Tổng thống Sergio Mattarella đã bác đơn từ chức của Nhà lãnh đạo này và cho Quốc hội thời hạn một tuần để thống nhất khối đoàn kết dân tộc. Nếu thất bại thì kịch bản về các cuộc bỏ phiếu sớm vào mùa Thu này dường như là không thể tránh khỏi.
“Những cuộc khủng hoảng mùa Hè” vốn không phải xa lạ trong đời sống chính trị Italia , nhưng cuộc khủng hoảng lần này lại rất đặc biệt. Đó là việc một một Thủ tướng, với đa số vững chắc tại Quốc hội kiên quyết từ chức sau khi đảng Phong trào 5 sao (M5S), đảng lớn thứ 2 trong liên minh cầm quyền, từ chối thông qua một văn kiện được thảo luận tại Thượng viện. Thủ tướng Mario Draghi đã nhấn mạnh tới sự kết thúc của tinh thần đoàn kết dân tộc, điều từng giúp ông lên nắm quyền cách đây 17 tháng.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella. (Ảnh: L'Espresso)
Quyết định từ chức của ông Mario Draghi cũng đồng nghĩa với việc nhà lãnh đạo này sẽ khó có thể đến Algeria vào đầu tuần tới để ký các hợp đồng cung cấp khí đốt thiết yếu nhằm giúp đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Nhiều kịch bản đã được đặt ra cho Italia từ việc chọn một thủ tướng tạm quyền để xử lý các vấn đề cấp bách của đất nước đến liên minh của Phong trào 5 sao với các đảng dân túy. Tuy nhiên, kịch bản được nhắc tới nhiều nhất và cũng gây lo ngại nhất là nguy cơ bầu cử sớm ngay vào mùa Thu này, với những tác động không chỉ với Italia , mà cả châu Âu.
"Việc tổng thống bác bỏ yêu cầu từ chức của thủ tướng là một dấu hiệu tích cực. Tôi tin rằng có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.”
"Tôi hơi lo lắng, nhưng tôi tin tưởng vào sự khôn ngoan của các chính trị gia. Tôi hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ sớm được giải quyết. Chúng ta không thể đi bầu cử vào lúc này".
Các chính đảng tại Italia có thể gặp nhau vào ngày 18/7 để thảo luận về con đường phía trước và ngày 20/07, ông Mario Draghi sẽ phát biểu trước các nghị sĩ và có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mới.
Thủ tướng Mario Draghi, 74 tuổi, được cho là “vị cứu tinh” của đồng euro và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế lớn thứ ba Liên minh châu Âu khi khối này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và một cuộc xung đột ngay cửa ngõ.
Thượng nghị sĩ Antonio Saccone thuộc đảng Tiến lên Italia cho rằng sự sụp đổ của chính phủ Thủ tướng Mario Draghi sẽ có nguy cơ gây “bất ổn” cho châu Âu”. Thị trường tài chính đã ngay lập tức có phản ứng khi đồng ơ-rô giảm so với đồng USD. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Italia và Đức, một chỉ báo rủi ro chính, cũng tăng lên.
Theo Giáo sư lịch sử Giovanni Orsina tại Rome, mặc dù tình hình ảm đạm, nhưng không phải là bước đường cùng: “Đây không phải là ngày tận thế. Italia sẽ đi tiếp và tiếp tục ở lại trong liên minh Đại Tây Dương, là một đối tác tin cậy trong Liên minh châu Âu, mạnh mẽ về kinh tế. Tuy nhiên không thể phủ nhận sự hiện diện của Thủ tướng Mario Draghi trong 18 tháng qua là rất quan trọng nhằm tạo uy tín và sức mạnh cho Italia , cũng như trong tất cả các cuộc đàm phán của liên minh Đại Tây Dương và Liên minh châu Âu. Đây là một sự mất mát, nhưng không phải là bước đường cùng".
Những diễn biến sắp tới trên chính trường Italia phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella khi nhà lãnh đạo này tìm cách để tránh phải tổ chức bầu cử sớm. Các cuộc đàm phán ở hậu trường sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, một điều chắc chắn là Thủ tướng Mario Draghi sẽ không tại vị lâu, do ông chỉ ở lại theo yêu cầu của Tổng thống.