện UBND huyện Sóc Sơn nói.

Theo vị này, Minh Phú là xã ở trong rừng, có địa hình dốc, đường đất đỏ. Những ngày qua, địa bàn có mưa lớn nên kéo theo đất, đá, sỏi chạy theo. 

"Đường yếu về cốt nên xe ô tô di chuyển bị trơn trượt, sa lầy. Huyện đã nhắc nhở người dân hạn chế đi lại, du khách không nên tới khu vực này. Vụ việc không gây thiệt hại về người, tài sản, không ảnh hưởng đến đời sống người dân", đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho hay.

Vị này cũng cho biết thêm, khu vực trên không phải nơi nghỉ dưỡng, hoàn toàn thuộc đường giao thông nội bộ của xóm. Chính quyền đang khắc phục để người dân không bị ảnh hưởng.

Nhiều địa phương ở Đắk Nông xuất hiện vết nứt đất lớn 

Đắk Nông đang đối mặt với những trận mưa kéo dài, lượng mưa đo được từ 186-213 mm. Sau mưa lũ, hàng loạt công trình như đường sá, công trình thủy lợi, hồ chứa nước ở Đắk Nông bị hư hỏng nặng. Những công trình đã bị lún nứt từ nhiều ngày trước đang có nguy cơ sạt lở, lún nứt lan rộng hơn.

Đoạn Quốc lộ 14 đoạn qua phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa bị lún nứt cách đây 3 hôm. Trong chiều 4/8, những vết nứt đã rộng hơn nhiều và đang có chiều hướng lan ra rộng hơn khiến toàn bộ một làn đường của quốc lộ này phải ngừng hoạt động. Chính quyền địa phương đã phải phân công lực lượng ra túc trực để điều tiết giao thông.

Cơ quan chức năng lập rào chắn, ngăn người dân qua lại khu vực nứt ở Quốc lộ 14.

Tại công trình hồ chứa nước Đắk N'Ting, huyện Đắk Glong, một vết nứt dài khoảng 500 m ngay gần hồ vừa xuất hiện đã khiến bê tông bề mặt đập bị bẻ gãy nát.

Hồ thủy lợi Đắk N'Ting đang trong quá trình chờ nghiệm thu, tuy nhiên hồ đang tích lượng nước khá nhiều. Một vết nứt dài chạy dọc theo sườn núi dồn xuống đã khiến toàn bộ thành cầu và mặt cầu bê tông bị vỡ nát. Nếu những ngày tới tiếp tục có mưa thì nguy cơ vỡ đập hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngoài ra, nhà cửa của các hộ dân xung quanh hồ chứa nước này cũng có hiện tượng bị nứt gãy nền nhà. Ngay sau đó, UBND huyện Đắk Glong di dời hơn 30 hộ dân, cùng vật nuôi, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm ở hạ lưu đập thủy lợi.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đắk Nông, trong những ngày qua, mưa lớn trên địa bàn Đắk Nông đã gây ra tình trạng ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều huyện và thành phố như Gia Nghĩa, Tuy Đức, Đắk Glong, Đắk R'lấp, Đắk Song.

Mưa lũ "nuốt" gần nửa mặt đường ở Lai Châu

Ảnh hưởng của đợt mưa lớn từ ngày 31/7 - 3/8 khiến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên tuyến Quốc lộ 4H đoạn Pắc Ma, huyện Mường Tè (Lai Châu) đi huyện Mường Nhé (Điện Biên) bị hư hỏng nặng nề.

Tại Km198+289 Quốc lộ 4H (địa phận bản Tè Xá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, Lai Châu), mưa lớn kéo dài gây lũ lớn trên suối Nậm Ma. Mực nước dâng cao, dòng chảy xiết, lưu lượng nước đổ về rất lớn gây sạt lở taluy âm vào 1/2 mặt đường nhựa dài khoảng 50 m, sâu 25 m.

Hiện trạng sạt lở tại Km198+289 Quốc lộ 4H, địa phận bản Tè Xá.

Ngay sau khi xảy ra sạt lở, Sở Giao thông Vận tải Lai Châu chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương điều động nhân công, máy móc đến hiện trường để rào chắn, cảnh báo, phối hợp với lực lượng thanh tra gia thông trực gác, hướng dẫn giao thông; chỉ đạo đơn vị tư vấn đến hiện trường để đo đạc, khảo sát, lập phương án khắc phục.

Chiều 4/8, tại hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí, ông Nguyễn Hà Lộc - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 7 tháng đầu năm, ảnh hưởng thời tiết cực đoan khiến địa phương thường xảy ra mưa lớn, lốc xoáy và sạt lở khiến 9 người tử vong; hư hỏng 235 căn nhà, 283 ha cây trồng, 210 m đường giao thông… Ước tính thiệt hại hơn 23 tỷ đồng.

Ông Lộc thông tin, mùa mưa ở địa phương diễn ra từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình ghi nhận là 1.750-3.150 mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Chẳng hạn, năm 2021 tổng lượng mưa đạt 2.102 mm; năm 2022 đạt 2.251 mm, còn 7 tháng đầu nay lượng mưa đạt 1.219 mm. Trong các huyện, thị xã và thành phố, Đà Lạt và Bảo Lộc là hai địa phương có lượng mưa rất cao với lượng mưa từ 100mm-190 mm/ngày.

Mặt khác, Lâm Đồng cũng là tỉnh có địa hình đồi núi, độ cao trung bình 200-1.500 m so với mực nước biển với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa… có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50%). 

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, với đặc điểm này, kết cấu đất yếu, mỗi khi mưa lớn kéo dài dẫn tới nguy cơ sạt trượt đất rất cao, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến địa phương xảy ra nhiều vụ sạt lở đất.

Anh Văn

Tin mới