Máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 Flanker thường được các chuyên gia Nga ca ngợi, là một trong những máy bay chiến đấu hiện đại và tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiệu suất chiến đấu trên chiến trường của Su-35 ở Ukraine đã gây ra nhiều tranh cãi. Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga đã phải rất vất vả để giành ưu thế trên không trước Ukraine, không phải do thiếu máy bay có khả năng mà là do các hệ thống tên lửa phòng không hiệu quả của phương Tây trong khu vực.
Theo các nguồn tin từ Ukraine và một số báo cáo của phương Tây, các hệ thống phòng không của Kiev được cho là đã bắn hạ ít nhất bảy máy bay chiến đấu Su-35 của Nga trong năm nay. Trong khi con số chính xác về tổn thất vẫn chưa rõ ràng, nhưng hiệu suất kém cỏi của Su-35 ở Ukraine đã trở nên rất rõ ràng.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông vào tháng 3/2024, người phát ngôn chính thức của tập đoàn Sukhoi đã thừa nhận rằng, hiệu suất chiến đấu của Su-35 trong không phận Ukraine không đáp ứng được kỳ vọng.
Su-35 bị bắn hạ ở Ukraine.
Nguyên nhân
Nhưng chính xác thì điều gì dẫn đến sự kém hiệu quả đáng ngạc nhiên của Su-35 kể từ đầu năm 2024? Một số chuyên gia cho rằng, hệ thống phòng không của Ukraine đã được cải thiện nhiều so với năm 2023. Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng, nguyên nhân thực sự nằm ở sự thay đổi chiến thuật của Không quân Nga.
Su-35 được thiết kế để chiến đấu trên không, nhưng ở Ukraine, không có đối thủ nào trên bầu trời. Trong những trận chiến dữ dội, Su-35 phải hoạt động ở độ cao thấp hơn. Sự thay đổi chiến thuật này khiến Su-35 dễ bị tổn thương trước mạng lưới phòng không dày đặc của Ukraine.
Các chuyên gia Bulgarian Military từng viết vào hồi tháng 3/2024 rằng, “Mạng lưới dày đặc các hệ thống phòng không tiên tiến trong không phận Ukraine là một thách thức đáng gờm, ngay cả đối với các máy bay hạng nhất như Su-35”. Đến tháng 11/2023, Quân đội Ukraine đã bắn hạ tổng cộng năm chiếc Su-35. Ngoài ra, các báo cáo đầu năm 2024 chỉ ra rằng một đội tên lửa Patriot của Ukraine đã bắn hạ thành công thêm hai chiếc Su-35 trong các hoạt động chiến đấu.
Sai sót của con người là một khía cạnh quan trọng khác cần lưu ý. Su-35 không phải là loại máy bay dễ điều khiển. Đây là loại máy bay tiên tiến đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ năng và kinh nghiệm dày dặn để vận hành hiệu quả. Khi phi công thiếu đào tạo hoặc kinh nghiệm hạn chế có thể làm giảm đáng kể hiệu suất chiến đấu của cả phi công và máy bay.
Sự xuất hiện của F-16 có thể có lợi cho Su-35. Việc đưa Su-35 đối đầu với F-16 có thể giúp khôi phục lại danh tiếng đã bị hoen ố của Flanker, đặc biệt là khi nó giành được chiến thắng.
Chiến đấu cơ Su-35.
Su-35 vẫn được đánh giá cao
Nga đang tăng cường sản xuất máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57 để bổ sung cho lực lượng không quân. Tuy nhiên, hiệu suất của Su-35 ở Ukraine không được như mong đợi, nhiều máy bay bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tiên tiến của phương Tây như tên lửa Patriot.
Các báo cáo gần đây từ nhà máy Komsomolsk-on-Amur cho thấy sự tăng trưởng ổn định trong việc sản xuất máy bay chiến đấu Su-35 và Su-57. Đáng chú ý, Nga không gặp phải thách thức đáng kể nào trong việc sản xuất máy bay chiến đấu, bất chấp những lệnh cấm vận của phương Tây.
Su-35 được thiết kế tại Nga, là máy bay siêu cơ động hai động cơ có nguồn gốc từ Su-27 Flanker thời Liên Xô. Chương trình ban đầu, do các nhà hoạch định Liên Xô chỉ đạo, nhằm mục đích phát triển một máy bay chiến đấu mới có khả năng cạnh tranh với máy bay thế hệ thứ tư của Mỹ, chẳng hạn như McDonnell Douglas F-15 Eagle và Northrop Grumman F-14 Tomcat.
Nguyên mẫu đầu tiên của Su-35 (ban đầu được gọi là Su-27M), lần đầu tiên bay lên bầu trời vào đầu những năm 1980. Theo thời gian, nền tảng này đã phát triển và được NATO gọi là “Flanker-E”. Theo United Aircraft Corporation, Su-35 được mô tả là “một chiến đấu cơ mang đầy đủ các phẩm chất của một máy bay hiện đại như khả năng cơ động cao, tốc độ siêu thanh và tầm hoạt động xa, khả năng kiểm soát hành động của một nhóm chiến đấu,... và có các lợi thế chiến thuật của một máy bay tiên tiến như khả năng mang vũ khí đa dạng, hệ thống tác chiến điện tử đa kênh tiên tiến, giảm tín hiệu radar và khả năng sống sót trong điều kiện chiến đấu khắc nghiệt”.
Su-35 và vũ khí mang theo.
Được trang bị nhiều giá treo để mang cả vũ khí ngoài, Su-35 được các chuyên gia đánh giá là một nền tảng mạnh mẽ và được thiết kế tốt. Máy bay chiến đấu này có thể mang theo một loạt tên lửa không đối không và không đối đất, bao gồm Vympel R-27, Molniya Kh-29 và Kh-58UShE tầm xa. Ngoài ra, Su-35 có thể triển khai bom dẫn đường bằng laser KAB-500Kr, KAB-1500Kr TV và KAB-1500LG. Đáng chú ý, Su-35 cũng được trang bị các biện pháp đối phó như máy gây nhiễu và hệ thống cảnh báo radar, máy bay còn được bổ sung pháo cao tốc Gryazev-Shipunov GSh-30-1 30mm đáng gờm.
Su-35 không phải là máy bay chiến đấu duy nhất của Nga đang hoạt động. Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine báo cáo rằng, gần 350 máy bay của Nga đã bị phá hủy kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu vào tháng 2/2022. Mặc dù con số này chỉ từ một phía, nhưng nhiều tài liệu và cảnh quay cho thấy sự suy giảm đáng kể trong các phi đội chiến đấu của Nga.