1. "Italy đã không thắng theo cách thường thấy", HLV Roberto Mancini khẳng định sau chiến thắng nghẹt thở của đội bóng áo xanh trước Tây Ban Nha ở bán kết EURO 2020.
"Cách thường thấy" ấy là gì, nếu không phải lối chơi tấn công giàu tốc độ, lôi cuốn dựa vào khả năng kiểm soát bóng và pressing ấn tượng mà Italy thể hiện suốt 5 trận trước đó?
Giới chuyên môn đã đúng khi nhận định trận gặp Tây Ban Nha là cuộc so tài khó nhất Italy phải trải qua. Trả lời báo giới, Federico Chiesa khẳng định Italy đã học hỏi ở cách chơi của Tây Ban Nha.
Italy vào chung kết EURO sau 9 năm chờ đợi.
Không có gì xấu hổ khi thừa nhận điều đó, bởi có thời điểm, cách chơi kiểm soát bóng đều đặn tựa tiếng "tích tắc" của kim đồng hồ trở thành xu hướng thời thượng. Trung vệ Giorgio Chiellini cho rằng thế giới ngày càng ít cầu thủ phòng ngự giỏi, do các trung vệ sao chép cách đá kiểm soát bóng từ tuyến phòng ngự do Pep Guardiola khởi xướng.
Italy ở EURO 2020 không thoát khỏi dòng chảy tân thời, dẫu "tiki-taca" đang chết dần như một quy luật tất yếu của mọi thành trì chiến thuật. Gặp đối thủ cũng chơi kiểm soát bóng tương tự, thậm chí ở đẳng cấp cao hơn, Italy đã không lựa chọn chơi đôi công.
Cuộc đấu trí giữa hai trường phái tương đồng sẽ mang tới rủi ro lớn cho Italy, bởi suy cho cùng, "Azzurri" mới tập chơi kiểm soát từ năm 2018, còn kỹ năng cầm bóng, ban chuyền đã được răn dạy cho cầu thủ Tây Ban Nha từ khi chập chững tập đá bóng.
2. Trong cuốn tự truyện "Lãnh đạo trầm lặng", HLV Carlo Ancelotti gọi nghề huấn luyện là công việc "được trả tiền để đưa ra quyết định", đặc biệt là những quyết định dưới sức ép khủng khiếp, mà mỗi điều chỉnh, sai số cực nhỏ trong bộ óc HLV có thể làm thay đổi cả cục diện trận đấu.
Trở lại trận bán kết giữa Italy và Tây Ban Nha, HLV Mancini chỉ mất vài phút thăm dò để hiểu rằng không thể chơi đôi công. "Chúng tôi có thời điểm mất phương hướng", HLV Mancini nhớ lại. "Điều may mắn là Italy tìm đúng nhịp chơi và không đá mạo hiểm. Nên nhớ bóng đá không chỉ có tấn công, mà là cuộc chơi của cả tấn công và phòng ngự".
Video: Siêu phẩm của Chiesa
Ở trận này, HLV Luis Enrique đã cao tay hơn khi để Alvaro Morata ngồi ngoài, kéo Dani Olmo vào vị trí tiền đạo ảo. Trên sân, Olmo thường xuyên di chuyển giật lùi về hàng tiền vệ nhằm tạo quân số vượt trội cho Tây Ban Nha ở tuyến giữa.
Với Sergio Busquets, Koke và Pedri di chuyển thông minh vào những khoảng trống, Tây Ban Nha tấn công trung lộ nhuần nhuyễn, từng bước bẻ gẫy lớp pressing tuyến giữa của Italy. Nicolo Barella, Jorginho và Marco Verratti bị vô hiệu hóa. Tây Ban Nha cầm bóng 70%, tấn công vỗ mặt khiến hàng thủ Italy chịu sức ép chưa từng có.
Tuy nhiên, khi Italy rơi vào "cửa tử", HLV Mancini đã dũng cảm từ bỏ lối chơi kiểm soát. Azzurri lùi về phòng ngự, tạo thành boong-ke bao vây cầu môn Italy.
Người ta nói nhiều đến hàng tiền vệ và hàng tấn công năng động, đại diện cho một Italy kiểu mới, nhưng trấn giữ tuyến phòng ngự vẫn là Leonardo Bonucci và Giorgio Chiellini - bộ đôi cận vệ già với nguồn kinh nghiệm dồi dào đã tạo thành lá chắn vững chắc, giúp Italy vượt qua 120 phút sóng gió.
Bonucci quá xuất sắc.
Italy trở lại cách đá phòng ngự từng làm nên thương hiệu, và dù không còn giữ phòng ngự là gam màu chủ đạo ở EURO 2020, Italy vẫn nhắc cho cả thế giới hiểu rằng họ từng là bậc thầy ngăn cản đối thủ ghi bàn.
3. Phòng ngự như lá bài cuối cùng HLV Mancini giấu trong tay áo, giúp ông đẩy trận đấu trở thành màn đối đầu giữa hai trường phái đối lập, thay vì đối đầu với Tây Ban Nha bằng chính lối chơi đặc trưng "La Furia Roja".
Hơn thế, phòng ngự không phải phương án bị động Italy buộc phải lựa chọn khi Tây Ban Nha chơi quá hay. HLV Mancini đã chính xác khi nói: "Dù tấn công hay phòng ngự, Italy đều tạo ra nhiều cơ hội". Dù lùi về với 11 cầu thủ ở phần sân nhà, Italy vẫn phản công và chuyển trạng thái xuất sắc.
Bàn thắng mở tỷ số của Federico Chiesa được ghi sau 3 nhịp chuyền bóng, tính từ đường phát động ở sân nhà của thủ môn Gianluigi Donnarumma.
Song, pha tấn công ấn tượng nhất của Italy đến ở hiệp 1. Marco Verratti lùi về đá như một trung vệ, còn Chiellini di chuyển dạt biên, đẩy hậu vệ trái Emerson Palmieri lên đá tiền đạo cánh, còn Lorenzo Insigne bó vào trong.
Verratti đã chuyền xẻ biên cho Chiellini, để hậu vệ này chuyền cho Emerson phá vỡ lớp phòng ngự biên của Tây Ban Nha. Bóng được nhồi vào trong cho Insigne, nhưng tiền đạo Italy bỏ lỡ cơ hội.
Italy đủ bản lĩnh vượt áp lực.
Cách tịnh tiến đội hình thần tốc của Italy trong bối cảnh chịu sức ép chính là khác biệt giữa họ và đội bóng của HLV Cesare Prandelli ở chung kết EURO 2012. Italy không gồng mình chịu đấm như 9 năm trước, mà bình tĩnh triển khai lối chơi.
Nhưng quan trọng nhất, Italy của HLV Mancini vẫn là tập thể lì lợm và kiên cường - đó là phẩm chất đối khi cần thiết hơn bất cứ hệ thống chiến thuật nào khác.
"Tôi không xấu hổ khi nói rằng không ai có sức chịu đựng tốt như người Italy. Chúng tôi đã gồng mình chống trả trong cả trận đấu. Italy sẵn sàng làm những công việc nhọc nhằn nhất và cùng nhau chống đỡ để vào chơi trận chung kết", Bonucci nhấn mạnh.
Sức chịu đựng của Italy chính là khoảnh khắc Jorginho nhảy chân sáo và tung cú sút lạnh như băng, trong bối cảnh áp lực khủng khiếp đang bủa vây Italy. HLV Mancini không thể chỉ dạy cho học trò điều đó, nếu nó không xuất phát từ bản năng.
Tương tự, dù sử dụng chiến thuật ưu việt ra sao, HLV Enrique cũng không thể giúp Alvaro Morata bớt yếu đuối trước khoảnh khắc quyết định.
Đó là sự khác biệt của bản ngã Italy. "Kẻ mạnh chưa chắc đã thắng, mà kẻ thắng mới là kẻ mạnh", câu nói của huyền thoại Franz Beckenbauer chưa bao giờ hết lỗi thời.