Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Khám phá mùa săn sâu muồng ở Tây Nguyên

(VTC News) -

“Muốn bắt nhiều sâu muồng, phải chịu khó vào sâu trong rẫy, ở ngoài rìa người ta bắt hết rồi”, anh Y Nhật Niê nói trên đường săn loài sâu giá 200.000 đồng/kg này.

Mỗi năm vào độ đầu tháng 4, người Ê Đê ở Tây Nguyên lại đổ xô đi "săn" sâu và nhộng muồng để bán kiếm tiền và tích trữ ăn dần trong nhiều tháng.

Từ xã Ea H’Ding, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi theo anh Y Nhật Niê và chị H’ Thoa Mlô lên rẫy tìm bắt loài sâu đặc sản mà dân địa phương vẫn hay gọi là “tôm rừng”. Men theo lối nhỏ vào trong rẫy, chúng tôi băng qua nhiều cây số đường toàn sỏi đá.

Như đoán được sự sốt ruột của tôi, anh Nie vừa đi vừa giải thích: “Muốn bắt được nhiều sâu nhộng muồng thì phải chịu khó đi vào sâu hơn trong rẫy, chỗ mà ít người bắt thì mới còn nhiều, chứ ở ngoài rìa thì người ta bắt hết rồi”.

Chị Mlô chăm chú bắt sâu muồng.

Đi thêm một bìa rẫy nữa, chị Mlô bỗng reo lên rồi chỉ tay về phía đám cây bám đầy sâu, nhộng muồng. 

Lúc này, trời đã ngả trưa. Theo người địa phương thì giữa trưa là thời điểm thích hợp nhất để bắt sâu muồng, bởi chúng di chuyển từ các cành cây xuống lá tiêu hoặc bất kỳ loại lá nào bám được như cà phê, chuối... để tránh nắng gắt nên dễ tìm thấy hơn.

Anh Niê bỏ ngay con nhộng muồng vừa bắt vào miệng ăn.

Với bàn tay trần, anh Niê tóm lấy con sâu đầu tiên rồi bỏ ngay vào miệng thưởng thức trước con mắt sửng sốt và có phần kinh hãi của chúng tôi.

Nở nụ cười thấu hiểu, chàng trai Ê Đê nói: “Từ nhỏ mình đã được đi theo cha mẹ bắt sâu muồng về ăn. Sâu muồng bắt trên cây xuống ăn luôn sẽ có vị rất ngậy và thơm. Nhiều người lần đầu sợ không dám ăn, nhưng ăn quen sẽ thấy ngon. Sâu muồng là một trong những món ăn khoái khẩu nhất của người Ê Đê trên vùng đất Tây Nguyên này đó”.

Trong lúc đó, chị Mlô tỉ mỉ gỡ từng kén nhộng muồng bám dưới lá. Chị bảo: “Không phải ai cũng bắt được mỗi ngày 4-5kg để đi bán như tôi đâu. Muốn gỡ chúng ra khỏi tán lá, phải cẩn thận, gỡ kén trước, nếu không sẽ rất dễ vỡ. Đi bắt nhộng muồng phải có lòng kiên nhẫn cộng với chút may mắn. Hôm nào tìm được cây muồng bám nhiều sâu, nhộng thì chắc chắn hôm đó sắp nhỏ trong nhà có bữa cơm thịt. Vì cái này đem bán cho mấy hàng quán người ta thích lắm”.

Sâu và nhộng muồng sau khi bắt sẽ được phân loại, tách nhộng và sâu ra riêng.

Cứ thế, mắt kiếm tìm, tay bắt, miệng chuyện trò, chẳng mấy chốc anh Niê và chị Mlô đã thả vào gùi cả mớ sâu và nhộng muồng. Đám sâu bò lổm ngổm trong gùi có thể là nỗi sợ hãi của khách thành phố, nhưng chắc chắn là nỗi vui mừng của hai người Ê Đê này.

Sau nhiều giờ vất vả vạch lá tìm sâu, cả nhóm ra về với chiến lợi phẩm là một gùi đầy sâu và nhộng muồng. Chúng sẽ được phân loại. Nhộng thì đem luộc lên rồi bán, còn sâu thì phải chờ đến khi thành nhộng, chui vào kén. "Khi sâu thành nhộng rồi thì phải luộc, kẻo để lâu chúng sẽ  lột xác thành bướm mất", chị Mlô giảng giải.

Rồi chị vào bếp để "xử lý" đám “tôm rừng” vừa bắt được để đãi khách. Rửa sạch những con nhộng muồng, chị cho lên bếp xào chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn. Những con sâu vốn có màu đen, kén nhộng màu xanh lá sau khi chế biến đều mang màu vàng ruộm hết sức bắt mắt.

Nhộng muồng sau khi xào nấu chuyển từ xanh sang vàng ruộm.

Món nhộng muồng xào có mùi thơm hấp dẫn, vị ngậy béo rất "đưa cơm" khiến khách thành phố như chúng tôi quên cả ngại ngần, e sợ. Những người từng được thưởng thức món này hẳn sẽ không còn thấy khó hiểu khi thấy người Ê Đê mê mẩn sâu muồng đến vậy. Loài côn trùng này trở thành đặc sản ở các hàng quán Tây Nguyên, được thu mua với giá 170.000-200.000 đồng/kg. 

Video:Người Tây Nguyên bắt sâu muồng để làm thức ăn 

THANH HẢI - HIỀN MAI

Tin mới