Cây thị đặc biệt này đang được trưng bày tại mặt đường tỉnh 379 (Văn Giang, Hưng Yên). Nơi đây được ví như thủ phủ của cây cảnh Tết ở miền Bắc với hàng loạt siêu phẩm to, đẹp và đắt đỏ đang tề tựu.
Ông Nguyễn Tùng (Văn Giang, Hưng Yên), chủ nhân của cây thị cho biết tác phẩm này giống như “hoa hậu” trong làng cây cảnh mà dịp Tết 2025 anh mang ra trưng bày để mọi người chiêm ngưỡng chứ không muốn bán. Bởi với anh, cây thị này là vô giá.
“Đây là cây thị độc nhất vô nhị, chắc chắn bạn sẽ không thể tìm thấy cây thứ hai như thế. Điểm đặc biệt nhất của nó là dáng thế được hình thành một cách rất tự nhiên nhưng lại đẹp đến khó tả”, ông nói.
Quan sát bằng mắt thường cũng có thể thấy đây là cây thị nhiều năm tuổi, thân cao khoảng 3m, tán lá rộng khoảng 4m nhưng toàn bộ cây vẫn nằm gọn trong một chiếc chậu cảnh không quá lớn.
Bộ rễ được phơi bày trên mặt chậu, khoe những khúc ngoằn ngoèo, uốn lượn chứng tỏ thâm niên lâu năm của cây.
Phần thân thẳng tắp vươn lên từ bộ rễ vững chắc, được phủ một lớp vỏ màu xám - trắng, nhìn gần thì gai góc, thô ráp nhưng nhìn xa một chút thì mịn màng, mát mắt.
Cành và tán lá phân bổ đều theo dáng huyền, tựa như một chiếc thuyền úp ngược, lá cây xếp đan xen vào nhau dày đặc, tựa như có thể che đi toàn bộ nắng, mưa.
Ông Tùng cho biết, toàn bộ phần tay (cành lớn) được hình thành hoàn toàn tự nhiên, không có sự tác động của con người. Sau khi sở hữu cây, anh chỉ thực hiện tỉa dăm và tạo tác những cành nhỏ để không phá hỏng dáng vẻ tự nhiên vốn có của cây.
“Đây không phải là lần đầu tiên cây thị xuất hiện trước công chúng, tôi đã từng mang nó đi dự một vài triển lãm. Có người yêu cây trả tôi 1 tỷ đồng, có người còn trả đến 2 tỷ đồng nhưng tôi cũng không bán”, ông Tùng nói.
Theo ông Vương Xuân Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế Văn hóa và Nghệ thuật, một cây cảnh được đánh giá là đẹp và có giá trị phải đảm bảo được 7 yếu tố, gồm: Phô thân (từ gốc đến ngọn không bị lấp, khuất); Khoe dáng: (chuẩn dáng trực, dáng xiêu, dáng hoành, dáng huyền)...
Lộ căn (cây phải phô lộ được bộ mâm dễ xung quanh, mô phỏng như một cây cổ thụ); Cổ linh (phải là một cây cổ thụ, già nhưng phải có hồn cốt); Tinh tú (sự khác biệt, độc đáo hơn hẳn những cây cùng giống loại khác); Kỹ dăm (kỹ thuật tỉa dăm của người nghệ nhân được phô bày trên tác phẩm); Mịn tàn (cây sau khi qua bàn tay của người nghệ nhân có được tán lá dày mịn, đều màu).