Năm 2016, một mình Trường Hải thường xuyên thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi sâu để kích cầu. Sang đầu 2017, các hãng đối thủ mới bắt đầu cuốn vào "sóng" giảm giá, với Nissan rồi Toyota, Honda, Ford, GM... tiếp bước. Khách hàng chờ đợi xe tiếp tục rẻ về cuối năm.
Bên cạnh đó, thông tin xe nhập khẩu từ ASEAN sẽ hưởng thuế nhập khẩu 0% vào 2018 càng khiến người mua chờ đợi một viễn cảnh ô tô giá rẻ như các nước trong khu vực. Khách càng chờ, hãng càng sốt ruột, càng giảm giá để kéo lại doanh số. Tuy vậy, những tác động không báo trước của chính sách khiến giấc mộng giá xe rẻ sớm "chết yểu".
Giá xe 2018 không giảm
Tháng 9/2017, Honda thực hiện chương trình giảm giá sốc về dưới 800 triệu cho CR-V để xả hàng tồn. Khách Việt đua nhau lao tới các đại lý đặt hàng, nhưng số lượng có hạn, nhiều đại lý vỡ trận. Minh Hải (Hà Nội) đã nộp cọc 20 triệu, nhưng sau đó đành rút. Hải bấm bụng, "chờ 2018 mua bản mới, thuế 0% chắc giá cũng rẻ hơn".
Nhưng anh chàng làm nghề cung cấp sàn gỗ đã nhầm. Cả năm 2018, giá xe CR-V vẫn chưa giảm.
Cuối 2017, hãng thông báo giá xe tạm tính cho bản cao cấp 1.5 L là 1,1 tỷ, giao xe đầu 2018, thuế nhập khẩu tính 0%. Ngay sau đó, Nghị định 116 ra đời tháng 10/2017, hiệu lực từ tháng 1/2018 với yêu cầu về Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) gây khó cho việc nhập xe. Trước nguy cơ không có hàng, Honda Việt Nam quyết định nhập lô đầu tiên trước 2018, với thuế 30%, giá xe lúc này tăng lên ngưỡng 1,256 tỷ.
Minh Hải lúc này chần chừ, phần muốn có xe đi, phần lại không chấp nhận bỏ thêm gần 200 triệu. Sau khi bàn bạc với vợ, anh chờ tiếp. Sang 2018, khi Honda là một trong những hãng nhập được xe sớm nhất, thì giá CR-V tháng 3 quay về ngưỡng 1,068 tỷ, vẫn đắt hơn 40 triệu so với bản lắp ráp 2.4T hồi tháng 8/2017.
Quyết định mua xe của Hải, lại hoãn không thời hạn.
Những biến động chính sách khiến Minh Hải và nhiều người Việt chưng hửng vì đợi giá xe giảm nhưng thực tế ngược lại. Năm 2017, doanh số ngành ôtô giảm 10% so với 2016 khi khách hàng có tâm lý dừng mua, chờ đợi 2018 khi thuế nhập khẩu xe từ ASEAN về 0%. Thực tế, giá xe nhập khẩu và cả lắp ráp đều không giảm như kỳ vọng.
Honda CR-V 2018 bản cao cấp tại một đại lý ở Quận Tân Bình, TP HCM. (Ảnh: Thành Nhạn)
Ở mảng nhập khẩu, rào cản Nghị định 116 khiến hãng không thể đưa xe về nước hoặc chỉ số ít. Toyota Fortuner, Honda CR-V hay Everest, Ranger đều giữ giá, thậm chí thỉnh thoảng nhích lên vài triệu. Từ đầu năm, CR-V L đã có 3 đợt điều chỉnh từ 1.068 lên 1.073 rồi 1.083 triệu.
Trong tháng 6, Toyota tăng giá cả Fortuner và Hilux. Chiếc SUV Fortuner tăng 45 triệu cho bản máy dầu số sàn 1 cầu, bản cao nhất 2.7 xăng 4x4 AT cũ thay bằng bản 2.8 diesel 4x4 AT và cũng tăng 46 triệu. Mẫu bán tải Hilux tăng 18-22 triệu.
Những mẫu xe nhập khẩu khác của Ford, Mitsubishi, Isuzu không biến động về giá. Tương tự, phân khúc hạng sang cũng không có gì mới mẻ trong giá xe. Hầu hết đều túc tắc bán hàng tồn năm ngoái, không có xe mới về nên "không có lý do để giảm giá".
Giá xe nhập khẩu tăng được các hãng trả lời giống nhau, bởi hai nguyên nhân chính: phiên bản mới thêm trang bị và năm 2017 đã giảm sâu để kích cầu, không có lãi nên 2018 không thể giảm nữa.
Xe lắp ráp là lựa chọn ưu tiên của khách khi xe nhập khẩu không có khách. Nhưng cũng bởi nhu cầu cao, xe lắp ráp cũng không giảm giá.
Hà Dương (Thanh Hóa) chọn chiếc CX-5 bản cao nhất, giá 1,019 tỷ từ đầu 2018 và quyết chờ nửa năm vì cũng không vội mua. Dương thấy mọi năm Trường Hải luôn có nhiều chương trình giảm giá liên tục, nên năm nay có thể cũng vậy. Nhưng cô nhầm. Cả năm 2018, hiện nhà phân phối Mazda chưa có chương trình giảm giá hay ưu đãi nào như mọi năm. Lý do, theo hãng này, năm nay là khoảng thời gian bán xe lấy lãi, những năm trước bán xe giảm giá nên không có lãi.
Biến động giá xe CX-5 từ 2017 sang 2018. Giá xe từ khoảng tháng 11/2017 đã bắt đầu tăng và từ tháng 2/2018 tới nay, giá giữ ổn định mức 1,019 tỷ, chưa có thay đổi nào.
Tương tự với Hyundai Thành Công, mức giá của Tucson hiện giữ từng tháng 11 năm ngoái. Accent mới ra mắt từ tháng 4 cũng không giảm giá. Hiện hầu hết các xe của hãng đều trong tình trạng "khách chờ xe" chứ không phải xe chờ khách. Đại diện hãng cho biết việc cần thiết nhất là nhà máy đáp ứng kịp, không để khách chờ quá lâu.
Với tình trạng sản xuất không kịp bán, cầu vượt cung nhiều lần, hãng không giảm giá. Một nhân viên bán hàng ở đại lý tại Hà Nội cho biết, nếu năm ngoái khách thường hỏi anh "giá giảm được bao nhiêu" thì năm nay câu hỏi là "sớm nhất, khi nào có xe".
Khách hàng phải mua "bia kèm lạc"
Kiểu mua xe phải lấy thêm phụ kiện (bia kèm lạc) vốn trước đây thường gắn liền với các mẫu xe của Toyota như Fortuner, Innova thì sang 2018 xảy ra ở khắp các đại lý của nhiều hãng. Ford Explorer đội thêm 150 triệu, CR-V kèm gói 60-70 triệu, Fortuner hơn 100 triệu, mới nhất là Rush cũng tới 80 triệu tiền phụ kiện. Nếu khách không đồng ý mua phụ kiện, phải chấp nhận chờ nhiều tháng, thậm chí bị đẩy lùi dần.
Nhiều khách hàng tỏ ra khó chịu, nhưng cũng khá nhiều người cho rằng chuyện này bình thường. "Quy luật cung cầu cũng giống như mua hàng hóa khác thôi, không anh có thể ép anh nếu anh không thích", Nguyễn Cương (Hưng Yên) nói sau khi "xuống tiền" cho chiếc Rush.
Khách hàng tham khảo xe Rush tại một đại lý Toyota ở TP HCM. (Ảnh: Thành Nhạn)
Một nhân viên bán hàng tiết lộ, đại lý có nhiều cách để tối ưu hóa lợi nhuận. Ví như Santa Fe hiện đã đóng dây chuyền từ nhà máy để chuẩn bị cho thế hệ mới ra mắt cuối năm nay. Đại lý bắt đầu gom và giữ hàng. Khách hỏi mua nhận được câu trả lời hết hàng, nhưng "nếu anh thích, em sẽ kiếm ở nơi khách, chi phí thêm vài chục triệu".
Chưa hết, thành viên bộ phận bán hàng một hãng xe Nhật chia sẻ, đơn hàng của đại lý báo lên được quản lý để trả xe theo thời gian "ai mua trước nhận xe trước". Tuy vậy, có đại lý sẽ không nhập liệu lên hệ thống hợp đồng đã chốt với khách, mà để đến ngày giao xe mới nhập, coi như ký hợp đồng lấy ngay, hoặc nhập liệu nhưng sau đó hủy với nhiều lý do. Với nhiều kẽ hở nên hãng cũng không thể quản lý việc mua xe bán kèm phụ kiện.
Video: Xe nhập khẩu miễn thuế sắp tung ra thị trường
Những khách không lắp thêm phụ kiện, thời điểm giao xe luôn tù mù. Đại lý có thể hẹn 2 tháng nữa, nhưng đến gần thời điểm giao xe lại nhận được thông báo cáo lỗi từ hãng vì các lý do khách quan như nhà máy không sản xuất kịp tiến độ, gặp vấn đề trong vận chuyển. Trong hợp đồng ký với khách, các đại lý cũng không cố định thời gian giao xe.
Minh Hải, sau khi lỡ hẹn với CR-V từ tháng 9/2017, tới nay đã hơn một năm, giá xe thì chưa có dấu hiệu giảm. Giấc mơ ôtô giá rẻ dần xa, Hải mất kiên nhẫn, nghĩ tới việc chuyển sang mua xe khác, nhưng "xe sẵn hàng mình lại không ưng".
Còn nhân viên bán hàng của đại lý, sợ nhất hiện nay là nghe điện thoại của người thân nhờ mua xe, nhưng ai cũng muốn lấy sớm.